Tương tác, kết nối: Áp lực "hottrend"

Hơn 2 năm qua, xu hướng giải trí trực tuyến lên ngôi trước những xáo trộn mà nghệ sĩ, nhà sản xuất phải đối mặt trong và sau dịch bệnh Covid-19. Hiện tại, xu thế truyền thông, tương tác, kết nối khán giả qua mạng xã hội, nền tảng số càng thể hiện rõ sức mạnh.
Hà Anh Tuấn phát hành album, vé xem live concert ngay trong một show trực tuyến
Hà Anh Tuấn phát hành album, vé xem live concert ngay trong một show trực tuyến

Kết nối không ngừng

Trong những ngày dịch bệnh, Mỹ Tâm là một trong số ít ca sĩ tổ chức đêm nhạc trực tuyến bán vé, tạo cho khán giả thói quen trả phí thưởng thức các sản phẩm trên môi trường số. Sau dịch, cô tiếp tục “chơi lớn” cùng chuỗi đêm nhạc Acoustic & Lofi - Chill trực tuyến My Soul 1981 Unstaged Live Music. Khán giả có thể mua đĩa CD, áo thun, sách ảnh online, giao lưu tương tác trực tuyến. Đêm Gala My Soul 1981 tại Đà Lạt sau dịch cũng được phát trực tuyến qua nền tảng POPS trên website, smart TV, smartphone. Gần nhất, Mỹ Tâm đón năm 2023 cùng khán giả bằng đêm nhạc trực tuyến.

Ngoài việc giới thiệu các đĩa vật lý trong họp báo, MV trên YouTube, nhiều nghệ sĩ ra mắt sản phẩm bằng hình thức livestream trên các nền tảng mạng xã hội; lấn sân sang các nền tảng chia sẻ video ngắn, tạo các bản remix kết hợp vũ đạo thu hút khán giả tham gia, tạo hiệu ứng mới cho sản phẩm. Không chỉ thực hiện các video quảng bá dung lượng ngắn, phần hình ảnh video thay đổi phù hợp với màn hình dọc trên các nền tảng chia sẻ, nghệ sĩ còn tạo ra thử thách cho khán giả, tăng mức độ nhận diện bài hát, vũ điệu, hashtag.

Thành phố tình yêu - Lively Sài Gòn do Sở VH-TT TPHCM thực hiện phối hợp Trung tâm Ca nhạc nhẹ, Công ty Truyền thông đa phương tiện Đời Sống Trẻ được xem là dự án đặc biệt tại TPHCM. Nó vạch ra con đường nghệ thuật trên không gian số (Digi Art Road) với xu hướng tiên phong cho chuyển đổi số trong sự kết hợp văn hóa - nghệ thuật - lịch sử bằng cách tích cực tối ưu hóa các nền tảng số, công nghệ truyền dẫn hiện đại. Qua 8 số, từ tháng 6-2022, được phát sóng trực tuyến trên các nền tảng số của Sở VH-TT, Thành đoàn TPHCM, Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM, Nhà Văn hóa Thanh Niên, Nhà Văn hóa Sinh viên, Tổ hợp Sản xuất Truyền thông số - Digital Media Hub cùng các hệ sinh thái số đồng hành, dự án này nhận về sự tương tác lớn với khán giả.

Thách thức số

Ca sĩ Trini chia sẻ: Bản thân ca sĩ như tôi áp lực để theo kịp những chuyển đổi không ngừng. Tôi cập nhật tận dụng tầm ảnh hưởng của “xu hướng” để đưa sản phẩm âm nhạc tiếp cận công chúng. Ngoài việc ra mắt sản phẩm bằng nhiều hình thức, chia sẻ video ngắn cùng những câu hát tâm đắc, tôi nghĩ phải tìm cách đào sâu bài hát, tạo nhiều góc nhìn hơn cho một sản phẩm âm nhạc.

Theo chị Nguyễn Việt Nữ, Giám đốc Truyền thông ST.319 Entertainment, thông qua mạng xã hội, các nền tảng, khoảng cách giữa nghệ sĩ và công chúng rút ngắn, trực diện hơn. Liên hệ giữa nghệ sĩ và công chúng không gói gọn là người biểu diễn - người thưởng thức mà còn có thể là người khơi mào, khởi xướng và cùng góp phần làm nên thành công, sức sống một sản phẩm. Chị Việt Nữ chia sẻ: “Thay vì thưởng thức bị động như trước, công chúng, thông qua mạng xã hội, có thể chủ động tham gia sáng tạo, trở thành một phần của sản phẩm. Điều này giúp nghệ sĩ gần gũi để hiểu công chúng - xu hướng nghe - nhìn, tư duy - hành vi… từ đó có sự linh hoạt, cởi mở trong sáng tạo”. Hiện những công ty như ST.319 Entertainment rất chú trọng việc lên chiến lược quảng bá cho nghệ sĩ trên không gian số. Ngay thời điểm hiện tại, việc quảng bá trên nền tảng mạng xã hội chiếm khoảng 60-70% chiến lược quảng bá sản phẩm của công ty.

Sự phổ biến của các nền tảng chia sẻ video ngắn cũng như độ lan tỏa của mạng xã hội hỗ trợ nhiều nghệ sĩ trên không gian số. Sự bùng nổ của TikTok, các phiên bản Facebook Reels, Instagram Reels, YouTube Short đã khẳng định xu hướng video ngắn đang thống lĩnh. Khán giả, nhất là thế hệ gen Z, ngày càng ít kiên nhẫn với các video dài, mà chú ý các video chưa tới 30 giây hơn. Điều này dẫn đến lo ngại rằng, tổng thể, giá trị thông điệp tác phẩm dễ bị khán giả bỏ quên vì quá tập trung vào các đoạn video cắt vụn. Nói cách khác, việc tập trung “tạo xu hướng”, chia sẻ sản phẩm qua các nền tảng video ngắn có thể cuốn nghệ sĩ xa rời giá trị cốt lõi của nghệ thuật - là cảm nhận.

Công nghệ số thay đổi cách nghệ sĩ, nhà sản xuất âm nhạc tiếp cận công chúng. Việc nghệ sĩ áp lực từ những hot trend hay phải tạo ra hot trend (xu hướng) là có thật. Hot trend hay Top trending trên các nền tảng số là thước đo một phần thành công sản phẩm. Nhưng, nghệ sĩ, thay vì buộc mình vào điều này, hãy chú trọng chất lượng sản phẩm, quan sát, nghiêm túc học tập để kết nối được với khán giả.

Theo Giám đốc Truyền thông, quản lý nghệ sĩ Nguyễn Thành Trung, nhu cầu quảng bá sản phẩm của nghệ sĩ lớn, vì thế một số nghệ sĩ tìm đến các TikToker để hợp tác ngắn hạn theo dự án âm nhạc. Tuy nhiên, nếu không tính toán kỹ, hình ảnh người nổi tiếng có thể bị ảnh hưởng. Phải chọn những người có sức ảnh hưởng nhỏ hơn, nhưng nội dung chất lượng, khả năng gây tò mò, biết cách phản biện dựa trên các chủ đề lành mạnh, mới đem lại hiệu quả quảng bá cho sản phẩm.

Tin cùng chuyên mục