Tính đến nay, các trường đã hoàn tất xác định điểm chuẩn, lượng thí sinh trúng tuyển, đồng thời xác định luôn số chỉ tiêu cần xét tuyển cho nguyện vọng (NV) 2, 3. Dù đến ngày 25-8, cuộc chạy đua NV2 mới chính thức mở màn nhưng thời điểm này, sức ép về việc đảm bảo đủ chỉ tiêu giữa những trường tốp giữa, trường ngoài công lập và các đại học địa phương đã được làm “nóng”. Để có được người học, nhiều trường đã âm thầm xé rào.
- Có dư nguồn tuyển?
Ngay khi Hội đồng điểm sàn công bố điểm sàn các khối thi, Bộ GD-ĐT khẳng định không thiếu nguồn tuyển cho các trường. Tuy nhiên, thực tế đang diễn ra thực trạng kẻ ăn không hết người lần không ra. Rõ nhất là ở những trường tốp giữa, trường đại học ngoài công lập và đại học địa phương.
Nếu tính theo cơ hội từng khối thi, khối A sẽ còn hơn 77.000 thí sinh trên “sàn” tranh hơn 39.000 chỉ tiêu, khối B có đến trên 84.000 thí sinh tranh gần 4.000 suất NV2, khối C có hơn 10.000 thí sinh tranh 6.000 suất và khối D1 có gần 40.000 thí sinh tranh hơn 13.600 suất. Như vậy, ở khối A, khối B và D1, nguồn tuyển khá dồi dào; nguồn tuyển ở khối C sẽ khan hiếm.
Nếu xét theo từng khu vực, tốp trường, trong cuộc đua xét tuyển NV2, nhiều trường sẽ đối diện với nguy cơ khan hiếm nguồn tuyển. Dù lấy điểm NV1 bằng điểm sàn của Bộ GD-ĐT nhưng Trường ĐH Nha Trang chỉ có 1/4 thí sinh trúng tuyển (600/2.400 chỉ tiêu). Với thực tế này, trường tiếp tục dành đến 1.800 chỉ tiêu xét tuyển thêm NV2. Chỉ tiêu nhiều cũng đồng nghĩa với việc nhà trường phải đứng trước nguy cơ thiếu người học vì nguồn tuyển hoàn toàn chờ thí sinh từ các tỉnh, TP khác.
Tại vùng trũng giáo dục của cả nước, dù xin Bộ GD-ĐT được áp dụng Điều 33 Quy chế tuyển sinh để giãn ưu tiên nhưng hàng loạt trường ĐH tại ĐBSCL như Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu, ĐH Kinh tế công nghiệp Long An… cũng lo vì nguồn tuyển cạn kiệt. Phó hiệu trưởng một trường băn khoăn: “Những ĐH tỉnh lẻ gần như 100% điểm chuẩn NV1 lấy bằng điểm sàn nhưng gom góp hết may lắm cũng chỉ được 1/3 chỉ tiêu cần tuyển. Và để có đủ chỉ tiêu, không còn khách nào khác là… chờ!”. Trong khi đó, nguồn tuyển NV2 của toàn khu vực ĐBSCL chính là ĐH Cần Thơ nhưng cũng không mấy khả quan vì trường cũng dành đến hơn 1.000 chỉ tiêu cho NV2.
Trong khi đó, các trường tốp giữa như Trường ĐH Nông Lâm TPHCM, ĐH Tôn Đức Thắng, ĐH Công nghiệp TPHCM… cũng phải cạnh tranh khốc liệt để thu hút thí sinh vì mỗi trường phải dành cả ngàn chỉ tiêu cho NV2 nhưng mức điểm trúng tuyển cũng chỉ bằng điểm sàn. Và cũng ở mức điểm này, sự ganh đua ở NV2 lại tiếp tục nóng bỏng khi cả trăm trường ĐH ngoài công lập cũng trông chờ nguồn tuyển chính vào NV2, 3.
- Chưa xét tuyển đã xé rào
Trước khi Bộ GD-ĐT công bố điểm sàn, nhiều trường ĐH đã liên tục đăng tải thông tin xét tuyển NV2. Nghiêm trọng hơn, nhiều trường đã làm ẩu, bất chấp quy chế tuyển sinh. Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu đăng tải thông báo xét tuyển NV2, 3 với nội dung: “Nhận hồ sơ, xét tuyển, công bố kết quả, làm thủ tục nhập học từ 15-8 đến 10-10”. Chúng tôi đã liên hệ phòng đào tạo nhà trường và sau khi nghe chúng tôi trình bày đã có giấy báo kết quả thi khối A được 13 điểm liệu có chắc trúng tuyển thì cô nhân viên đáp ngay: “Cứ đem phiếu điểm đến nộp. 13 điểm là chắc chắn đậu”.
Trong khi đó, Trường ĐH Tây Đô cũng sẵn sàng nhận và cấp giấy trúng tuyển cho thí sinh kể từ hôm nay. Tiếp chúng tôi qua điện thoại, một nhân viên phòng đào tạo hướng dẫn: “Đem phiếu điểm nộp vào trường, 13 điểm là trường cấp giấy trúng tuyển luôn”. Trong khi đó, trường thông báo rất rõ thời hạn xét tuyển NV2 từ ngày 25-8 đến ngày 15-9 và công bố kết quả xét tuyển, gửi giấy báo nhập học trước ngày 20-9.
Ông Đỗ Quốc Anh, Vụ trưởng - Giám đốc Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT cho biết: “Các trường nhận hồ sơ sớm, làm thủ tục trúng tuyển cho thí sinh là không đúng Quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT. Điều này làm mất tính công bằng, gây tâm lý hoang mang cho thí sinh lẫn các trường tham gia xét tuyển NV2. Nếu trường nào vi phạm, bộ sẽ có phương án xử lý”.
THANH HÙNG
Bộ GD-ĐT: Không hạ điểm trúng tuyển Theo thông báo của Bộ GD-ĐT, trên cơ sở mức điểm sàn mà bộ đã đưa ra, các trường ĐH-CĐ đóng tại vùng dân tộc thiểu số; vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ; các trường đào tạo nhân lực cho địa phương, các ngành nghề khó tuyển, nhu cầu cao về nhân lực (nông, lâm, thủy sản...), Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh báo cáo về việc vận dụng Điều 33 của Quy chế tuyển sinh ĐH-CĐ hệ chính quy hiện hành, để Bộ trưởng Bộ GD-ĐT xem xét, quyết định. Thông báo nêu rõ, các trường căn cứ điểm sàn xét tuyển ĐH-CĐ để xác định điểm trúng tuyển. Điểm trúng tuyển không thấp hơn điểm sàn. Điểm trúng tuyển nguyện vọng sau không thấp hơn điểm trúng tuyển nguyện vọng trước, đảm bảo tỷ lệ trúng tuyển hợp lý giữa các nguyện vọng. Không hạ điểm trúng tuyển, không nhân hệ số các môn thi để xác định điểm sàn. P.THẢO