Từng bước thoát khủng hoảng

Phát biểu trên truyền hình quốc gia sau phiên họp nội các ngày 5-5, Thủ tướng Bồ Đào Nha Passos Coelho tuyên bố, nước này sẽ thoát khỏi chương trình cứu trợ kéo dài trong 3 năm, trị giá 78 tỷ EUR vào ngày 17-5 tới. Đây là khoản nợ mà bộ 3 gồm Ủy ban châu Âu (EC), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã trao cho Bồ Đào Nha vào tháng 5-2011. Bồ Đào Nha là quốc gia thứ hai sau Ireland tuyên bố rút khỏi chương trình cứu trợ quốc tế.

Kế hoạch ngân sách năm 2014 của Bồ Đào Nha với mục tiêu tiết kiệm 3,9 tỷ EUR thông qua việc cắt giảm lương và tiền trợ cấp hưu trí của khu vực công đã vấp phải sự phản đối, chỉ trích mạnh mẽ của người dân. Hầu như cuối tuần nào đường phố Lisbon cũng có biểu tình. Chính phủ Bồ Đào Nha bị đặt trong thế phải chứng minh được mình tận dụng tối đa đồng tiền vay được vào những khoản chi có tính toán. Khi thông báo về việc rút khỏi chương trình cứu trợ, Thủ tướng Passos Coelho nói rằng: “Quyết định này trên hết vì quyền lợi của người dân Bồ Đào Nha. Chúng ta đang lấy lại thế ổn định”.

Cuối tuần trước, EC, IMF và ECB đã đánh giá khá tốt về mức độ tín nhiệm đối với Bồ Đào Nha. Trước đó, cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch đã nâng triển vọng kinh tế của Bồ Đào Nha lên mức tích cực và giữ xếp hạng tín dụng của nước này ở mức BB+, đồng thời dự đoán Lisbon có thể sớm tái tham gia vị trí xếp hạng đầu tư. Sự tin tưởng của bộ 3 chủ nợ đã được cụ thể hóa bằng hành động. Giữa tháng 4 vừa qua, IMF đã giải ngân 851 triệu EUR cho Bồ Đào Nha. Quốc gia này được dự báo sẽ tăng trưởng kinh tế hơn 1%/năm trong vòng 2 năm tới. Tỷ lệ thất nghiệp ở Bồ Đào Nha đã giảm từ kỷ lục 17,7% vào đầu năm 2013 xuống còn 15,2% trong quý đầu tiên năm 2014. Đánh giá lại quá trình nỗ lực của Bồ Đào Nha, không thể bỏ qua các biện pháp thắt chặt kinh tế để giảm thâm hụt ngân sách cũng như mạnh dạn phát hành trái phiếu để huy động tài chính và đẩy mạnh xuất khẩu.

Hôm 16-4, Bồ Đào Nha đã thu được 1,25 tỷ EUR thông qua chương trình phát hành trái phiếu ngắn hạn. Theo Cơ quan quản lý nợ quốc gia, Lisbon đã bán được 925 triệu EUR trái phiếu kỳ hạn 1 năm với mức lãi suất 0,597% và 325 triệu EUR trái phiếu kỳ hạn 9 tháng với mức lãi suất là 0,487%. Ngày 11-2, cơ quan quản lý nợ nước này thông báo đã bán ra lượng trái phiếu trị giá 3 tỷ EUR kỳ hạn 10 năm.

Ở giai đoạn đỉnh điểm của sự khó khăn và khủng hoảng trong 3 năm qua, hàng trăm người trẻ tuổi vừa tốt nghiệp đã bỏ Bồ Đào Nha sang nước khác tìm việc. Nhưng nay, bài viết “Bồ Đào Nha: Người hùng bất ngờ của EU” trên Financial Times nhận định tiêu dùng và xuất khẩu đã Bồ Đào Nha tiến về phía trước với 41% hàng hóa sản xuất ở trong nước được xuất khẩu. Riêng nghề đóng giày thì 98% sản phẩm từ 1.700 doanh nghiệp là hàng xuất. Kể từ khi xảy ra khủng hoảng kinh tế ở Bồ Đào Nha đến nay, xuất khẩu tăng hơn 24%.

Nhiều nhà kinh tế đánh giá cao Bồ Đào Nha, cho rằng nước này đã chứng tỏ sự vượt trội so với các quốc gia trong khu vực. Chia sẻ khó khăn giữa chính phủ và người dân là điều kiện tiên quyết để giải quyết tiếp những vấn đề còn lại của cuộc khủng hoảng kinh tế.

NHƯ QUỲNH

Tin cùng chuyên mục