Tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 hệ chính quy: Nhiều điểm mới về thi trắc nghiệm

Tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 hệ chính quy: Nhiều điểm mới về thi trắc nghiệm

(SGGPO).- Chiều qua, 2-3, Bộ GD-ĐT đã ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH-CĐ) hệ chính quy. Theo đó, kỳ tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 tới sẽ có  nhiều điểm mới về thi trắc nghiệm

>> Lịch thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2011


Các em học sinh khối 12 trường THPT Phú Hòa Củ Chi tại buổi tư vấn hướng nghiệp do báo SGGP tổ chức. ẢNH: MAI HẢI.
Các em học sinh khối 12 trường THPT Phú Hòa Củ Chi tại buổi tư vấn hướng nghiệp do báo SGGP tổ chức. ẢNH: MAI HẢI.
Siết chặt các hình thức kỷ luật

Theo quy chế mới, Bộ GD-ĐT sẽ cảnh cáo hoặc có hình thức kỷ luật cao hơn đối với Chủ tịch Hội đồng tuyển sinh và những người khác liên quan vi phạm một trong các lỗi: Gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển vào trường; Thông báo nhận và kết thúc việc nhận hồ sơ đăng kí xét tuyển của thí sinh không đúng thời gian quy định; Hạ điểm trúng tuyển các nguyện vọng trái quy định; Tính điểm sàn với điểm môn thi đã nhân hệ số.

Bộ GD-ĐT cho rằng, những vi phạm này đang diễn ra phổ biến hiện nay (nhất là việc gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển vào trường dẫn đến tình trạng một thí sinh nhận được cả chục giấy mời học), vì vậy cần phải được xử lý nghiêm khắc.

Liên quan đến trách nhiệm của thí sinh trong kỳ thi cũng được sửa đổi, theo đó, trước khi làm bài thi phải ghi đầy đủ số báo danh (cả phần chữ và phần số) vào giấy thi, giấy nháp và phải yêu cầu cả hai cán bộ coi thi kí và ghi rõ họ tên vào giấy thi, giấy nháp.

Cũng theo quy chế này, Chủ tịch hội đồng tuyển sinh trường trực tiếp xét duyệt danh sách thí sinh trúng tuyển do Ban Thư ký trình và ký giấy triệu tập thí sinh trúng tuyển nhập học. Trong giấy triệu tập cần ghi rõ kết quả thi của thí sinh và những thủ tục cần thiết đối với thí sinh khi nhập học; không gửi giấy triệu tập trúng tuyển cho thí sinh không nộp hồ sơ đăng kí xét tuyển vào trường.

Bộ cũng nêu rõ, các trường khai giảng năm học chậm nhất vào ngày 30-10. Ngày 15-10 hằng năm, các trường lập danh sách thí sinh trúng tuyển và công bố trên mạng Internet.

Quy chế cũng nêu, thí sinh trúng tuyển vào trường không cần nộp hồ sơ trúng tuyển.

Bổ sung nhiều điểm mới về thi trắc nghiệm

Quy chế này cũng bổ sung nhiều quy định liên quan đến thi trắc nghiệm. Đây cũng là vấn đề mà nhiều trường ĐH-CĐ kiến nghị trong thời gian qua nhằm thống nhất cao những quy định về thi trắc nghiệm (từ trước đến nay không đưa vào quy chế, chỉ là hướng dẫn riêng). Một số quy định về thi trắc nghiệm được “quy chế hóa” như đối với đề thi theo phương pháp trắc nghiệm, cán bộ Ban đề thi rút câu hỏi trắc nghiệm từ ngân hàng câu trắc nghiệm.

Trưởng môn thi phân công các thành viên trong tổ ra đề, thẩm định từng câu trắc nghiệm theo đúng yêu cầu về nội dung đề thi. Tổ ra đề làm việc chung, lần lượt chỉnh sửa từng câu trắc nghiệm trong đề thi dự kiến. Sau khi chỉnh sửa lần cuối Trưởng môn thi ký tên vào đề thi và giao cho Trưởng ban Đề thi. Cán bộ Ban đề thi thực hiện khâu trộn đề thi thành nhiều phiên bản khác nhau. Tổ ra đề rà soát từng phiên bản đề thi, đáp án và ký tên vào từng phiên bản của đề thi.

Đối với môn thi trắc nghiệm, ngoài trách nhiệm được quy định, cán bộ coi thi phải thực hiện các công việc: Nhận túi đề thi, phiếu trả lời trắc nghiệm (TLTN), hồ sơ thi liên quan mang về phòng thi; kí tên vào giấy nháp và phiếu TLTN. Phát phiếu TLTN và giấy nháp, hướng dẫn thí sinh điền vào các mục từ 1 đến 9 trên phiếu TLTN. Phát đề thi cho thí sinh sao cho 2 thí sinh ngồi cạnh nhau (theo cả hàng ngang và hàng dọc) không có cùng mã đề thi. Khi phát đề thi, yêu cầu thí sinh để đề thi dưới phiếu TLTN và không được xem đề thi.

Khi thí sinh cuối cùng nhận được đề thi thì cho phép thí sinh lật đề thi lên và ghi, tô mã đề thi vào phiếu TLTN, ghi mã đề thi vào hai phiếu thu bài thi. Kiểm tra việc ghi và tô mã đề thi vào phiếu TLTN của thí sinh (so sánh mã đề thi đã ghi, tô trên phiếu TLTN và ghi trên phiếu thu bài thi với mã đề thi ghi trên tờ đề thi của thí sinh). Không cho thí sinh ra khỏi phòng thi và không thu phiếu TLTN trước khi hết giờ làm bài.

Bàn giao cho lãnh đạo hoặc thư ký điểm thi toàn bộ phiếu TLTN (đã được xếp sắp theo số báo danh từ nhỏ đến lớn) và một bản phiếu thu bài thi (đã điền mã đề thi và có đủ chữ ký thí sinh) được bỏ vào túi bài thi. Một bản phiếu thu bài thi còn lại để bên ngoài túi bài thi được bàn giao cho lãnh đạo điểm thi (để chuyển cho Thủ trưởng đơn vị lưu giữ, quản lý độc lập với Tổ xử lý bài thi).

Ngoài ra, xử lý kết quả chấm và làm biên bản chấm thi môn trắc nghiệm và việc phúc khảo bài thi trắc nghiệm cũng được bổ sung. Đáng chú ý, thí sinh được đề nghị phúc khảo bài thi trắc nghiệm của mình sau khi làm các thủ tục theo quy chế. Tổ phúc khảo bài thi trắc nghiệm (nằm trong Ban phúc khảo) có thành phần tương tự như tổ xử lý bài trắc nghiệm. Điểm chấm lại của tổ phúc khảo bài thi trắc nghiệm là điểm thi chính thức của thí sinh trong kỳ thi.

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục