Tuyển sinh đại học có nên tổ chức một kỳ thi?

“Chất lượng giáo dục đại học luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Việc thành lập ồ ạt các trường đại học mà xã hội bức xúc đến nay đã có một bước chuyển khá chú ý” - Đó là đánh giá của ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP.

“Chất lượng giáo dục đại học luôn là mối quan tâm đặc biệt của toàn xã hội. Việc thành lập ồ ạt các trường đại học mà xã hội bức xúc đến nay đã có một bước chuyển khá chú ý” - Đó là đánh giá của ông Đào Trọng Thi, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, khi trao đổi với phóng viên Báo SGGP.

* Phóng viên: Vừa qua, Bộ GD-ĐT công bố dự thảo quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành điều kiện và thủ tục thành lập, cho phép thành lập, cho phép hoạt động giáo dục, đình chỉ hoạt động giáo dục, sáp nhập, chia, tách, giải thể trường đại học. Ông có cho quy định này quá thoáng?

* Ông ĐÀO TRỌNG THI: Điều kiện thành lập trường đại học có nhiều yếu tố, mức vốn điều lệ tăng lên 150 tỷ đồng, tức là đã tăng gấp 3 lần so với hiện nay. Đó là một quy định tiến bộ. Vừa qua Quốc hội giám sát đã khẳng định việc đầu tư thành lập các trường đại học quá kém so với yêu cầu bảo đảm chất lượng giáo dục, vì vậy dự thảo lần này đã đưa ra mức đầu tư cao hơn để bảo đảm chất lượng. Dĩ nhiên, 150 tỷ đồng vẫn là ít nhưng nếu cao quá sẽ gây khó khăn trong công tác xã hội hóa giáo dục.
 
* Từ sau cuộc giám sát của Quốc hội kỳ trước, ông có thấy sự chuyển biến nào trong lĩnh vực giáo dục đại học?

* Có chuyển biến rõ ràng. Chính phủ, Bộ GD-ĐT, các cơ sở giáo dục đại học đã có thái độ nghiêm túc khi xem xét kết quả giám sát của Quốc hội. Công tác quản lý, kiểm tra của các cơ quan quản lý nhà nước được tăng cường. Việc xử lý mạnh tay các cơ sở vi phạm đã được làm tốt hơn. Đã có nhiều trường phải ngưng tuyển sinh. Tuy mức độ xử lý các trường vi phạm, nhất là các trường chưa bảo đảm đủ cơ sở vật chất so với yêu cầu của Bộ GD-ĐT vẫn chưa quyết liệt nhưng việc đôn đốc, kiểm tra đã thường xuyên hơn.

Đặc biệt, việc tuyển sinh đã có thay đổi về nhận thức. Năm ngoái chúng ta đề ra chỉ tiêu tuyển sinh mới tăng 12% nhưng chỉ thực hiện được 6,8%. Năm nay, Chính phủ chỉ đề ra chỉ tiêu tuyển mới tăng 6,5%, bằng năm ngoái. Như thế đã có sự thay đổi nhận thức về quy mô và chất lượng giáo dục đại học. Dĩ nhiên, những kết quả giám sát của Quốc hội muốn thực hiện cần có thời gian, không thể gây sốc được, phải chấp nhận có lộ trình.
 
* Mùa tuyển sinh ĐH-CĐ vừa kết thúc với bức tranh khá ảm đạm: nhiều ngành học phải đóng cửa do không tuyển đủ thí sinh. Ông nghĩ gì về hiện tượng này?

* Tôi cho rằng hiện tượng đó có cả mặt tiêu cực và tích cực. Tiêu cực ở chỗ đã phá mất kế hoạch, vì khi chuẩn bị mở một ngành học, chúng ta phải đầu tư nhiều công sức, khi không đào tạo được tức là lãng phí lớn. Nhưng chúng ta phải chấp nhận nhu cầu của xã hội. Ngành nào không đáp ứng được nhu cầu người học, đóng cửa là tất nhiên. Phải kiên quyết xóa bỏ chứ không nên dùng biện pháp khác để duy trì.

* Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến để cải tiến phương án tuyển sinh ĐH-CĐ, theo đó thay vì tổ chức 3 đợt thi ĐH-CĐ như hiện nay có thể chỉ còn 2 đợt và bỏ đợt thi cao đẳng. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

* Thực ra đợt thi cao đẳng cũng không cần thiết vì chúng ta đã cho phép các trường sử dụng kết quả thi “3 chung” (chung đợt, chung đề, chung kết quả) để các trường cao đẳng tuyển. Tôi đồng ý bỏ đợt thi cao đẳng. Thậm chí, về sau, theo tôi chỉ nên còn một đợt thi đại học thôi. Thi 1 đợt để các thí sinh không còn “ôm” nhiều trường, nhiều khối, lãng phí không cần thiết.

Tôi nghĩ phương án “3 chung” như hiện nay cũng đã đến lúc thay đổi. Cần giao quyền chủ động tuyển sinh cho các trường. Giao quyền tự chủ về tuyển sinh cho các trường, nếu có khó khăn, bộ có thể hỗ trợ như khâu ra đề thi, trường này có thể sử dụng đề thi của trường kia. Làm thế để giảm áp lực thi cử cho các trường, cũng là giảm sự áp đặt của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyên môn của các trường.
 
* Nếu thế sẽ quay lại bài toán thi cử như ngày trước, tức là mạnh trường nào trường đó thi tuyển. Như vậy sẽ vô cùng tốn kém, lãng phí, vì một thí sinh lại có thể thi 3-4 trường?

* Các trường tổ chức thi riêng, như vậy sẽ không thi cùng một đợt, sẽ giảm tải cho các thành phố trong mùa thi cử. Còn để hạn chế việc thí sinh thi nhiều trường, chỉ cần thay đổi một chút về mặt kỹ thuật. Chẳng hạn đến mùa tuyển sinh, các trường đừng công bố thời gian thi sớm thì thí sinh sẽ phải cân nhắc khi chuẩn bị hồ sơ vì các em không đủ thông tin trường nào thi cùng ngày, trường nào thi khác ngày. Cũng có thể sẽ có một số thí sinh nộp sẵn hồ sơ chờ có trường nào lệch ngày để thi nhưng số đó không nhiều. Với số này, chúng ta sẽ có biện pháp khác, đó là tăng mức lệ phí thi tuyển lên rất cao để các em phải thực sự cân nhắc trong việc lựa chọn (các thí sinh nghèo sẽ được hỗ trợ).

* Hiện nay, có một vấn đề mà Bộ GD-ĐT và các trường không đồng quan điểm: Các trường muốn khôi phục chính sách tuyển thẳng học sinh giỏi quốc gia vào đại học, bộ lại không muốn. Quan điểm của ông như thế nào?

* Tôi ủng hộ khôi phục chính sách này vì sẽ khuyến khích được học sinh giỏi.

PHAN THẢO (thực hiện)

Tin cùng chuyên mục