Tuyên truyền, vận động gắn với giám sát giao thông

Tình hình trật tự giao thông trên địa bàn TPHCM trong quý 1-2018 diễn biến ra sao và việc thực hiện công tác đảm bảo trật tự giao thông trong những tháng tới có gì đáng chú ý? Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông TPHCM về các vấn đề trên.
Nút giao thông Mỹ Thủy đang xây dựng để giải quyết ùn ứ giao thông tại khu vực Cát Lái. Ảnh: THÀNH TRÍ
Nút giao thông Mỹ Thủy đang xây dựng để giải quyết ùn ứ giao thông tại khu vực Cát Lái. Ảnh: THÀNH TRÍ

- PHÓNG VIÊN: Trong quý 1 - 2018 vừa kết thúc, tình hình tai nạn và ùn tắc giao thông trên địa bàn TPHCM diễn biến thế nào, thưa ông?

>> Ông NGUYỄN NGỌC TƯỜNG: Thống kê mới nhất cho thấy trong quý 1-2018, tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố có tiêu chí 2 tăng so với cùng kỳ năm 2017. Cụ thể, trong 3 tháng đầu của năm 2018, toàn địa bàn thành phố xảy ra 927 vụ tai nạn giao thông, bao gồm cả các vụ va chạm giao thông. Các vụ tai nạn này làm chết 182 người và 639 người khác bị thương. So với cùng kỳ năm ngoái, số vụ tai nạn giao thông tăng 74 vụ, tương ứng mức tăng gần 9%; số người chết tăng 31 người, tương ứng mức tăng 20,5% và giảm 33 người bị thương, tương ứng mức giảm  gần 5%. Trong số này, tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu trên đường bộ. Trong khi đó, theo Công an TPHCM cho biết, trong quý 1-2018, trên  địa bàn thành phố không xảy ra vụ ùn tắc giao thông nào kéo dài trên 60 phút, nhưng lưu thông vẫn khó khăn trên nhiều tuyến đường trọng điểm vào giờ cao điểm sáng, chiều hoặc trên các tuyến đường ra vào kho bãi, cảng hàng hóa, sân bay… Đối với 34 điểm thuộc diện có nguy cơ ùn tắc giao thông, qua theo dõi đến hết tháng 3, chúng tôi nhận thấy có 14 điểm chuyển biến tốt, 6 điểm có chuyển biến nhưng tình hình giao thông còn phức tạp và 14 điểm không chuyển biến.

- Để kéo giảm ùn tắc giao thông và tai nạn giao thông trên địa bàn TPHCM trong thời gian tới, mục tiêu trọng tâm đề ra có những nội dung gì?

Trong năm An toàn giao thông 2018, chính quyền TPHCM đã đề ra nhiều mục tiêu cụ thể. Đó là phải nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông, cũng như xây dựng cho được văn hóa giao thông trong cộng đồng. Tiếp tục kềm chế và kéo giảm 5% tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương. Giảm 10% tỷ lệ thương vong do tai nạn giao thông đối với trẻ em. Giảm tình trạng ùn tắc giao thông, đặc biệt tại khu vực cảng Cát Lái và sân bay Tân Sơn Nhất. Không để xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút. Chiều dài đường làm mới tăng thêm 33km, diện tích mặt đường tăng thêm 590.000m2; xây mới 12 cầu  và khối lượng vận chuyển hành khách công cộng đạt 635 triệu lượt người.

- Ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong lĩnh vực giao thông vận tải có ý nghĩa quan trọng, vậy thành phố sẽ làm gì để đạt được điều này?

Chúng tôi cho rằng, để chuyển biến ý thức chấp hành pháp luật trong lĩnh vực giao thông vận tải của người dân, cần có sự tham gia đồng loạt của nhiều đơn vị chức năng chứ không riêng gì Ban An toàn giao thông TP. Lực lượng đó sẽ bao gồm ban an toàn giao thông các quận huyện, Thành đoàn TPHCM, Sở Giao thông Vận tải (GTVT), Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và truyền thông…

Tùy theo đặc thù chức năng của từng đơn vị sẽ có các phần việc cụ thể cho từng bộ phận. Chẳng hạn, Ban An toàn giao thông TP và các quận huyện sẽ đảm trách xây dựng kế hoạch chuyên đề tuyên truyền, vận động gắn với giám sát thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông, bám sát chủ đề “Năm An toàn giao thông 2018”; xây dựng chuyên đề an toàn giao thông cho người đi mô tô, xe đạp điện và các chuyên đề phù hợp với tình hình thực tế.

