Để hiểu rõ hơn sự ra đời cũng như những giải pháp kỹ thuật từ kỳ thi, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng (ĐHQG TPHCM), đã chia sẻ với phóng viên Báo SGGP xung quanh về kỳ thi ĐGNL.
° PHÓNG VIÊN: Thưa TS Nguyễn Quốc Chính, tại sao ĐHQG TPHCM lại tổ chức thêm kỳ thi ĐGNL để tuyển chọn thí sinh?
° TS NGUYỄN QUỐC CHÍNH: Tuyển sinh là công tác quan trọng trong hoạt động đào tạo của các trường ĐH, giúp tuyển chọn được người có kiến thức, kỹ năng, thái độ phù hợp với định hướng và mục tiêu của các chương trình đào tạo tại trường. Chất lượng của công tác tuyển sinh phụ thuộc rất nhiều vào phương thức ĐGNL của thí sinh. Tại Việt Nam, trong hơn 15 năm qua, phương thức đánh giá được đa số trường ĐH tin tưởng sử dụng là kỳ thi quốc gia; cụ thể là kỳ thi “3 chung” trong giai đoạn 2002-2014 và kỳ thi THPT quốc gia từ năm 2015 đến hiện tại. Mặc dù có ưu điểm giúp giảm nhẹ gánh nặng thi cử cho học sinh nhờ việc gộp 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH thành kỳ thi duy nhất, nhưng kỳ thi THPT quốc gia vẫn bộc lộ những hạn chế mang tính bản chất. Với mục tiêu chính để xét tốt nghiệp THPT, kỳ thi THPT quốc gia tập trung chủ yếu vào đánh giá khả năng hiểu và vận dụng kiến thức của học sinh đã được học trong chương trình THPT. Nói cách khác là đánh giá khả năng vượt qua ngưỡng tối thiểu về kiến thức phổ thông của học sinh. Chính vì vậy, kỳ thi THPT quốc gia bị hạn chế đáng kể về khả năng phân loại thí sinh và khả năng đánh giá những năng lực cần thiết để học ĐH của thí sinh.
Đề án “Xây dựng và tổ chức kỳ thi ĐGNL phục vụ công tác tuyển sinh ĐH-CĐ tại ĐHQG TPHCM” được thực hiện với mục tiêu tổ chức kỳ thi ĐGNL phục vụ công tác tuyển sinh của ĐHQG TPHCM từ năm 2018. Kỳ thi chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học ĐH của thí sinh như: năng lực sử dụng ngôn ngữ, năng lực tư duy logic, năng lực phân tích, tổng hợp giải quyết vấn đề. Kết quả kỳ thi ĐGNL sẽ giúp mở rộng phương án tuyển sinh của ĐHQG TPHCM, góp phần đánh giá chính xác và toàn diện hơn năng lực của thí sinh, từ đó tuyển chọn được thí sinh có năng lực phù hợp.
° Ông có thể chia sẻ sự chuẩn bị của ĐHQG TPHCM để có được kỳ thi ĐGNL như hiện nay?
° Sau khi nhận ra những hạn chế của kỳ thi THPT quốc gia, đầu năm 2016, ĐHQG TPHCM quyết định thực hiện đề án “Xây dựng và tổ chức kỳ thi ĐGNL phục vụ công tác tuyển sinh ĐH, CĐ tại ĐHQG TPHCM”.
Để thực hiện đề án, ĐHQG TPHCM đã tập hợp đội ngũ chuyên gia có chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm ở các lĩnh vực: quản lý giáo dục, đo lường đánh giá, toán học, ngôn ngữ, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội… Nguồn tài chính xây dựng và triển khai đề án cũng được ĐHQG TPHCM cung cấp, đảm bảo đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ chuyên gia; phục vụ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phần cứng - phần mềm hiện đại. Lộ trình triển khai khoa học và cẩn trọng theo từng bước: chuẩn bị (2016-2017), thử nghiệm (năm 2018), mở rộng (từ năm 2019).
° Qua 2 năm triển khai kỳ thi ĐGNL đã đạt được những kết quả như thế nào, thưa ông?
° Với quá trình hơn 2 năm chuẩn bị, triển khai và liên tục cải tiến chất lượng, đến thời điểm hiện tại, ĐHQG TPHCM đã xây dựng được ngân hàng câu hỏi với số lượng lớn, chất lượng cao. Tất cả các câu hỏi được đánh giá về độ giá trị, độ tin cậy, độ phân biệt… thông qua nhiều vòng phản biện và thẩm định cẩn trọng bởi chuyên gia và đánh giá thực tế trên đối tượng học sinh THPT. Việc quản lý ngân hàng câu hỏi, xây dựng đề thi, chấm thi, đánh giá câu hỏi được thực hiện với hệ thống phần mềm chuyên dụng, tương đương với các tổ chức đánh giá uy tín trong khu vực và trên thế giới. Công tác tổ chức thi cũng được hoàn thiện, từ khâu đưa thông tin đến thí sinh, đăng ký dự thi, tổ chức thi, công bố điểm thi tới thí sinh, chuyển kết quả thi tới đơn vị xét tuyển đã được hoàn chỉnh về quy trình thực hiện; tất cả đều ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh và đơn vị sử dụng kết quả thi ĐGNL để tuyển sinh.
