1. Cho đến bây giờ, một câu hỏi luôn luôn được đặt ra cho những người có ý thức về việc gìn giữ văn hóa Việt: “Làng quê Việt sẽ đi về đâu trong tương lai?”. Câu hỏi này quả là một câu hỏi khó trả lời. Bởi hiện thực cho chúng ta cảm giác làng đang trôi đi vô định. Có những người nói: Nếu không còn đình làng, không còn cây đa bến nước con đò... thì sẽ không còn làng Việt nữa. Trong tâm trí của người Việt lâu nay, đó là những hình ảnh có khả năng định danh làng Việt. Nhưng tôi không hoàn toàn nghĩ vậy. Bởi một trong mục tiêu của chúng ta hiện nay là xây dựng một xã hội văn minh và hiện đại. Như vậy, phải chăng ngay trong chính ý thức tốt đẹp ấy đã có sẵn một mâu thuẫn mà chúng ta đang lúng túng để hóa giải.
Chúng ta cũng phải thừa nhận rằng: những hình ảnh tạo nên một làng quê Việt đang dần dần mất đi. Lũy tre xanh hầu như không còn bao nhiêu nữa ở các làng quê Bắc bộ, những cây đa và con đò nơi bến sông quê cũng đang biến mất. Đã có quá nhiều câu hỏi đặt ra là những lũy tre xanh, cây đa, bến nước, con đò có còn cần cho đời sống nữa không? Và không ít câu trả lời là không cần. Tôi nghĩ, những con đò chắc chắn sẽ không còn vì không cần thiết nữa, phải xây dựng chiếc cầu qua sông. Những chiếc cầu đáp ứng sự phát triển đời sống, vừa phục vụ con người một cách tốt nhất, vừa tạo ra những vẻ đẹp mới trên những dòng sông. Nhưng những cây đa ở đầu làng thì tại sao lại phải chặt bỏ, vì sao lại phá đi những lũy tre làng khi mà nó không hề cản trở sự phát triển của một làng quê Việt. Giữ lại những cái cây ấy, chúng ta vừa giữ được môi trường thiên nhiên vừa giữ được dáng nét của một làng quê.
Ảnh: KHUÊ VĂN
Quá nhiều làng quê đã thay đổi bởi những nhu cầu sống tạm thời. Nhưng điều đáng lo ngại hiện nay là tư tưởng bê tông hóa đang từng bước thống trị các làng quê. Tất nhiên chúng ta cần những ngôi nhà xây vững chắc với những phương tiện phục vụ đời sống một cách hợp lý mà vẫn tạo ra phong vị làng quê. Những thứ tôi vừa liệt kê đang bị tấn công và đang biến mất từng ngày. Tôi thường đứng nhìn một bức tường cao cắm đầy mảnh thủy tinh sắc nhọn bao quanh ngôi nhà mà thương nhớ những hàng rào cây duối, dâm bụt, khúc tần, cây găng, hoa bìm... Bức tường cắm đầy mảnh thủy tinh kia gửi cho chúng ta hai bản thông điệp. Bản thông điệp thứ nhất với nội dung về lòng tin về con người đã mất. Bản thông điệp thứ hai với nội dung về sự tàn phá thiên nhiên và sự vô cảm với vẻ đẹp ấy. Cả hai bản thông điệp này cho thấy sự sụp đổ ở mức độ đáng báo động cái kết cấu văn hóa và nhân tính của xã hội truyền thống Việt Nam vốn bền vững hàng ngàn năm nay. Tôi đã đi qua những vùng nông thôn của khá nhiều nước trên thế giới như Úc, Mỹ, Na Uy, Thụy Điển, Ailen, Hàn Quốc… Và tôi thấy họ vẫn giữ được những làng quê đặc trưng của họ, cho dù đó là một đất nước phát triển cao. Họ thực sự là những người hiểu văn hóa, hiểu giá trị thật của đời sống và biết hưởng thụ.
Nhà thơ Nguyễn Bính từng viết những câu thơ rất hay về cái hàng rào ở làng quê. Trước Nguyễn Bính và bao nhà thơ khác, ca dao dân ca đã từng nói đến. Tôi viết đến điều này không phải là sự hoài cổ. Tôi đang nói đến sự phá vỡ tinh thần của làng quê. Chúng ta thật khó có thể biện minh cho những bức tường xây có gắn mảnh chai sắc ở trên. Hành động sống “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau” như một đạo lý và như một đức hạnh của những người thôn quê đang trở thành chuyện cổ tích. Những hàng rào làm bằng hoa dâm bụt, cây duối, trúc, mùng tơi, khúc tần, cây găng, tầm xuân, dứa dại, dâm bụt đỏ, dâu tằm, xương rồng… giờ đây chỉ hiện về trong ký ức.
2. Chúng ta phải thay đổi điều kiện sống. Chúng ta phải xây dựng một xã hội văn minh và giàu có. Vậy thì cái gì sẽ còn lại như hạt nhân của nền văn hóa Việt truyền thống. Theo tôi, đó chính là đại từ nhân xưng trong các gia đình, dòng họ, làng xóm Việt Nam. Đại từ nhân xưng là yếu tố vô cùng quan trọng nếu không muốn nói là yếu tố quan trọng nhất để tồn giữ tinh thần văn hóa của làng Việt Nam. Yếu tố này không chấp nhận bất cứ sự lý giải nào cho những thay đổi đối với nó. Bởi nó không lệ thuộc vào những đặc tính của đô thị hóa, hiện đại hóa hay toàn cầu hóa.
