(SGGP).- Tại buổi họp báo về công tác tư pháp quý 3-2014 do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 16-10 ở Hà Nội, ông Trần Tiến Dũng, Chánh Văn phòng, người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, hiện còn nhiều ý kiến khác nhau có liên quan đến việc cấp hay không cấp giấy khai sinh cho trẻ em mà thay thế bằng thẻ Căn cước công dân.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Luật Hộ tịch ra đời sẽ đơn giản hóa được bao nhiêu thủ tục hành chính và cơ sở dữ liệu hộ tịch sẽ liên thông với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (do Bộ Công an chủ trì) như thế nào, Cục trưởng Cục Hộ tịch, Quốc tịch và Chứng thực Nguyễn Công Khanh cho biết, Luật Hộ tịch ra đời đã cắt giảm từ 46 thủ tục xuống còn 25 thủ tục hành chính trong lĩnh vực đăng ký hộ tịch.
Theo dự thảo Luật Hộ tịch mới nhất trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và Chính phủ đề nghị giữ lại 2 loại giấy tờ: giấy khai sinh và giấy chứng nhận kết hôn. Tất cả các loại việc cụ thể khác sau khi đăng ký sẽ được lưu giữ thông tin vào hệ thống quản lý điện tử, người dân yêu cầu sẽ được cấp xác nhận. Bộ Tư pháp vẫn xây dựng cơ sở dữ liệu về hộ tịch của ngành trong quá trình thực hiện đăng ký khai sinh, cấp giấy khai sinh cho công dân. Cơ sở dữ liệu này không trùng với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an đang xây dựng.
Liên quan đến công tác rà soát, kiểm tra văn bản pháp luật, thông tin từ Bộ Tư pháp cho hay, trong 9 tháng của năm 2014, Bộ Tư pháp đã kiểm tra 1.746 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó phát hiện 561 văn bản có dấu hiệu vi phạm theo quy định tại Điều 3 Nghị định số 40/2010/NĐ-CP. Cũng trong 9 tháng đầu năm 2014, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và người đứng đầu các bộ, ngành đã ban hành 103/124 văn bản quy định chi tiết thi hành 41 luật, pháp lệnh đã có hiệu lực. Hiện tỷ lệ văn bản Chính phủ còn nợ khoảng 17% - đây là tỷ lệ nợ văn bản thấp nhất so với cùng kỳ nhiều năm trước.
ANH THƯ