PHÓNG VIÊN: Ông có thể nói gì về tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố trong nửa đầu năm nay?
Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Thống kê cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn TPHCM xảy ra 1.381 vụ tai nạn giao thông, bao gồm va chạm giao thông, làm chết 249 người, làm bị thương 978 người. So với cùng kỳ năm ngoái, số tai nạn giao thông đã giảm 277 vụ, số người chết giảm 56 người và số bị thương cũng giảm 168 người. Nửa đầu năm nay, toàn thành phố không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, không tăng không giảm so với cùng kỳ năm ngoái.
Mặc dù đã giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng tai nạn giao thông vẫn còn hàng ngàn vụ. Theo ông, vì sao số vụ tai nạn giao thông còn nhiều như vậy?
Chúng tôi cho rằng, đây là hệ quả tổng hợp của nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đáng kể, đó là phương tiện giao thông cá nhân tăng nhanh, trong khi chưa có giải pháp kiểm soát hiệu quả. Số lượng phương tiện tăng cao nhưng ý thức chấp hành pháp luật (ở đây là Luật Giao thông đường bộ) của một bộ phận không nhỏ người tham gia giao thông chưa cao, nhóm này chủ yếu rơi vào người điều khiển xe 2 bánh, xe container và người bộ hành.
Theo thống kê chúng tôi ghi nhận được, các vụ tai nạn giao thông xảy ra gây thương vong nhân mạng nhiều nhất tập trung vào các nguyên nhân do lái xe cơ giới, như lưu thông không đúng phần đường, không chú ý quan sát, xử lý tay lái kém, đổi hướng không đúng quy định, không giữ khoảng cách an toàn, vi phạm tốc độ… Hơn 70% vụ tai nạn giao thông có liên quan đến ý thức chưa cao của người điều khiển phương tiện giao thông.
Trong khi đó, công tác kiểm tra xử lý vi phạm trật tự lòng lề đường tại một số địa phương chưa được duy trì thường xuyên. Tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để buôn bán, kinh doanh, đậu xe không đúng quy định vẫn còn diễn ra nhiều nơi, trên nhiều tuyến đường. Tình trạng mất trật tự lòng lề đường, họp chợ tự phát vẫn còn, gây mất trật tự an toàn giao thông. Ngay cả lực lượng chuyên trách nòng cốt là cảnh sát giao thông, do bị căng kéo vào nhiều nhiệm vụ khác nhau, nên cũng chưa đảm bảo việc thường xuyên, liên tục tuần tra khép kín địa bàn.
Tình hình ùn tắc giao thông thì sao, thưa ông?
Địa bàn thành phố không xảy ra vụ ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút, so với thời gian liền kề và cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, tình trạng ùn ứ giao thông lại diễn biến phức tạp, thường xuyên vào các giờ cao điểm trên nhiều tuyến đường, trong đó chủ yếu là các tuyến cửa ngõ, tuyến đường xuyên tâm, đường ra vào cảng. Thành phố cũng đã ban hành kế hoạch phối hợp xử lý, kiểm soát đối với 22 điểm có nguy cơ cao về ùn tắc giao thông; đảm bảo công tác phối hợp, ngăn chặn bước đầu không để xảy ra ùn tắc kéo dài, nhất là tại hai khu vực trọng điểm là sân bay Tân Sơn Nhất và cảng Cát Lái. Đến nay, có 5 điểm chuyển biến tốt, 11 điểm có chuyển biến nhưng còn phức tạp và 6 điểm chưa có chuyển biến.
Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật về trật tự ATGT có gì mới trong thời gian tới?
Chúng tôi cho rằng, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT cần được đổi mới và nâng cao hơn nữa hiệu quả trong thời gian tới. Nội dung tuyên truyền phải đi vào chiều sâu, không hình thức, đúng đối tượng để mỗi người dân tự giác có ý thức chấp hành pháp luật về đảm bảo trật tự ATGT. Thường xuyên đổi mới hình thức tuyên truyền nhằm thu hút sự quan tâm của các đối tượng được tuyên truyền; nội dung biên tập cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ và dễ làm theo, nhất là hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng.
Chú trọng tuyên truyền pháp luật, văn hóa giao thông đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải, lái xe và người điều khiển phương tiện giao thông. Vận động để người dân tích cực hỗ trợ trực tiếp tuyên truyền cho gia đình, người thân và cộng đồng dân cư nơi mình cư trú. Qua đó, góp phần đẩy mạnh phong trào “Toàn dân tham gia bảo đảm trật tự ATGT” và phong trào “Toàn dân thực hiện văn hóa giao thông”.
