Còn 3 ngày nữa, thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi (theo tuyến các trường THPT và Sở GD-ĐT) tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 sẽ kết thúc. Dù được đánh giá có sự cân nhắc kỹ hơn khi nộp hồ sơ nhưng thực tế thí sinh vẫn chưa thoát được xu hướng chọn ngành – trường theo cảm tính hơn là theo sở thích, năng lực bản thân.
Thí sinh thận trọng
Tính đến hôm nay, Văn phòng Tuyển sinh Bộ GD-ĐT tại phía Nam đã nhận gần 4.000 hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh. Trong đó, dẫn đầu là Trường ĐH Kinh tế TPHCM chiếm trên 20%, với gần 1.000 hồ sơ. Kế đến là các trường ĐH Công nghiệp TPHCM, ĐH Sài Gòn, ĐH Mở, ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch…
Nhận định về tình hình nộp hồ sơ của thí sinh, ông Nguyễn Quốc Cường, Chuyên viên tuyển sinh Bộ GD-ĐT cho biết: Thí sinh năm nay có sự thận trọng trong việc nộp hồ sơ so với năm 2010. Vào thời điểm này năm ngoái, bộ phận tuyển sinh đã nhận gần 10.000 hồ sơ của thí sinh. Việc thí sinh thận trọng cũng phần nào hạn chế những sai sót trên hồ sơ. Tuy nhiên, sự thận trọng vẫn chưa đủ giúp thí sinh thoát khỏi lối mòn chọn ngành nghề, chọn trường theo cảm tính. Thống kê trong tổng số 4.000 hồ sơ, có đến hơn 80% thí sinh chọn nhóm ngành kinh tế.
Theo cán bộ thu nhận hồ sơ tại Sở GD-ĐT TPHCM, thí sinh nộp hồ sơ chậm hơn so với năm ngoái. Tính đến thời điểm này, sở mới nhận gần 1.000 hồ sơ. Ghi nhận bước đầu cho thấy, phần đông thí sinh đều tập trung vào các ngành quản trị kinh doanh, tài chính ngân hàng, kế toán… Trường dẫn đầu số lượng hồ sơ nộp vào là Trường ĐH Sài Gòn và Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch.
Trong khi đó, các sở GD-ĐT địa phương cũng đưa ra nhận định, tiến độ nộp hồ sơ năm nay chậm hơn mọi năm. Những năm trước, thí sinh kết thúc nộp hồ sơ trong vòng 15 đến 20 ngày. Tuy nhiên, năm nay nhiều trường phải liên tục thông báo nhắc nhở thí sinh nộp hồ sơ để trường nộp về sở cho đúng thời hạn để bàn giao cho các trường ĐH-CĐ tổ chức thi.
Ghi nhận tại một số trường THPT trên địa bàn TP cho thấy, đến thời điểm này, các trường đã hoàn tất việc thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi và đang trong giai đoạn thống kê để bàn giao về Sở GD-ĐT TPHCM.
Mất cân đối
Nhìn vào danh sách nộp hồ sơ ở Văn phòng tuyển sinh Bộ GD-ĐT tại phía Nam và Sở GD-ĐT TPHCM, các trường đại học ở các địa phương gần như không nhận được bộ hồ sơ nào. Trường được cho là nhiều hồ sơ nhất cũng không quá 10 hồ sơ. Không tính đâu xa, nhiều trường tại khu vực Đông Nam bộ thuộc các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn chưa có bất cứ hồ sơ nào.
Trong danh sách những thí sinh rải nhiều hồ sơ nhất (từ 3-6 hồ sơ) ở các tỉnh như Lâm Đồng, Cần Thơ, An Giang… cũng không có hồ sơ nào nộp vào các trường đại học của tỉnh nhà mà đều dồn về các trường đại học tại TPHCM.
“Chúng tôi cũng ý thức được tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin về ngành nghề đào tạo, nhu cầu tuyển dụng của địa phương vào mỗi mùa tuyển sinh. Do đó, sở đã nỗ lực kéo chương trình tư vấn hướng nghiệp về tỉnh nhà nhưng kết quả nhận hồ sơ thật đáng buồn. Gần 6.000 hồ sơ đăng ký dự thi nhưng chưa tới 20% hồ sơ nộp vào trường đại học và trường cao đẳng của tỉnh nhà”, giám đốc một Sở GD-ĐT tại Khu vực ĐBSCL băn khoăn.
Có lẽ vì muốn động viên thí sinh hãy chọn trường gần nhà nên một cán bộ thu nhận hồ sơ của Sở GD-ĐT tỉnh Tiền Giang đã thẳng thắn khuyên thí sinh đến nộp hồ sơ: “Ở tỉnh mình có đại học, sao các em không chịu học mà cứ thi nhau đăng ký vào các trường ở TP? Em nào đăng ký vào các trường ở TP, tôi sẽ không nhận hồ sơ nữa!”. Và sợ mất cơ hội thi vào một trường ĐH tại TPHCM, thí sinh này đã gọi điện nhờ bộ phận tuyển sinh nhà trường can thiệp.
Sự mất cân đối giữa các trường đại học địa phương với những trường đại học ở các TP lớn có lẽ không quan trọng bằng sự mất cân đối trong ngành nghề để phát triển kinh tế xã hội. Trái lại với cảnh huy hoàng của nhóm ngành kinh tế, hồ sơ đăng ký dự thi của nhóm ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật và cơ khí nông lâm năm nay tiếp tục đìu hiu.
Thực tế cho thấy, không chỉ những mùa tuyển sinh gần đây mà ngay kết quả tuyển sinh trong năm 2010 cho thấy nhóm ngành kinh tế đã chiếm tới trên 27% trong tổng số thí sinh trúng tuyển vào các trường. Kết quả này đã vượt mục tiêu mà Chính phủ đặt ra: “Đến năm 2020 nhóm ngành kinh tế - luật chiếm 20% sinh viên theo học”. Trong khi đó, nhóm ngành khoa học cơ bản mục tiêu phải đạt 9% lượng sinh viên đăng ký theo học nhưng hiện nay chưa tới 3%.
Và với tình hình các trường tăng chỉ tiêu nhóm ngành kinh tế cộng thêm hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2011 vẫn chạy theo kinh tế, việc điều chỉnh lại cơ cấu chỉ tiêu ngành nghề cho phù hợp với chiến lược phát triển của từng địa phương và của cả nước là điều cần thiết.
THANH HÙNG