Theo đó, quy chế tuyển sinh 2018 có rất nhiều thay đổi. Việc lấy ý kiến thực hiện đến hết ngày 28-2.
Chênh lệch điểm giữa 2 khu vực kế tiếp chỉ còn 0,25 điểm
Đáng chú ý, về chính sách ưu tiên trong tuyển sinh, dự thảo nêu rõ thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp THPT hoặc tốt nghiệp trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải chính thức trong các cuộc thi nghệ thuật quốc tế về ca, múa, nhạc, mỹ thuật được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận thì được xét tuyển thẳng vào học các ngành tương ứng trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp của các trường năng khiếu, nghệ thuật theo quy định của từng trường.
Những thí sinh đoạt giải các ngành thể dục thể thao, năng khiếu nghệ thuật, mỹ thuật, thời gian được tính để hưởng ưu tiên là không quá 4 năm tính đến ngày dự thi hoặc xét tuyển vào trường.
Thí sinh năng khiếu nghệ thuật đã tốt nghiệp trung học hoặc tốt nghiệp trung cấp các trường năng khiếu nghệ thuật, đoạt giải trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp chính thức toàn quốc về ca, múa, nhạc, mỹ thuật, đã tham dự kỳ thi THPT quốc gia và không có môn nào từ 1,0 điểm trở xuống, được trường ưu tiên xét tuyển theo quy định của từng trường.
Những thí sinh đoạt giải các ngành thể dục thể thao, năng khiếu nghệ thuật, thời gian được tính để hưởng ưu tiên là không quá 4 năm tính đến ngày dự thi hoặc xét tuyển vào trường.
Về đối tượng hưởng ưu tiên theo khu vực hộ khẩu thường trú, dự thảo sửa theo hướng gồm học sinh có hộ khẩu thường trú (trong thời gian học THPT hoặc trung cấp) trên 18 tháng tại các xã khu vực III và các xã có thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng dân tộc và miền núi theo quy định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo; các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư của Chương trình 135 nếu học THPT (hoặc trung cấp) tại địa điểm thuộc huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có ít nhất một trong các xã thuộc diện nói trên.
Đáng chú ý, khung điểm ưu tiên theo đối tượng và khu vực được sửa đổi là: mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 nhóm đối tượng kế tiếp là 1 điểm, giữa 2 khu vực kế tiếp là 0,25 điểm - tương ứng với tổng điểm 3 bài thi/môn thi (trong tổ hợp môn xét tuyển) không nhân hệ số theo thang điểm 10 (theo quy định hiện hành, mức chênh lệch điểm trúng tuyển giữa 2 khu vực kế tiếp là 0,5 điểm, điều này đã bị dư luận phản ứng mạnh mẽ trong mùa tuyển sinh 2017 vì cho rằng mất công bằng).
Bộ GD-ĐT chỉ quy định điểm sàn của ngành sư phạm
Đối với ngưỡng bảo đảm chất lượng đầu vào (điểm sàn), dự thảo nêu rõ đối với ngành đào tạo thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên ở các trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp: căn cứ kết quả của kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào các bài thi/môn thi văn hóa sử dụng để xét tuyển. Đối với các ngành khác, các trường tự xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào, công bố trên trang thông tin điện tử của trường trước khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Như vậy, dự kiến từ năm 2018, Bộ GD-ĐT chỉ xác định điểm sàn đối với ngành sư phạm, những ngành khác do trường tự xác định.
Đối với các trường xét tuyển không sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT cũng nêu rõ ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả học tập THPT để vào ngành thuộc nhóm ngành đào tạo giáo viên. Cụ thể, đối với trình độ đại học, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ giỏi trở lên; đối với trình độ cao đẳng, trung cấp, xét tuyển học sinh tốt nghiệp THPT xếp loại học lực lớp 12 từ khá trở lên.
Về tổ chức xét tuyển, dự thảo nêu rõ điểm xét tuyển là tổng điểm các bài thi/môn thi theo thang điểm 10 đối với từng bài thi/môn thi của từng tổ hợp xét tuyển và cộng với điểm ưu tiên đối tượng, khu vực; điểm được làm tròn đến 2 chữ số thập phân. Đối với các thí sinh bằng điểm xét tuyển ở cuối danh sách thì xét trúng tuyển theo các điều kiện phụ do mỗi trường đã thông báo, nếu vẫn còn vượt chỉ tiêu thì ưu tiên thí sinh có nguyện vọng cao hơn.
Về đề án tuyển sinh của trường, Bộ GD-ĐT yêu cầu trường phải cung cấp đầy đủ các thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng: cơ sở vật chất (phòng học, phòng thực hành/thí nghiệm và các trang thiết bị chính yếu, học liệu), đội ngũ giảng viên, quy mô đào tạo, tỷ lệ sinh viên chính quy có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp của 2 năm gần nhất trước một năm so với năm tuyển sinh theo khối ngành, cùng một số thông tin quan trọng khác trong phụ lục kèm theo quy chế.
Những trường không công khai đầy đủ các thông tin theo quy định thì này không được thông báo tuyển sinh. Bộ GD-ĐT kiểm tra việc kê khai thông tin về điều kiện đảm bảo chất lượng của các trường.
Bộ GD-ĐT cũng khẳng định, chỉ tiêu tuyển sinh của các trường xác định theo quy định hiện hành của bộ.