Ứng dụng công nghệ để xét xử

Dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, do thực hiện giãn cách xã hội nên nhiều tòa án không thể đưa các vụ án ra xét xử theo thời gian luật định. 

Vừa qua, Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương đã họp và cho ý kiến một số vấn đề về “đề án đổi mới và hoàn thiện cơ chế nhân dân tham gia xét xử tại tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp” và “xin ý kiến về chủ trương ban hành quy chế tổ chức phiên tòa xét xử trực tuyến tại tòa án”. Trong đó, nội dung tiến tới áp dụng công nghệ thông tin để tổ chức các phiên tòa theo hình thức trực tuyến được đại biểu và dư luận quan tâm. 

Ở Việt Nam hiện nay, xét xử theo hình thức trực tuyến là phương thức mới, pháp luật hiện hành chưa có quy định. Việc xét xử liên quan đến nhiều quy định của pháp luật tố tụng hiện hành, tác động đến quyền và nghĩa vụ hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Do đó, trong bối cảnh dịch bệnh, các bên tòa án, viện kiểm sát, cảnh sát hỗ trợ tư pháp cần có những nội dung thống nhất về hình thức, cách thức thực hiện như thế nào cho thuận lợi. Như trong phiên họp của Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã lưu ý, trước hết nên áp dụng xét xử trực tuyến trong các vụ án dân sự, tranh chấp thương mại, hành chính cùng một số vụ án hình sự cần thiết và vừa làm vừa rút kinh nghiệm. 

Việc ứng dụng công nghệ vào quá trình xét xử đã được một số tòa án thí điểm trong thời gian qua, như Tòa án nhân dân TP Hà Nội, Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội (áp dụng truyền trực tuyến ra phòng họp). Theo một số luật sư, phiên xét xử trực truyến được hiểu, ở đó, người tiến hành xét xử ngồi ở phòng xét xử tại trụ sở tòa án. Hội đồng xét xử (điểm cầu trung tâm) và người tham gia tố tụng ngồi ở phòng xét xử tại trụ sở tòa án ở địa phương (điểm cầu địa phương) thông qua các thiết bị điện tử được thiết lập, liên kết nhau bằng Internet và hoạt động bằng một chương trình phần mềm mà không cần các chủ thể phải có mặt tập trung tại một phòng xử như thông thường. 

Xét xử trực tuyến cũng mang lại nhiều lợi ích khác, như đông đảo người dân quan tâm tới vụ án có thể theo dõi phiên tòa mà không bị giới hạn số lượng người xem bởi không gian của phòng xử thông thường, từ đó nâng cao khả năng tiếp cận công lý, giảm các thủ tục và chi phí không cần thiết cho người dân, đặc biệt là những đương sự ở các khu vực xa trung tâm hay khu vực nông thôn. Do vậy, thay vì tiêu tốn thời gian, tài chính, sức khỏe phục vụ cho việc di chuyển thì áp dụng xét xử bằng hình thức trực tuyến sẽ giải quyết được nhiều vụ án hơn. 

Việc áp dụng xét xử trực tuyến hiện nay là rất cần thiết, bởi góp phần tích cực vào việc phòng chống dịch bệnh, tránh tụ tập đông người. Việc thực hiện xét xử trực tuyến vẫn phải bảo đảm nguyên tắc trực tiếp, công khai, liên tục và bảo đảm nguyên tắc tố tụng. Tuy nhiên, dù áp dụng hình thức xét xử nào, nguyên tắc tối thượng vẫn là đảm bảo chất lượng hoạt động tư pháp, quyền và lợi ích của Nhà nước, tổ chức và cá nhân liên quan.

Tin cùng chuyên mục