Theo số liệu thống kê mà các sở GD-ĐT cho biết chiều 24-4, hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 ở các tỉnh đều tăng, nhiều tỉnh tăng 4.000 - 9.000 hồ sơ. Tuy nhiên, không như những thông tin ban đầu khiến các ĐH vùng khấp khởi là lượng hồ sơ nộp vào các trường này đều tăng, sau khi hoàn tất khâu nhập liệu hồ sơ, con số thực mà các sở GD-ĐT công bố đã một lần nữa khiến các nhà quản lý giáo dục lo ngại: Đại học vùng vẫn chưa chiếm được ngôi vị trong suy nghĩ của chính học sinh tại vùng đó.
- Hồ sơ tăng
Đến nay, các sở GD-ĐT trên cả nước đang hoàn tất thống kê, nhập liệu hồ sơ đăng ký dự thi tuyển sinh ĐH-CĐ 2011 để chuẩn bị bàn giao cho các trường ĐH-CĐ. Đúng như dự đoán, lượng hồ sơ năm nay tăng so với năm 2010 (năm đầu thực hiện thu lệ phí hồ sơ, lệ phí thi khi thí sinh nộp hồ sơ).
Tính đến thời điểm này, Sở GD-ĐT TPHCM dẫn đầu cả nước về hồ sơ đăng ký thi ĐH - CĐ năm 2011 với hơn 150.000 hồ sơ, tăng hơn 9.000 hồ sơ so với năm 2010. Nhìn chung thí sinh vẫn tập trung chọn vào nhóm ngành kinh tế; những ngành thuộc khối kỹ thuật, cơ khí tiếp tục heo hút. Tuy nhiên, ở các trường tốp trên như ĐH Kinh tế, ĐH Ngân hàng, ĐH Ngoại thương, lượng hồ sơ giảm nhẹ. Ngược lại, thí sinh chọn những trường tốp giữa vừa sức mình, điểm trúng tuyển không quá cao như ĐH Sài Gòn, ĐH Công nghiệp, ĐH Tôn Đức Thắng...
Trong tốp những trường nhận lượng hồ sơ cao nhất, Trường ĐH Sài Gòn chiếm ưu thế đến 10% trong tổng số hồ sơ nộp tại sở với hơn 10.000 hồ sơ. Các trường có lượng hồ sơ cao kế tiếp là ĐH Tôn Đức Thắng với gần 10.000 hồ sơ, ĐH Công nghiệp hơn 9000; ĐH Tài chính - Marketing gần 9.000; ĐH Mở xấp xỉ 8.000; CĐ Kinh tế Đối ngoại gần 7.000; ĐH Hoa Sen trên 6.000; ĐH Nông lâm hơn 5.000 và ĐH Kinh tế khoảng 4.000 hồ sơ.
Các trường đại học thành viên thuộc ĐH Quốc gia TPHCM lại “đảo chiều” khi thí sinh không dám mạo hiểm nộp nhiều hồ sơ. Đứng đầu là Trường ĐH Khoa học tự nhiên với khoảng 3.500 hồ sơ, ĐH Bách khoa gần 3.300, ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn 2.600, còn ĐH Quốc tế chỉ nhận được gần 2.000 hồ sơ. Một điểm đáng chú ý là năm nay, thí sinh đăng ký vào nhóm ngành sư phạm tiếp tục sụt giảm. Thống kê sơ bộ từ Sở GD-ĐT TPHCM cho thấy, số lượng hồ sơ nộp vào Trường ĐH Sư phạm TPHCM chỉ có khoảng 3.000.
Không chỉ TPHCM mà hồ sơ dự thi tại tất cả các tỉnh, thành trên cả nước đều tăng so với năm ngoái. Nếu như năm 2010, toàn tỉnh Đồng Nai có khoảng 48.000 hồ sơ, năm nay tăng lên đến trên 52.000 hồ sơ (tăng hơn 4.000). Dù lượng học sinh khối 12 toàn tỉnh Lâm Đồng năm 2011 không tăng so với năm 2010 (khoảng 18.000) nhưng hồ sơ của thí sinh năm nay tăng trên 2.000. Các tỉnh tại khu vực miền Bắc và khu vực ĐBSCL, lượng hồ sơ cũng tăng 1.500 - 5.000 hồ sơ so với năm rồi.
- Đại học vùng chưa khởi sắc
Những mùa tuyển sinh gần đây, cơ hội để thí sinh vào các ĐH vùng, ĐH tỉnh rất rộng mở. Ngày càng nhiều ĐH vùng năm nào cũng tuyển không đủ chỉ tiêu dù đã cố hy vọng đến xét tuyển nguyện vọng 3 và xin áp dụng giãn khoảng cách điểm ưu tiên theo Điều 33 Quy chế tuyển sinh. Tuy nhiên, năm nay lượng hồ sơ các tỉnh tăng, số lượng hồ sơ đăng ký vào các trường địa phương cũng nhỉnh hơn nhưng thực tế là do “mượn” trường thi.
Theo ông Lê Văn Đức, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp Sở GD-ĐT Đồng Nai, cho biết: Năm nay tỉnh nhà có 2 trường ĐH và 2 trường CĐ và thu hút trên 5.000 hồ sơ đăng ký dự thi (cao hơn so với năm 2010 khoảng 1.000 hồ sơ) nhưng thực tế phần lớn là các em mượn trường thi. Trong hơn 5.000 hồ sơ đăng ký thi vào trường ĐH-CĐ của tỉnh, có hơn 3.600 hồ sơ mượn trường thi.
Cũng giống như Đồng Nai, Lâm Đồng hiện có 2 trường ĐH và một trường CĐ. Toàn tỉnh có 4.500 hồ sơ trên tổng số 32.600 hồ sơ đăng ký thi vào Trường ĐH Đà Lạt. Như vậy, lượng hồ sơ đăng ký vào ĐH tỉnh có đột biến so với năm 2010. Đáng nói hơn, khi lượng hồ sơ mượn trường thi năm nay lại tăng và chiếm khoảng 2.000 hồ sơ. Lý giải về hiện tượng này, đại diện Sở GD-ĐT Lâm Đồng cho biết: Dù tỉnh đã có nhiều cố gắng để làm công tác hướng nghiệp, khuyến khích các em đăng ký học trường gần nhà nhưng thực tế công tác này vẫn chưa như mong muốn khi vẫn còn nhiều học sinh quay lưng với ĐH tỉnh nhà.
Dù biết học sinh tỉnh nhà còn nhiều khó khăn nên các địa phương như Cà Mau, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bạc Liêu… nỗ lực tăng thông tin hướng nghiệp, chọn trường. Tuy nhiên, dường như sức hấp dẫn của ĐH tỉnh vẫn không được thí sinh quan tâm khi lượng hồ sơ mượn trường thi vẫn tăng cao.
Những thuận lợi cũng như nhưng ưu thế khi chọn học trường gần nhà là điều không quá khó để thí sinh nhận ra. Tuy nhiên, để tình hình tuyển sinh khởi sắc hơn, không chỉ các ĐH địa phương mà cấp quản lý không còn cách nào khác là phải kiên trì trong việc phối hợp thực hiện công tác hướng nghiệp, đồng thời phải nghiên cứu để phát huy tối đa những ngành nghề thuộc về thế mạnh và đặc trưng của địa trường mình để thu hút thí sinh.
Thanh Hùng