Tuyển sinh 2016: Chờ sự điều chỉnh tích cực

Tuyển sinh 2016: Chờ sự điều chỉnh tích cực

Theo Bộ GD-ĐT, trong năm 2016 tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu: xét tốt nghiệp THPT và dùng kết quả để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH - CĐ). Tuy nhiên, ở các giải pháp kỹ thuật của tuyển sinh 2016 (thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH - CĐ) hi vọng sẽ có nhiều điều chỉnh theo hướng tích cực, giảm bớt căng thẳng và rối rắm trong mùa tuyển sinh 2015.

Thí sinh đến nộp hồ sơ xét tuyển vào Trường ĐH Công nghiệp TPHCM năm 2015. (Ảnh: MAI HẢI)

Duy trì thi THPT Quốc gia

Tại Hội nghị thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH - CĐ năm 2016 do Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì ngày 13-11 tại TPHCM cũng như tại Hội nghị tổng kết năm học khối ĐH - CĐ diễn ra ngày 22-10, rất nhiều trường ĐH và đại diện các sở GD - ĐT đều thống nhất quan điểm tiếp tục tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong năm 2016. Như vậy, vấn đề cần bàn và tìm gải pháp làm sao cho khâu tổ chức được an toàn, đảm bảo sự công bằng mới là điều quan trọng.

Rút kinh nghiệm từ kỳ thi THPT Quốc gia 2015, Bộ GD - ĐT đã đặt vấn đề để các trường cùng góp ý, bàn thảo cách tổ chức cụm thi như thế nào, nên duy trì một hay hai loại cụm thi. Cùng với đó là trách nhiệm tổ chức kỳ thi cũng cần được làm rõ.

Theo PGS-TS Đỗ Văn Xê, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ, để tránh xáo trộn Bộ GD - ĐT nên duy trì 2 loại cụm thi: cụm thi địa phương do sở GD - ĐT chủ trì dành cho thí sinh thi chỉ để xét tốt nghiệp THPT; cụm thi liên tỉnh do các trường ĐH chủ trì dành cho thí sinh thi để xét tốt nghiệp và xét tuyển ĐH-CĐ.

Trong khi đó, TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó giám đốc ĐH Quốc gia TPHCM, cho rằng, khi duy trì cụm thi địa phương do Sở GD-ĐT chủ trì cần chú ý đến kỹ luật phòng thi. Nên chăng các cụm thi địa phương cần có sự tham gia của các trường ĐH để cùng tổ chức. Thực tế điều mà TS Nguyễn Đức Nghĩa đưa ra hoàn toàn có cơ sở, bởi lẽ trong kỳ thi THPT Quốc gia năm 2015 tình hình thí sinh vi phạm kỹ luật, bị đình chỉ thi chỉ xảy ra ở các cụm thi liên tỉnh, cụm thi do các trường ĐH chủ trì. Nhưng ngược lại, các cụm thi địa phương lại khá “nghiêm túc”.

Về lịch thi, Bộ GD-ĐT dự định rút ngắn từ 4 ngày thi trong năm 2015  xuống còn 3 ngày thi trong năm 2016 cho 8 môn thi. Ngoài 4 môn chính là Toán, Văn, Ngoại ngữ, Vật lý thi trong 2 ngày, 4 môn còn lại được xếp theo cặp Lịch sử - Sinh học và Địa lý - Hóa học và mỗi cặp môn đều thi cùng một buổi, cùng giờ trong ngày thi thứ 3. Về những môn thi ngày thứ 3, nhiều ý kiến cũng cho rằng Bộ GD-ĐT nên tính toán và có phương án để tránh thí sinh bị thiệt thòi nếu muốn chọn 2 môn cùng một buổi thi. 

Xã hội kỳ vọng những điều chỉnh trong mùa tuyển sinh năm 2016 sẽ khắc phục những điểm hạn chế của năm 2015

Có rộng cửa vào các trường ĐH - CĐ?

