Từng bước tiếp cận công nghệ MEMS/IoT

Với chủ đề “MEMS/IoT cho thành phố thông minh”, ngoài diễn giả đến từ các trường, viện trong nước, hội nghị quốc tế về MEMS và hệ thống cảm biến lần này còn quy tụ nhiều diễn giả đến từ các nước…
Đây là cơ hội để tiếp cận các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực MEMS và hệ thống cảm biến. Qua đó, giúp các nhà khoa học trong nước có thêm nhiều ý tưởng, nhận định khoa học quan trọng để mở ra cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này.
Từng bước tiếp cận công nghệ MEMS/IoT ảnh 1 Nghiên cứu sản xuất Chip cảm biến áp suất tại Trung tâm Nguyên cứu Phát triển SHTP
Xây dựng nền tảng kiến thức chung
MEMS (Microelectromechanical systems - hệ thống vi cơ điện tử) là hệ thống tích hợp cả phần vi điện tử và phần cơ khí; qua đó, tạo nền tảng cho cuộc cách mạng về các sản phẩm thông minh trong tương lai gần với nhiều ưu điểm như có thể sản xuất hàng loạt, kích thước nhỏ gọn, tiết kiệm điện năng, độ tin cậy cao… Chính vì thế, dưới sự chủ trì của Ban quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP), Trung tâm Nghiên cứu và triển khai SHTP phối hợp cùng tổ chức MEMS JSPE (Nhật Bản) vừa tổ chức hội nghị quốc tế về MEMS và hệ thống cảm biến với chủ đề “MEMS/IoT cho thành phố thông minh” đóng vai trò thiết thực trong bối cảnh TPHCM đang xây dựng thành phố thông minh. 
Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban quản lý SHTP, mục tiêu của hội thảo rất phù hợp với định hướng chính sách của TPHCM, nhằm nâng cao nhận thức về tính khả thi của công nghệ MEMS/cảm biến để giải quyết nhiều vấn đề của thế giới, bao gồm xóa đói giảm nghèo, chăm sóc y tế không hiệu quả/chăm sóc y tế tốn kém, các chính sách về ô nhiễm và lãng phí năng lượng quá mức. 
Tại hội thảo, các chuyên gia nước ngoài khẳng định, muốn giúp Việt Nam xây dựng một nền tảng kiến thức chung và nguồn thông tin đáng tin cậy, bảo đảm tính khả thi cũng như tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ MEMS/cảm biến, có vai trò như chất xúc tác tạo ra phương tiện thương mại hóa quan trọng cho Việt Nam. 
Cảnh báo ngập nước
Ông Nguyễn Tấn Khoa, Phòng Quản lý khoa học của Trung tâm Nghiên cứu và triển khai SHTP, cho biết công nghệ MEMS/cảm biến sắp được ứng dụng vào hệ thống quan trắc mực nước tự động gồm mạch điện truyền thông 3G và module cảm biến áp suất, phần mềm quản lý dữ liệu tập trung và ứng dụng trên thiết bị di động. Trong đó, cảm biến áp suất do trung tâm nghiên cứu, chế tạo. Khi có tình trạng ngập lụt do triều cường hoặc mưa lớn, hệ thống này sẽ tự đo mực nước (5 phút/lần) và truyền dữ liệu về máy chủ. Sau khi phân tích dữ liệu nhận được ở các điểm ngập, phần mềm quản lý dữ liệu sẽ đưa ra thông tin cảnh báo ngập và lộ trình di chuyển cho người dân trên thiết bị di động. Hệ thống này sẽ được lắp đặt thí điểm trong tháng 10-2017 ở 15 điểm thường xảy ra ngập lụt tại 8 quận của thành phố (quận 2, 5, 6, 8, 9, Gò Vấp, Tân Bình, Thủ Đức). 
Tại hội nghị, các chuyên gia đầu ngành đã trình bày, chia sẻ kinh nghiệm về ứng dụng MEMS để xây dựng thành phố thông minh và các công nghệ mới liên quan đến lĩnh vực này. Điển hình như ứng dụng hệ thống cảm biến trong kiểm soát về giao thông tại Nhật Bản; tích hợp lưu trữ năng lượng cho IoT của Australia; MEMS trong lĩnh vực y sinh ở Hàn Quốc; phương pháp thiết kế các chi tiết cho việc quang khắc bằng kỹ thuật in nano ở Nhật Bản… Hội nghị là dịp để TPHCM quảng bá với thế giới về chương trình xây dựng thành phố thông minh. Đồng thời là cơ hội để các nhà khoa học, doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận với những công nghệ mới, học hỏi kinh nghiệm ứng dụng MEMS vào việc xây dựng thành phố thông minh của thế giới để có thể triển khai ứng dụng phù hợp với Việt Nam.
Được biết vào cuối tháng 10-2016, Trung tâm Nghiên cứu và triển khai SHTP cùng Tổ chức Sorist (Nhật Bản) đã công bố sản phẩm mẫu cảm biến áp suất kiểu áp trở. Theo đó, trong thời gian 5 tháng, tại phòng thí nghiệm bán dẫn thuộc trung tâm, các học viên đã giải mã công nghệ chế tạo cảm biến áp suất kiểu áp trở và đóng gói sản phẩm cuối cùng với sự hướng dẫn của giáo sư Susumu Sugiyama (Nhật Bản). Các kỹ sư Việt Nam đã trải qua các khâu trong quy trình khép kín; từ thiết kế linh kiện cảm biến áp suất kiểu áp trở, công đoạn quang khắc đến các công đoạn chính như khuếch tán, tạo điện cực kim loại, đo kiểm, khảo sát các thông số… Với sản phẩm cụ thể áp dụng cảm biến là hệ thống đo mực nước, TPHCM có thể xây dựng hệ thống thông tin cảnh báo nơi ngập, mức độ ngập để giúp người tham gia giao thông chủ động được lộ trình di chuyển của mình. 
Còn theo Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và triển khai SHTP Ngô Võ Kế Thành, UBND TPHCM đã giao SHTP chủ trì chương trình phát triển MEMS của thành phố. SHTP phải tập trung đào tạo nguồn nhân lực MEMS; tiếp nhận những ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong lĩnh vực MEMS trên thế giới để triển khai, tạo ra những sản phẩm trong nước, phục vụ xây dựng thành phố thông minh.

Tin cùng chuyên mục