Ở TPHCM, chưa bao giờ ý thức về bảo vệ môi trường của các bạn trẻ lại cuồng nhiệt và thiết thực như hiện nay. Nhiều hoạt động được tổ chức thường xuyên nhằm tuyên truyền mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường. Chính những bạn trẻ đã và đang nhen nhóm tình yêu với môi trường, nỗ lực thay đổi hành vi của mình để tạo nên môi trường sống thân thiện hơn.
Trong tháng 3 vừa qua, các bạn trẻ ở TPHCM đã triển khai khá thành công Chiến dịch Giờ Trái đất 2012. Nhiều hoạt động đã được các bạn trẻ thực hiện một cách hiệu quả. Đó là triển khai dự án Chai mặt trời - một dự án cộng đồng đem lại ánh sáng cho nhiều người ở các hộ nghèo tại TPHCM bằng phương pháp rất đơn giản. Chai nước đã qua sử dụng được đổ đầy nước và thêm vào một lượng Javen theo tỷ lệ nhất định lắp đặt ở mái tôn sao cho một phần của nó tiếp xúc với mặt trời thì phần còn lại tiếp xúc với không gian sống sẽ phát sáng với độ quang phổ tương đương một bóng đèn neon; dự án Nguồn sáng tương lai - người dân có thể đổi bóng đèn tròn dây tóc lấy bóng đèn tiết kiệm điện miễn phí như một dự án khuyến khích cộng đồng quan tâm hơn đến vấn đề tiết kiệm năng lượng trong thói quen tiêu dùng hay chương trình Trường học đồng hành cùng giờ trái đất… những hoạt động tuy nhỏ nhưng đã góp phần lớn trong việc tuyên truyền nhận thức cho người dân về công tác bảo vệ môi trường.
Mới đây, ngày 5-5, hơn 100 bạn trẻ ở TPHCM đã tham gia sự kiện “Ngày Tác động khí hậu” với những hoạt động đầy ý nghĩa tại Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ. Ở đây, một điểm tròn (dot) lớn đã được tạo ra bằng cách ghép hàng trăm tấm ảnh ghi nhận tác động của biến đổi khí hậu tại Việt Nam. Kích thước kỷ lục của điểm tròn này cũng là thông điệp về sự nghiêm trọng của thực trạng khủng hoảng khí hậu trên toàn cầu hiện nay – nó sẽ càng ngày càng to ra hơn nữa nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ. Đây cũng sẽ là điểm tròn đại diện cho Việt Nam, sẽ được kết nối với hàng ngàn điểm tròn tại các sự kiện và hoạt động mà cộng đồng trên khắp thế giới đang tổ chức. Một góc bãi biển Cần Giờ cũng trở thành không gian của nghệ thuật và trí sáng tạo của giới trẻ, với những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt làm hoàn toàn từ rác thải mà các bạn trẻ đã thu gom được trong hoạt động dọn bãi biển. Cũng trong ngày hành động này, 100 cây cóc trắng đã được các bạn trẻ trồng trong vùng rừng chưa được cây che phủ thuộc Khu dự trữ sinh quyển Cần Giờ, vốn được coi là bức tường xanh bảo vệ TPHCM khỏi những cơn bão và các tác động biến đổi khí hậu.
Nhiều bạn tình nguyện viên đã tâm sự, có quá nhiều những sự kiện hoành tráng với kinh phí khổng lồ nhưng họ nghĩ rằng vẫn còn không ít người dân chưa thật sự hiểu được sự nghiêm trọng của khủng hoảng khí hậu đang xảy ra, cũng như không biết nên làm thế nào để thích nghi và tồn tại. Trong những tháng tới, các tình nguyện viên của nhóm sẽ thực hiện những hoạt động trực tiếp hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng. Tại một số điểm nóng về triều cường tại TPHCM, các bạn tình nguyện viên sẽ trồng hàng ngàn cây xanh, cùng người dân gia cố đê bao, vớt lục bình trên nhiều nhánh sông để khai thông dòng chảy, giảm tác động của triều cường lên các hộ dân cư nơi đây.
Trong tháng 6 tới, nhóm tình nguyện viên sẽ tiếp tục triển khai các hoạt động như đạp xe tuyên truyền, phát cẩm nang tư vấn cho người dân về chiến dịch tiêu dùng sản phẩm xanh lần thứ 3 do Sở Công thương, Saigon Co.op Mart và Báo Sài Gòn Giải Phóng tổ chức. Chiến dịch nhằm kêu gọi người dân hãy sử dụng sản phẩm xanh để bảo vệ sức khỏe cho chính mình. Có thể nói, những bạn trẻ, những nhà bảo vệ môi trường tương lai sẽ nhớ mãi những giây phút tốt đẹp của thời sinh viên, nơi họ đã và đang sống với nhiệt huyết của công dân trẻ, “nghĩ xanh, sống xanh”. Hành trang mang theo trên chặng đường tiếp theo của các bạn chính là cùng một suy nghĩ và chung tay hành động vì một môi trường xanh, sạch.
Minh Hải