Tuyển sinh Đại học - Cao đẳng năm 2011, các trường ngoài công lập đề nghị hạ điểm sàn

(SGGPO).- Thống kê các thí sinh thi đại học điểm cao từ 28 trở lên của Cục Công nghệ Thông tin, Bộ Giáo dục-Đào tạo tính đến chiều qua, 3-8, là 326 thí sinh, trong đó có 35 em (bằng 70 lượt thi) đạt điểm cao  ở cả hai khối.

>> Danh sách 326 thí sinh thi đại học điểm cao từ 28 trở lên

Theo phân bổ theo khối ngành của các thí sinh có điểm thi Đại học cao thì Khối Y - Dược đứng đầu với 183 em, chiếm 56%; Khối ngoại thương có 59 em, chiếm 18%; Khối Khoa học – Công nghệ có 42 em, chiếm 13%; Khối Tài chính-Ngân hàng-Kinh tế có 38 em, chiếm 12%; Khối Sư phạm có 3 em, chiếm 0,9%; Khối Nông nghiệp có 2 em, chiếm 0,6%.

Như vậy, năm nay khối đại học không có thủ khoa đạt điểm tối đa 30 điểm. Cũng theo thống kê này, cả nước có 10 thí sinh đạt 29,5 điểm; 20 thí sinh đạt 29 điểm; 85 thí sinh đạt 28,5 điểm; còn lại đạt 28 điểm.

Cục Công nghệ Thông tin sẽ có thống kê số thí sinh đạt điểm cao khối Cao đẳng sau khi các trường hoàn tất việc công bố điểm thi vào ngày mai, 5-8. Hiện tại, khối cao đẳng đã có 1 thủ khoa đạt 30 điểm.

* Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập đã có văn bản gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo đề nghị xem xét về điểm sàn tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay.

Hiệp hội đề xuất hai phương án:

1. Giao cho các trường đại học, cao đẳng căn cứ vào chỉ tiêu được phân, khả năng nguồn tuyển, yêu cầu phát triển nhân lực của địa phương, của vùng để kiến nghị điểm sàn cho trường mình, trình Bộ duyệt.

2. Nếu vẫn giữ nguyên “điểm sàn chung” cho cả nước, phải chấp nhận điểm sàn tương đối thấp để có số dôi dư nguồn tuyển từ điểm sàn trở lên nhiều hơn năm trước mới thỏa mãn nhu cầu tuyển sinh của các trường.

Lý do mà Hiệp hội đưa ra là kết quả điểm thi của các thí sinh trong kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay nhìn chung thấp hơn năm trước, một vài môn thi có kết quả rất kém, cá biệt điểm thi môn Lịch sử thấp một cách “không bình thường”. Vì vậy, nếu như các trường top trên không hề bị ảnh hưởng thì các trường top giữa và top dưới, trong đó có các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập, các trường của địa phương sẽ có nguy cơ không tuyển đủ chỉ tiêu, gây lãng phí cơ sở vật chất và năng lực đào tạo hiện có của nhiều trường.

“Nếu vẫn quy định “điểm sàn chung” cho cả nước thì dù số lượng thí sinh đạt trên điểm sàn có nhiều hơn tổng chỉ tiêu tuyển sinh (có số dôi dư) nhưng như mọi năm, do sự phân bố không đều giữa các vùng miền, nhiều thí sinh cũng khó di chuyển từ vùng này đến vùng khác để học tập; vẫn sẽ có nơi thừa nguồn tuyển, nơi lại cạn kiệt. Các địa phương khó khăn vẫn ít người được vào đại học, làm trở ngại việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đó”, hiệp hội này nêu rõ.

Hiện nay, theo ghi nhận chung, khá nhiều trường công lập ở địa phương và các trường ngoài công lập đều kiến nghị Bộ nên hạ điểm sàn tuyển sinh thấp hơn năm trước 1 điểm thì may ra các trường tuyển đủ chỉ tiêu.

Hiện tại, Bộ Giáo dục – Đào tạo vẫn đang trong quá trình thống kê số liệu để tính toán điểm sàn tuyển sinh (công bố vào 8-8). Tuy nhiên, theo lời Thứ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo Bùi Văn Ga thì điểm sàn tuyển sinh năm nay khó mà thấp hơn năm trước.

LÂM NGUYÊN

Tin cùng chuyên mục