Tượng đài được xây dựng là để tôn vinh các danh nhân lịch sử, văn hóa đồng thời đem lại nét mỹ quan cho đô thị. Tuy nhiên, tượng đài ở TPHCM không đem lại cho người dân, khách tham quan cảm nhận vẻ đẹp...
Có những tượng đài không ghi tên, tuổi người được tạc tượng, thời đại sinh sống, những chiến công, những đóng góp nổi bật cho đất nước, còn chỗ có thì chữ đã phai mờ, mốc meo. Thật tiếc khi ngắm nhìn những tượng đài mà ta chẳng biết người được tạc tượng là ai, như tượng đài tại vòng xoay ngã sáu Nguyễn Tri Phương (quận 10); tượng đài tại vòng xoay Cây Gõ (quận 6 và quận 11).
Khu vực chợ Nguyễn Tri Phương (quận 5) có tượng đài vua Quang Trung - Nguyễn Huệ tuy có đầy đủ tên tuổi và chiến tích nhưng chữ đã mờ đi nhiều, phải ghé mắt sát tấm bia mới đọc được. Xung quanh tượng đài này người dân dựng xe, vứt rác bừa bãi.
Chúng tôi cũng bắt gặp nhiều hình ảnh không đẹp ở các tượng đài như tượng đài danh tướng Trần Nguyên Hãn bị người dân chiếm dụng làm nơi buôn bán, hay tượng đài ở ngã sáu Lý Thái Tổ bị những người sống lang thang chiếm dụng.
Tượng đài cần đặt ở những vị trí khoáng đạt, trung tâm, có không gian rộng rãi, nhưng nhiều tượng đài của TP như bị nhốt trong khu vực chật hẹp, bị những tòa nhà cao tầng, những biển quảng cáo bao vây, như tượng đài vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, tượng đài liệt sĩ Trần Văn Ơn.
Nằm ở công viên Bách Tùng Diệp, đường Lý Tự Trọng quận 1, tượng đài liệt sĩ Trần Văn Ơn không được khắc tên, tuổi nhưng người xem biết được là nhờ đơn vị thi công có gắn biển nhỏ ở bên hông ghi tên đơn vị, tên công trình. Tượng đài thật đẹp nhưng nằm trong góc khuất nhiều cây cối, bị nhà cao tầng lấn át.
Việc xây dựng tượng đài nhằm tôn vinh các danh nhân lịch sử, văn hóa tiêu biểu của đất nước, là việc làm tri ân của thế hệ hôm nay với thế hệ đi trước. Mong sao TP có thêm những tượng đài đẹp, đồng thời không để kéo dài những thiếu sót nêu trên.
H’WIĂN NIÊ – THU HÀ – BÍCH PHƯỢNG