Đưa nội dụng phổ biến, giáo dục pháp luật và chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông vào sinh hoạt thường xuyên của các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội. Đưa việc chấp hành pháp luật về trật tự an toàn giao thông trở thành tiêu chí để đánh giá chất lượng của tổ chức đoàn thể, cán bộ, công chức viên chức…

Trong khi đó, Thành đoàn và Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM sẽ đảm trách triển khai tuyên truyền tập trung vào đối tượng thanh niên, học sinh nhằm tạo sự tác động mạnh mẽ, làm chuyển biến nhận thức của các em trong việc tự giác chấp hành pháp luật về an toàn giao thông.

- Việc khai thác hiệu quả hệ thống hạ tầng hiện hữu sẽ giúp ích thế nào trong vấn đề kéo giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố?

Bên cạnh việc tập trung đầu tư các dự án, công trình giảm ùn tắc giao thông; việc nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu cũng có vai trò rất quan trọng. Trong vấn đề này, Sở GTVT TPHCM sẽ có nhiều việc cần làm như nghiên cứu và điều chỉnh phân luồng giao thông hợp lý trên các tuyến đường, khư vực; hạn chế lưu thông đối với các loại ô tô vận tải hàng hóa vào ban ngày ở khu vực trung tâm thành phố, khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Hạn chế xe taxi, phương tiện vận chuyển hành khách từ 30 chỗ ngồi trở lên, xe tải nặng, xe container hoạt động theo thời gian trên một số tuyến đường. Thường xuyên rà soát, cải tạo kích thước hình học, mở rộng tầm nhìn tại các giao lộ hay các đoạn đường cong. Điều chỉnh hệ thống biển báo, vạch sơn đường, đèn tín hiệu giao thông; lắp đặt dải phân cách, gắn thêm camera giám sát giao thông… Trong thời gian tới, Sở GTVT cũng sẽ bổ sung các tiện ích cho người đi bộ như hàng rào phân cách người đi bộ trên tuyến quốc lộ, đèn tín hiệu, đảo dừng chờ, cầu vượt, hầm chui…

Trên các tuyến đường trọng điểm của thành phố như quốc lộ, tuyến đường chính, đường cửa ngõ ra vào thành phố, trong thời gian tới sẽ được ngành chức năng bổ sung thêm các biển báo hướng dẫn giao thông theo dạng cần vươn, giá long môn, bảng thông tin điện tử hoặc bổ sung đèn tín hiệu giao thông, hệ thống camera quan sát, đo đếm lưu lượng giao thông…

- Các biện pháp nào sẽ được thực hiện để đảm bảo mục tiêu trong năm 2018?

Chúng tôi được biết, Sở GTVT đang nghiên cứu triển khai các biện pháp cải tạo hạ tầng giao thông hiện hữu nhằm nâng cao điều kiện đảm bảo an toàn giao thông cho trẻ em, đặc biệt tại khu vực trường học. Một số biện pháp cụ thể như thường xuyên duy tu hệ thống biển báo, vạch sơn đi bộ, đèn tín hiệu hiện hữu. Mé nhánh cây xanh, dời biển báo đến vị trí phù hợp đảm bảo cho việc dễ dàng quan sát. Rà soát, lắp đặt bổ  sung vạch sơn đi bộ, vạch sơn chỉ dẫn khu vực trường học, khu vực đưa đón học sinh, bổ sung dải phân cách, đảo trú chân, lắp đặt thanh chắn ngăn xe 2 bánh lưu thông trên vỉa hè tại khu vực trường học. Điều chỉnh giảm tốc độ phương tiện khi lưu thông qua khu vực trường học, giảm bán kính rẽ xe tại khu vực giao lộ gần các trường học, bố trí gờ giảm tốc, lắp đặt biển báo hạn chế tốc độ trong các khoảng thời gian nhất định và camera giám sát để xử lý vi phạm…

Tin cùng chuyên mục