Công tác tổ chức hoạt động tuyên truyền cũng tập trung vào các vấn đề kiểm soát tốc độ, kiểm soát tải trọng xe, kiểm soát nồng độ cồn đối với lái xe, an toàn đường ngang đường sắt, an toàn bến khách ngang sông. Trong đó, chú trọng tuyên truyền và xử lý hành vi vi phạm nồng độ cồn, sử dụng chất kích thích khi điều khiển phương tiện, lưu thông quá tốc độ cho phép, chở hàng vượt tải trọng, xe máy lưu thông vào làn đường dành cho xe ô tô, không đội mũ bảo hiểm khi tham gia giao thông bằng xe máy…
Về giao thông đường thủy, tiếp tục tuyên truyền, vận động thực hiện phong trào “Văn hóa giao thông với bình yên sông nước”. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức, xây dựng văn hóa giao thông đối với người tham gia giao thông đường thủy nội địa.
Những biện pháp đáng chú ý nào sẽ được triển khai trong thời gian tới, để bám sát chủ đề năm ATGT 2020?
Ban ATGT TPHCM sẽ tiếp tục tham mưu cho chính quyền thành phố trong việc rà soát, hoàn thiện chính sách về bảo đảm trật tự ATGT; lồng ghép mục tiêu ATGT, khắc phục ùn tắc giao thông trong các đề án, quy hoạch của thành phố. Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về trật tự ATGT, trật tự đô thị; kiên trì xây dựng văn hóa giao thông an toàn và thân thiện môi trường cho người dân. Chúng tôi cho rằng, việc đảm bảo trật tự ATGT không thể tách rời công tác nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, tăng cường tuần tra, kiểm soát trên đường phố, xử lý nghiêm. Đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, ưu tiên nguồn lực cho các công trình giao thông cấp bách để kéo giảm ùn tắc giao thông; gắn với duy tu, tổ chức giao thông khoa học, hợp lý, an toàn phù hợp với tình hình thành phố. Ưu tiên hoàn tất các thủ tục đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình để kéo giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, khu vực cảng Cát Lái; xây dựng một số nút giao trọng điểm trên địa bàn, khép kín Vành đai 2, hầm chui, cầu vượt tại các tuyến đường cửa ngõ.
Chúng tôi cho rằng, công tác đảm bảo ATGT cho thành phố trong thời gian tới để đạt được hiệu quả, cần có biện pháp tổng hợp, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý sai phạm và tiếp tục chiều hướng tổ chức giao thông một cách hợp lý, khoa học. Trong công tác tuyên truyền vận động, cần phải xác định đây không chỉ là việc của riêng của Ban ATGT và ngành GTVT, mà còn là phần trách nhiệm của nhiều sở ban ngành, từ Công an thành phố, Sở GD-ĐT, đến các tổ chức chính trị xã hội. Việc tham gia, hưởng ứng công tác tuyên truyền rộng khắp như vậy sẽ góp phần nâng cao nhận thức người dân trong vấn đề chấp hành các quy định về ATGT. Tương tự như vậy, công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm không phải chỉ là việc của lực lượng công an thành phố, mà còn là trách nhiệm của chính quyền các quận huyện, các lực lượng thanh tra chuyên ngành…
Đối với công tác tổ chức giao thông, điểm mấu chốt là chỉ có thể khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông hiện hữu, nếu giao thông đi lại được tổ chức chặt chẽ, khoa học. Vì thế, chúng tôi cho rằng, trong vấn đề này, phần việc của Sở GTVT là tăng cường chỉ đạo các đơn vị chức năng trực thuộc kịp thời duy tu hệ thống đường bộ, rà soát và hoàn thiện hệ thống biển báo, cấm xe tải, xe container lưu thông vào giờ cao điểm trên một số tuyến đường có tai nạn giao thông tăng…
Thời gian tới, TPHCM sẽ tập trung hoàn chỉnh trình HĐND phê duyệt Đề án “Tăng cường vận tải hành khách công cộng, kết hợp kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông”. Đầu tư đổi mới phương tiện phù hợp với đặc tính đô thị và thân thiện môi trường; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị. Bên cạnh đó, tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức giao thông, hỗ trợ công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự ATGT. Ngoài ra, thực hiện đồng bộ các giải pháp hạn chế sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân, kiểm soát chặt điều kiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của các phương tiện cơ giới, nhất là ở khu vực nội thành. Quản lý chặt chẽ hoạt động xây dựng, bảo đảm việc đầu tư, xây dựng mới hoặc điều chỉnh, sắp xếp các khu công nghiệp, khu đô thị, trung tâm thương mại, trường học, bệnh viện… phù hợp với năng lực kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải công cộng. |