Tưởng chuyên nghiệp, hóa nghiệp dư

Sau khi hàng loạt nghệ sĩ Việt Nam và quốc tế rút lui, ban tổ chức đại nhạc hội K-pop Open Air #2 đã ra thông báo xin dừng chương trình. Một lần nữa, câu chuyện về sự chuyên nghiệp trong khâu tổ chức các show diễn có sự tham gia của các nghệ sĩ quốc tế lại được chú ý.

Trong thông báo từ phía ban tổ chức, lý do dừng chương trình là “chưa thể đảm bảo và đáp ứng được hết các yêu cầu mà công ty đã báo cáo với thành phố Hà Nội cũng như kế hoạch đã thông báo đến khán giả như ban đầu”.

Đơn vị này cũng cho biết sẽ có thông báo chính thức về cách thức hoàn tiền vé. Trước đó, hàng loạt nghệ sĩ quốc tế (Kim Jae Joong, INFINITE, Highlight, The Wind...) và nghệ sĩ Việt (Tóc Tiên, Tăng Duy Tân, MC Vĩnh Phúc...) lần lượt thông báo không tham gia sự kiện. Lý do chung mà các nghệ sĩ đưa ra là ban tổ chức đã không thực hiện đúng các thỏa thuận trong hợp đồng.

Việc hai đêm nhạc K-pop Open Air #2 phải dừng trước thời điểm biểu diễn chỉ hơn một ngày đang gây ra nhiều tác động tiêu cực. Với người hâm mộ, tiền vé có thể được hoàn, nhưng nhiều người có thể mất nhiều chi phí khác như: dịch vụ lưu trú, đi lại, ăn uống… Hơn thế nữa, ở đây còn là câu chuyện về lòng tin, sự chuyên nghiệp và hình ảnh môi trường biểu diễn nghệ thuật Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế.

Khoảng 20 năm trở lại đây, các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam tổ chức concert, fan meeting… đã trở nên quen thuộc. Trong khoảng 2 năm 2022-2023 đã có hàng loạt nghệ sĩ nổi tiếng thế giới đến Việt Nam biểu diễn chính thức như: Kitaro, Babyface, Charlie Puth, Super Junior, aespa, BoA, Taeyang, CL, The Moffatts, 911, A1, Blue…

Cuối tháng 7 vừa qua, trong tour diễn vòng quanh thế giới, nhóm nhạc hàng đầu Hàn Quốc - Blackpink có 2 đêm diễn thành công tại Hà Nội. Hay như tại sự kiện Liên hoan âm nhạc quốc tế TPHCM lần 3 - Hò Dô 2023 đang diễn ra có đến 10 nghệ sĩ, nhóm nhạc quốc tế cùng góp mặt.

Sẽ không là thừa khi nhắc đến tính chuyên nghiệp trong công tác tổ chức. Ngay từ cách đây 20 năm khi các nghệ sĩ quốc tế đến Việt Nam biểu diễn đi kèm luôn là danh sách dài các yêu cầu về: âm thanh, ánh sáng, bảo hiểm, ăn ở, đi lại, truyền thông, bản quyền, tác quyền, quảng cáo… Thậm chí, có những nghệ sĩ còn bắt buộc phía ban tổ chức phải đáp ứng cả yêu cầu số lượng fan tham dự tối thiểu. Để đáp ứng, buộc chúng ta cũng phải chuyên nghiệp theo, nhất là khi đứng ở vai trò đơn vị tổ chức.

Chúng ta nhắc đến doanh thu 2 đêm nhạc Blackpink đạt hơn 300 tỷ đồng như một thành quả. Nhưng đó lại là một show diễn “nhập khẩu”, khi mọi công việc tổ chức, sản xuất đều do nhà sản xuất bên ngoài thực hiện. Còn với K-pop Open Air #2 hay những phàn nàn của người hâm mộ về 2 đêm diễn Westlife vừa qua cho thấy còn nhiều bất ổn trong công tác tổ chức các show diễn của nghệ sĩ quốc tế tại Việt Nam.

Chúng ta còn quá thiếu và yếu về mặt đội ngũ hoặc ở trong thế bị động dẫn đến mọi thứ vội vàng, quá sức, đôi khi cẩu thả. Thực tế này trực tiếp ảnh hưởng rất nhiều đến tính cạnh tranh và điểm nhìn của chính các nghệ sĩ quốc tế đối với thị trường Việt Nam.

Việc ngày càng có nhiều nghệ sĩ chọn đến Việt Nam biểu diễn là tín hiệu rất đáng mừng. Nghệ thuật biểu diễn là 1 trong 12 lĩnh vực nằm trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Tiềm năng thị trường đã quá rõ ràng. Nhưng để biến tiềm năng ấy thành những con số cụ thể, tính chuyên nghiệp, đồng bộ và sự chủ động thì phải được hiện thực hóa ngay bằng hành động cụ thể.

Tin cùng chuyên mục