° Với kỳ thi ĐGNL, liệu có nhẹ nhàng và triệt tiêu được những vấn đề mà dư luận luôn quan tâm đó là ôn thi, luyện thi tràn lan, tiêu cực?
° Với việc xây dựng bài thi theo hướng cung cấp số liệu dữ kiện; chú trọng tập trung ĐGNL suy luận tổng hợp, logic, giải quyết vấn đề… kỳ thi ĐGNL chắc chắn sẽ hạn chế tình trạng học lệch, học tủ. Cách luyện tập tốt nhất để đạt kết quả tốt trong kỳ thi ĐGNL chính là học thực chất, học đúng phương pháp. Chính vì vậy, các trung tâm luyện thi cho hình thức thi này cũng không thể dễ dàng phát triển tràn lan. Để phòng ngừa và ngăn chặn tiêu cực xảy ra trong kỳ thi, ĐHQG TPHCM đã xây dựng và áp dụng hệ thống quy chế, quy định, quy trình chặt chẽ; đồng thời thực hiện công tác tập huấn kỹ lưỡng cho đội ngũ cán bộ, giảng viên tham gia kỳ thi.
° Hiệu ứng của kỳ thi hiện nay đang rất lớn. Vậy trong tương lai ĐHQG TPHCM có dự tính gì về quy mô và hiệu quả của kỳ thi?
° Tính đến thời điểm ngày 15-3, đã có 20 trường ĐH, CĐ đăng ký sử dụng kết quả thi ĐGNL để tuyển sinh. Quy mô của kỳ thi cũng tăng đáng kể so với năm 2018. Hiện có khoảng 34.000 thí sinh đăng ký thi ĐGNL đợt 1 vào ngày 31-3. So với năm 2018, số lượng thí sinh đăng ký thi tăng gấp 7 lần. Ở đợt 2 tổ chức vào ngày 7-7, có thể nhiều thí sinh đăng ký dự thi hơn do có thêm các điểm thi tại khu vực ĐBSCL, Nam Trung bộ. Sự tăng nhanh của quy mô kỳ thi thể hiện được sự tin tưởng của thí sinh và của các trường ĐH, CĐ vào kỳ thi ĐGNL. Sự tăng quy mô cũng theo đúng lộ trình phát triển của kỳ thi, đã được dự đoán khi xây dựng đề án.
Khi hiệu quả kỳ thi được kiểm chứng thông qua kết quả tuyển sinh của các đơn vị trong và ngoài ĐHQG TPHCM, quy mô của kỳ thi có thể tăng thêm nữa. Ngoài việc sử dụng cơ sở vật chất và nhân sự của mình, ĐHQG TPHCM sẽ phối hợp với các trường ngoài hệ thống ĐHQG TPHCM để cùng tổ chức kỳ thi.
° Về lâu dài, ĐHQG TPHCM có tính phương án chia sẻ hay hợp tác để tổ chức kỳ thi có quy mô rộng lớn hoặc những trường khác muốn sử dụng ngân hàng đề thi của ĐHQG TPHCM?
° Ngay từ khi xây dựng đề án, ĐHQG TPHCM đã xác định rõ mục tiêu và lộ trình phát triển của kỳ thi ĐGNL. Trong giai đoạn đầu, kỳ thi chủ yếu phục vụ mục tiêu tuyển sinh cho các trường, khoa thành viên. Sau đó, kỳ thi sẽ được mở rộng để giúp các trường ĐH, CĐ trong hệ thống giáo dục ĐH Việt Nam. ĐHQG TPHCM từng bước xây dựng một trung tâm khảo thí độc lập, chuyên trách thực hiện công tác ĐGNL. Trung tâm này sẽ xây dựng phương thức đánh giá chuyên nghiệp, bao gồm công cụ đánh giá (bài thi) và quy trình đánh giá (cách tổ chức thi). Trung tâm sẽ phối hợp với đơn vị ở các địa phương để thường xuyên và định kỳ tổ chức các kỳ thi ĐGNL, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham dự. Các trường ĐH, CĐ sẽ dùng kết quả thi của thí sinh như điều kiện tuyển sinh. Đây chính là phương thức tuyển sinh được sử dụng ở khá nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới.