Năm ngoái, Ais khi đó 7 tuổi, ngồi giữa mẹ và anh trai trên xe máy chở theo một gói đồ mà Ais nghĩ là cơm dừa gói bằng lá chuối. Cha và một người anh nữa của Ais đi trên một chiếc xe khác, cũng chở theo một gói đồ. Họ lao nhanh đến một đồn cảnh sát ở Surabaya, thành phố lớn thứ 2 của Indonesia. Các bọc Ais tưởng là cơm dừa thực chất là bom và gia đình cô bé đã thực hiện một vụ tấn công liều chết. Không một ai trong nhà Ais sống sót, trừ em bị hất văng khỏi xe do áp lực từ vụ nổ. Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sau đó đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công này.
Giờ 8 tuổi, Ais được đưa vào chương trình phi cực đoan hóa do Bộ Xã hội Indonesia quản lý. Trong một khu phức hợp ở thủ đô Jakarta, cô bé cùng với các bạn của mình - con cái của những phần tử đánh bom liều chết hay từng có ý định gia nhập IS ở Syria - được nghe các bài hát yêu thích, học kinh Quran, chơi những trò chơi tạo sự tin tưởng lẫn nhau... Khairul Ghazali, người từng ngồi tù 5 năm vì tội khủng bố, cho hay, có hàng ngàn trẻ em như Ais tại Indonesia tổn thương bởi tư tưởng cực đoan bị tiêm nhiễm từ chính cha mẹ của các em.
Sau khi ra tù, Ghazali mở một trường học về đạo Hồi tại TP Medan ở đảo Sumatra. Tuy nhiên, để những đứa trẻ rũ bỏ được tư tưởng cực đoan là điều không dễ dàng. Cha mẹ của khoảng một nửa số học sinh đang học ở trường của Khairul đã chết trong các cuộc giao tranh với cảnh sát chống khủng bố Indonesia. “Lẽ tự nhiên, bọn trẻ muốn trả thù cho cha mẹ chúng. Chúng được dạy căm ghét Nhà nước Indonesia”, Khairul nói. Tư tưởng cực đoan được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác và số lượng lớn người Indonesia có mối liên hệ với IS là mầm mống của các phiến quân trong tương lai. Con trai của Imam Samudra, một trong những kẻ lên kế hoạch vụ đánh bom ở Bali năm 2002, làm 202 người chết, là một ví dụ. Năm 2008, Samudra bị tử hình, con trai của y khi đó 12 tuổi. Đứa bé sau đó gia nhập IS và chết ở Syria năm 19 tuổi.
Sidney Jones, Giám đốc Viện Nghiên cứu Phân tích chính sách xung đột, trụ sở ở Jakarta, cho rằng, giải pháp cho Indonesia là một chương trình tư vấn dài hạn, tốn kém như châu Âu đang thực hiện với sự liên kết chặt chẽ giữa trường học, nhà tâm lý xã hội học và gia đình. Nhưng dường như cam kết chính trị mạnh mẽ đang là điều còn thiếu ở Indonesia. Theo Ghazali, dù số lượng trẻ bị cực đoan hóa rất lớn nhưng đến nay, mới có khoảng 100 em tham gia các chương trình phi cực đoan hóa chính thức ở Indonesia. Trong khi đó, sự giám sát của chính phủ lại rất hạn chế. “Những đứa trẻ không được quản lý và theo sát sau khi chúng rời trường học”, Alto Labetubun, chuyên gia về khủng bố cho biết. Theo ông Alto, những đứa trẻ đó có vẻ như rất biết nghe lời nhưng đó chỉ là cơ chế sinh tồn của chúng. “Nếu bạn ở tù, bạn sẽ làm và nghe theo lời quản ngục để có thức ăn, nước uống... vì bạn biết rồi đến một ngày, bạn sẽ được ra khỏi đó”, chuyên gia Alto nói.