Underground - ranh giới mong manh

Thời gian gần đây từ Underground xuất hiện với tần số dày đặc, đi cùng theo đó là nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều khi nhiều ca khúc thuộc phong cách này chứa đựng những ca từ phản cảm, thô tục nhưng lại được giới trẻ hưởng ứng rộng rãi trên các trang mạng âm nhạc.

Thời gian gần đây từ Underground xuất hiện với tần số dày đặc, đi cùng theo đó là nhiều ý kiến tranh cãi trái chiều khi nhiều ca khúc thuộc phong cách này chứa đựng những ca từ phản cảm, thô tục nhưng lại được giới trẻ hưởng ứng rộng rãi trên các trang mạng âm nhạc.

Theo nghĩa tiếng Anh, Underground là “hoạt động trong thế giới ngầm dưới lòng đất”, được hiểu nôm na là dòng nhạc không chính thống, tách biệt với những thể loại âm nhạc đại chúng. Xuất hiện ở Việt Nam cách đây 10 năm với 2 dòng chính là rap và hiphop. Thời kỳ đầu, những bài rap chịu ảnh hưởng của hiphop Mỹ còn khá xa lạ với khán giả Việt. Nhưng thời gian gần đây, khi văn hóa của giới trẻ đang thay đổi theo nhiều chiều hướng khác nhau, cùng với sự phát triển của internet và “ngành công nghiệp thu âm” dòng nhạc này lại được giới trẻ đón nhận một cách mạnh mẽ.

Các nghệ sĩ Underground chủ yếu hoạt động trên các cộng đồng mạng. Vì thế họ rất thoải mái trong các khâu sáng tác, viết nhạc, thu âm, quảng bá… Những sáng tác của họ thường giản dị, chân thực, gắn liền với cuộc sống và dễ đi sâu vào lòng người. Khác với dòng nhạc Overground (chính thống) lấy tình yêu làm chủ đề chính, nhạc Underground thường tập trung đi sâu vào các vấn đề xã hội bên cạnh chủ đề về tình yêu.

Tuy nhiên, thời gian qua nhiều bản rap với lời bài hát gây phản cảm cho người nghe đang xuất hiện ngày càng nhiều, gây nên nhiều tranh cãi. Không ít ca khúc đang lưu hành rộng rãi trong cộng đồng lại chứa đựng những ca từ và nội dung khó có thể chấp nhận. Nhiều ca khúc như Phiếu, Một Điếu, Sài Gòn đẹp lắm, Đêm tàn, Áo mưa, Tao biết, Trả giá… được thể hiện trên một số trang mạng âm nhạc mà lượt truy cập lên đến vài trăm ngàn. Tuy nhiên ca từ trong nhiều ca khúc này không khỏi khiến người nghe có cảm giác đó là những cuộc cãi nhau trên nền nhạc. Nhiều ca khúc còn có nội dung cổ súy cho lối sống phóng túng, bất cần và trụy lạc.

Sở dĩ sự phát triển của Underground lại mang theo nhiều hệ lụy như vậy, nhìn chung đều xuất phát từ cách nhìn nhận sai lệch của giới trẻ về âm nhạc và văn hóa.

Trong giới âm nhạc quốc tế, các tuyển tập nhạc Underground phần lớn là nhạc từ thời 1970 - 1980. Trong khi “cộng đồng Underground” chỉ mới là cụm từ được nhắc đến từ hơn 10 năm trở lại đây. Trong khi Underground trên thế giới đã qua giai đoạn nặng tính thể nghiệm phá phách, cũng không còn thuần túy là những nghệ sĩ không có hợp đồng phát hành đĩa với hãng đĩa hay những dòng nhạc tạm được coi là phi thương mại thì ở Việt Nam, Underground vẫn còn khá non nớt và thường bị hiểu sai lệch đi rất nhiều.

Nhiều người vẫn cho rằng cộng đồng Underground là những bạn trẻ không thích nổi tiếng, họ tìm kiếm sự sáng tạo ra chính thứ âm nhạc mà mình thích, nhằm đến gần với thế giới, mang đậm dấu ấn cá nhân do đó càng độc, càng lạ, càng đập phá thì càng là Underground. Chính vì tách biệt với những thể loại âm nhạc đại chúng khác, vì tự do, phóng khoáng trong thế giới của những người trẻ và internet mà nhiều người trẻ cho rằng chuyện xuất hiện những ca từ tục tĩu trong những ca khúc thể loại này là chuyện bình thường! Cũng chính vì sự tự do và lan truyền nhanh chóng của internet mà nhiều tác giả trẻ đã mượn “danh” Underground như một cái cớ cho sự nổi loạn quá đà nhằm gây sự chú ý.

Trên thực tế bài hát có phản cảm hay không là do người viết chứ không hề liên quan đến Underground. Đối với Underground, ca từ phản ánh phong cách sống của người viết. Còn về chất nhạc, âm thanh có bắt tai hay không thì đó là từ kiến thức của người viết.

Underground cũng như những loại hình nghệ thuật được du nhập từ các nền văn hóa khác, sẽ phải trải qua một giai đoạn thể nghiệm để định hình và trưởng thành trong môi trường mới. Những ca khúc thuộc dòng nhạc Underground có khi chỉ đơn giản là lời tỏ bày của những chàng trai đường phố, rằng họ cũng biết viết nhạc, họ hát cho chính họ nghe, họ khoe cho bạn bè của họ nghe, chuyện ai đó có muốn nghe hay không họ cũng không quan tâm vì họ chẳng nhận từ ai một đồng nào cho việc người ta nghe hay không. Đương nhiên, sự tự do chỉ được phép tồn tại trong một phạm vi hẹp, còn khi ra cộng đồng, tất cả phải tuân theo những luật lệ, quy tắc chung. Điều quan trọng là nằm ở ý thức và quản lý. Ý thức của cả người viết nhạc và người cảm thụ âm nhạc. Ở phương Tây, khi một bài hát (nhất là dòng nhạc Underground) đã được phát trên truyền thông tức là họ đã tự lọc (mute) những đoạn có từ ngữ không phù hợp, họ phải làm thế khi bài hát đó quá hot.

Ranh giới giữa nghệ thuật và dung tục vốn rất mong manh. Trên con đường sáng tạo và định hình những sản phẩm âm nhạc mang dấu ấn của riêng mình, người nghệ sĩ phải luôn giữ những tác phẩm nghệ thuật của mình nằm trong lằn ranh chuẩn mực của văn hóa và lối sống.

NGỌC UYỂN

Tin cùng chuyên mục