Theo tôi, điều cơ bản làm nên bản sắc Việt là tiếng nói. Tôi khẳng định: tiếng nói mà tôi đề cập ở đây là ngôn ngữ sẽ không bao giờ mất đi. Nhưng khi chủ nghĩa hiện đại xuất hiện thì ngôn ngữ của bất cứ dân tộc nào cũng sẽ bị phân ra thành hai loại chính: Loại thứ nhất là ngôn ngữ sinh hoạt cộng đồng. Ngôn ngữ sinh hoạt cộng đồng bao gồm ngôn ngữ giao tiếp, bày tỏ mang tính truyền cảm trong sinh hoạt gia đình, dòng họ, làng xóm, lễ hội. Loại thứ hai là ngôn ngữ hành chính. Ngôn ngữ hành chính là kết quả của những phát triển xã hội. Ngôn ngữ hành chính trong xã hội Việt Nam càng ngày càng mang tính khoa học cao. Một trong những đóng góp quan trọng để bảo tồn những nét đẹp đầy bản sắc trong các mối quan hệ gia đình và xã hội Việt Nam là sự phong phú và rất đặc trưng của đại từ nhân xưng trong ngôn ngữ Việt. Đại từ nhân xưng đã gián tiếp sắp xếp các trật tự xã hội và tạo nên sự sâu sắc trong tình cảm con người với nhau. Chính việc dùng đại từ nhân xưng hàng ngày trong gia đình hay trong công sở đã làm chậm lại quá trình “thị dân hóa” trong những mối quan hệ con người.
Khi đại từ nhân xưng bị thay đổi thì những giá trị tinh thần và những giá trị mang tính phả hệ bị phá vỡ. Khi những giá trị này bị phá vỡ thì văn hóa Việt sẽ bị phá vỡ hoàn toàn. Chúng ta sẽ kinh hoàng khi chứng kiến trong một gia đình hay trong một làng Việt biến mất hoàn toàn những đặc tính của đại từ nhân xưng. Ở đó, người ta chỉ còn sử dụng ba ngôi chính: ngôi thứ nhất: tôi, ngôi thứ hai: anh (chị) và ngôi thứ ba: anh ta (chị ta). Nếu có sự thay đổi đối với ba ngôi này thì chỉ là sự thay đổi từ số ít thành số nhiều như: chúng tôi, các anh (các chị) và các anh ấy (các chị ấy) mà thôi.
Hiện thực cho chúng ta thấy: đại từ nhân xưng đang bị biến dạng trong đời sống xã hội. Chỉ lấy ví dụ về những người trẻ xưng hô ở xã hội nông thôn Việt Nam đương đại không đúng với bản chất đại từ nhân xưng tiếng Việt với những người hơn tuổi hay những người lớn tuổi đã cho thấy những dấu hiệu của sự bất ổn trong đạo đức xã hội và những giá trị thuần phong mỹ tục. Sự biến dạng này rất chậm. Chậm đến mức không gây nên cảm giác nào về mối nguy hiểm đối với nền tảng văn hóa mà người Việt Nam đã tạo dựng lên từ mấy ngàn năm nay. Nhưng cái chết của một nền văn hóa thường đi theo con đường như thế cũng như sự sinh ra con đường đi đến một nền văn hóa. Nó đòi hỏi chúng ta phải giữ nhịp sống của những giá trị này giống như giữ nhịp đập của trái tim mà không được phép đổi nhịp hay dừng lại bất cứ lúc nào.
3. Sau hơn một nửa thế kỷ, người làng tôi mới thực hiện được ước mơ dựng lại cổng làng đã bị phá. Ngày ấy, cái cổng làng uy nghi rêu phong, cổ kính bị phá đi với lý do để mở rộng đường cho máy cày, máy gặt, xe tải chở lúa ngô... Nhưng cổng làng thì mất mà máy cày, máy gặt, xe này xe nọ cũng chẳng thấy đâu. Cổng làng ấy, theo tôi, là cổng để đi vào một vùng văn hóa như cái vùng văn hóa của làng tôi có lịch sử khoảng 400 năm. Sau này, người ta mới hiểu sự nông cạn của mình. Không ai phá đi một nền tảng văn hóa để phát triển đất nước cho dù người ta thay vào đó bằng bất cứ cái nền tảng nào. Người làng tôi dựng lại cái cổng làng không phải là phục chế lại một công trình kiến trúc mà chỉ nhằm một việc là dựng lại bốn chữ trên cổng làng xưa mà thôi. Bốn chữ ấy dịch nôm ra có nghĩa là: Nhìn chữ để biết việc ra vào. Và cá nhân tôi hiểu CHỮ kia là văn hóa. Chỉ có văn hóa mới chỉ cho người ta biết hành xử như thế nào với cuộc đời.
Những chiếc giếng làng xưa đã mất, những đầm sen đã chết, những đầm ấm của thôn quê đang dần nguội lạnh. Xin hãy trở về làng quê để đi một chuyến từ đầu làng đến cuối làng. Con đường từ đầu làng đến cuối làng chính là con đường của những vẻ đẹp văn hóa Việt. Con đường văn hóa ấy đã phải mất hàng trăm năm, ngàn năm con người mới làm nên. Nhưng con đường ấy đang đứng trước nguy cơ trở thành một con đường cho những chiếc xe máy nhấn ga trong mười phút. Chúng ta đang đi tắt để đến với hạnh phúc và những giá trị sống thực sự bằng thời gian ngắn ngủi của một chiếc xe máy tăng ga. Nhưng chúng ta đã lạc đường.
| ||
NGUYỄN QUANG THIỀU