Không quá tải như tuyển sinh lớp 1, tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM được ngành giáo dục đảm bảo “không để một em học sinh nào không được đến trường vì thiếu chỗ học”. Tuy nhiên, đối với tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM trong mấy năm qua đều gay cấn và căng thẳng không kém gì kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ. Bởi lẽ đối với phụ huynh (PH) và học sinh (HS), cánh cửa lớp 10 như một cột mốc quan trọng.
Học sinh giỏi cũng luyện thi
Trong những ngày này, có mặt tại Trung tâm Văn hóa ngoài giờ của Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong và Trường Bồi dưỡng văn hóa Lý Tự Trọng (40 Mạc Đĩnh Chi), chúng tôi chứng kiến nhiều PH tất bật đăng ký chỗ luyện thi cho con.
Cầm sổ liên lạc của con, chị Trần Thị Kim Ngọc, PH một học sinh lớp 9 Trường THCS An Phú, Củ Chi cho biết: “Con gái tôi 3 năm THCS đều đạt loại giỏi, nhưng để vào được Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, phải cho nó đi học thêm thầy giỏi mới an tâm”. Trong tay cầm tờ thời khóa biểu của Trường Bồi dưỡng văn hóa Lý Tự Trọng, chị Ngọc tâm sự: “Vậy là từ ngày 3-5 tới, con gái chị sẽ bắt đầu chạy “sô”, vì hiện lịch học ở trường vẫn chưa kết thúc, tan học 17 giờ, 17 giờ 45 chị phải chở con từ huyện Củ Chi lên quận 1 học”.
Đồng tâm trạng với chị Ngọc, 2 PH có con đang học Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình - trường điểm của thành phố và hầu hết là HS giỏi, vẫn chạy đôn chạy đáo tìm thầy giỏi luyện thi cho con. Anh Phan Trọng Hiền than thở: “Nghe nói muốn vào được lớp chuyên môn nào, phải đăng ký đúng thầy đó dạy, kết quả mới tốt”.
Anh Hiền khoe, con trai anh học lực 3 năm lớp 6, 7, 8 đều giỏi, lớp 9 kết quả tổng kết chưa có, nhưng chắc cũng sẽ đạt loại giỏi. Ngoài ra, con trai anh còn có giấy khen HS giỏi cấp thành phố nữa. Tuy nhiên để chắc chắn đậu, anh vẫn phải cho con đi học lớp luyện thi.
HS giỏi lo âu sợ không vào được trường chuyên, còn HS trung bình khá thì sợ trượt cơ hội vào lớp 10 trường công lập. Thậm chí, có em chỉ đăng ký nguyện vọng vào các trường “thường thường bậc trung”, điểm chuẩn không cao, nhưng vẫn sợ nếu không ôn luyện cũng có thể rớt.
Hoàng Vũ, HS lớp 9A1 Trường THCS Trần Văn Ơn quận 1, tâm sự: “Năm nay em đăng ký nguyện vọng 1 vào Trường THPT Thực hành Sư phạm, nguyện vọng 2 vào Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, nhưng học lực môn Văn của em hơi yếu so với các môn học khác. Sợ đề thi lớp 10 quá khó, không làm được bài sẽ bị đánh rớt nên em đăng ký luyện thêm môn Văn”.
Bài toán dư và thiếu
Vừa qua, theo báo cáo của Sở GD-ĐT TPHCM, dự kiến năm học này, toàn thành phố có 77.749 HS tốt nghiệp THCS. Trong đó, các trường THPT công lập sẽ tuyển 56.498 HS - tương đương 72,3% vào lớp 10, giảm hơn 10% so với năm trước.
Theo ông Nguyễn Hoài Chương, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, định hướng của Nhà nước đối với HS tốt nghiệp THCS là 60% vào các trường THPT công lập, còn lại 40% vào các trường ngoài công lập, kể cả giáo dục thường xuyên (GDTX), trung cấp chuyên nghiệp (TCCN), trường nghề. Tại TPHCM, số HS vào công lập lên tới trên 70%, thậm chí là trên 80% (năm 2009) như vậy là quá nhiều.
Theo Sở GD-ĐT TPHCM, hệ thống trường ngoài công lập, GDTX, TCCN và trường nghề sẽ dư sức chứa 21.251 HS không trúng tuyển kỳ tuyển sinh lớp 10. Tuy nhiên, với PH và HS, việc vào lớp 10 trường công vẫn là mục tiêu hàng đầu, vì sẽ nhẹ gánh học phí và cơ hội vào ĐH, CĐ sẽ rộng cửa hơn.
Không những vậy, năm học 2010-2011 hứa hẹn kể cả trường công và trường tư tại TPHCM đều sẽ có mức học phí mới. Tất nhiên, với học phí của các trường THPT tư thục quá cao, HS con nhà nghèo khó có thể theo học. Còn về các trung tâm GDTX và trường nghề, lâu nay nhiều PH vẫn chưa thể đặt niềm tin.
Trong một hội thảo về phân luồng HS, phòng GD huyện Nhà Bè cho biết: “Qua tiếp xúc và khảo sát ý kiến PH ở đây, chúng tôi thấy nhiều PH có suy nghĩ đưa con em vào học nghề và trung tâm GDTX là con em mình sẽ hư hỏng. Do đó, ngay cả khi hiểu rõ năng lực HS trường mình không thể đậu lớp 10, theo lên ĐH, CĐ, các trường cũng khó lòng thuyết phục và hướng nghiệp cho HS vào các trường nghề, GDTX”.
Còn công tác phân luồng vào TCCN hiện nay, dù theo ghi nhận của ngành giáo dục là đã có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, theo những số liệu thống kê và đánh giá khách quan, hệ thống đào tạo này vẫn chưa đủ thuyết phục PH và thu hút HS. Đơn cử, theo số liệu của Bộ GD-ĐT, hàng năm chỉ có 20.000 - 25.000 HS tốt nghiệp THCS vào học TCCN. Con số này chỉ chiếm 10% so với tổng quy mô đào tạo TCCN hàng năm.
Mặt khác, số HS tốt nghiệp THCS hàng năm không học tiếp lên THPT là 550.000 - 580.000. Số HS này cũng không theo học trường nghề hay TCCN mà “ra thẳng” thị trường lao động, chấp nhận làm lao động phổ thông. Tại TPHCM, trong năm 2009, có 2.538 HS rớt tốt nghiệp THPT, nhưng số HS vào hệ TCCN chỉ hơn 50%.
Thậm chí khi chấp nhận vào học TCCN, nửa đường HS lại bỏ học. Cụ thể năm học 2007-2008, Trường Trung cấp Kỹ thuật kinh tế Nguyễn Hữu Cảnh, quận 7 có 61% HS bỏ học, năm học 2008-2009 hơn 50% HS bỏ học. Theo báo cáo sơ kết học kỳ 1 năm học 2009-2010, đã có 2.175 HS hệ TCCN bỏ học.
Dù có nhiều cố gắng nỗ lực thay đổi diện mạo lẫn chất lượng, nhưng hệ thống các trường TCCN và CĐ có đào tạo TCCN tại TPHCM chỉ mới thu hút được 28.761 HS vào học, đạt tỷ lệ 81,66%.
NGUYÊN THỦY