Theo GS-TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT, năm 2015 có 198 trường ĐH - CĐ có đề án tuyển sinh riêng dựa vào kết quả THPT. Trong số 80 trường ĐH có đề án tuyển sinh riêng báo cáo, sau 2 đợt xét tuyển tỉ lệ thí sinh trúng tuyển thông qua xét học bạ THPT đạt 54% chỉ tiêu. Phương thức xét tuyển này nhẹ nhàng được các trường tốp dưới lựa chọn. Tuy nhiên, không có trường nào ở tốp trên chọn phương thức này. Trong khi đó, những trường còn lại có rất nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu, kể cả những trường có đề án tuyển sinh riêng bằng xét tuyển điểm học bạ THPT.

Có thể nói, ở khâu xét tuyển ĐH - CĐ luôn khiến Bộ GD - ĐT đau đầu vì rất nhiều trường tuyển sinh không được trong năm 2015 đều đổ thừa do Bộ GD - ĐT đưa ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) không hợp lý và nên bỏ. Trước “áp lực” này, Bộ GD-ĐT đã chủ động xin ý kiến bỏ điểm sàn. Tuy nhiên Bộ GD-ĐT cũng băn khoăn bỏ điểm sàn sẽ đồng nghĩa với việc mở rộng cửa vào ĐH và các trường ở hệ dưới như CĐ, trung cấp sẽ khó tuyển. Phương án bỏ điểm sàn của Bộ GD-ĐT cũng được nhiều ý kiến đồng thuận.

Thực tế cho thấy, khi thi “3 chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả) thì đề thi hoàn toàn khác (chính xác là khó hơn) so với đề thi THPT Quốc gia năm 2015 và điểm sàn dù không khoa học nhưng là ngưỡng tối thiểu để thí sinh có thể vào các trường ĐH hoặc CĐ. Tuy nhiên, với những trường tốp trên như hai ĐH Quốc gia, ĐH Kinh tế TPHCM, ĐH Ngoại thương, các trường y dược… thì điểm sàn hoàn toàn không có ý nghĩa. 

Trong khi đó, kỳ thi thi THPT quốc gia năm 2015 đề thi dễ hơn với đề thi “3 chung” và điểm xét tốt nghiệp THPT tối thiểu phải đạt 5 điểm. Thí sinh muốn xét vào ĐH, CĐ bằng kết quả thi THPT quốc gia hay điểm học bạ thì điều kiện cứng là phải tốt nghiệp THPT. 

Do đó, điểm sàn trong năm 2015 và năm 2016 với nhiều trường tốp trên hoàn toàn không có ý nghĩa. Chỉ những trường tốp dưới (các trường địa phương, các trường ngoài công lập) mới quan tâm đến điểm sàn. Do đó, Bộ GD-ĐT có thể bỏ điểm sàn nhưng điều quan trọng là phải giám sát chặt năng lực đào tạo của các trường nếu không sẽ xảy ra tình trạng “vơ bèo, vạt tép”.

Ngoài ra, rất nhiều ý kiến cho rằng, Bộ GD - ĐT nên xem xét điều chỉnh lại điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng theo hướng giảm xuống so với trước đây. Cụ thể, điểm ưu tiên khu vực cách nhau là 0,25 điểm (trước đây là 0,5 điểm), ưu tiên đối tượng cách nhau là 0,5 điểm (trước đây là 1 điểm).

Với những động thái của Bộ GD-ĐT chắc chắn trong mùa tuyển sinh năm 2016 sẽ có nhiều thay đổi. Song điều mà dư luận mong muốn đó là những thay đổi của Bộ GD-ĐT phải theo hướng tích cực, hợp lý và quan trọng là cần chốt lại những điều chỉnh sớm để hàng triệu thí sinh và thầy cô giáo có thời gian chuẩn bị.

THANH HÙNG

Tin cùng chuyên mục