Hiện nay trên thế giới, việc đưa tế bào gốc vào điều trị lâm sàng đang được thúc đẩy rất mạnh mẽ, ứng dụng cho nhiều bệnh khác nhau. Các nhà khoa học, nhà lâm sàng có thể dùng tế bào gốc từ các nguồn như tế bào gốc máu dây rốn, từ tủy xương hoặc tế bào gốc trung mô từ dây rốn, từ mô mỡ, tùy theo bệnh.
- Ứng dụng điều trị nhiều bệnh lý
Nhìn chung các ngân hàng máu dây rốn sử dụng tế bào gốc máu dây rốn để dùng trong điều trị ung thư máu, Thalassemia, bại não, tự kỷ, đột quỵ, chấn thương cột sống, các thương tổn do bệnh tiểu đường. Trong khi điều trị Thalassemia và ung thư máu, bại não đã trở thành thường quy, thì các điều trị liên quan đến các bệnh như đột quỵ, chấn thương cột sống, nhồi máu cơ tim vẫn đang ở mức độ thử nghiệm lâm sàng trước khi được chính thức cấp giấy phép đưa vào sử dụng.
Vừa qua, tại Hàn Quốc đã đưa ra quy trình sử dụng tế bào gốc từ tủy xương để điều trị nhồi máu cơ tim, đã có giấy phép đưa vào sử dụng và hoàn tất 4 phase của thử nghiệm lâm sàng, cho thấy khả năng hồi phục sau 6 tháng của bệnh nhân là khả quan. Đưa tế bào gốc vào cơ thể bằng tiêm vào động mạch vành, số lượng tế bào từ 5x107 đến 9x107 tùy theo trọng lượng cơ thể. Ngoài ra, việc điều trị đột quỵ (tiêm tế bào gốc vào tĩnh mạch) và chấn thương cột sống (phẫu thuật bộc lộ khu vực chấn thương và tiêm thẳng tế bào gốc vào) hiện đang trong giai đoạn thử nghiệm phase 2/3, dự kiến có thể được cấp giấy phép trong vòng 2 năm tới.
Ngoài ra, tế bào gốc mô mỡ còn được sử dụng để điều trị bệnh tự miễn như bệnh Crohn’s gây rò đại tràng. Các phương pháp điều trị truyền thống thường là phẫu thuật và rất dễ tái phát sau 4 - 6 tháng. Quy trình điều trị này cũng đang được thử nghiệm đến phase 2 và dự định đến cuối năm 2012 có thể chấm dứt thử nghiệm lâm sàng và đưa ra sản phẩm kinh doanh. Thời gian tái phát có thể lên đến 2 - 3 năm. Tỷ lệ lành vết thủng hoàn toàn là 82%, và lành trên 50% thì tỷ lệ là 97%.
- Hoạt động ghép tế bào gốc tại Việt Nam
Hiện nay, tại TPHCM có 2 ngân hàng máu cuống rốn của Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM và Công ty Mekophar. Từ năm 1995, Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM đã triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc tạo máu. Ghép tế bào gốc tạo máu là phương pháp thay thế tủy bệnh bằng tủy lành (bằng tế bào gốc tạo máu lành tính). Trước khi ghép tế bào mới, tủy của người bệnh sẽ được hủy nhằm tạo không gian cho tủy ghép mới và tránh tế bào cũ còn sót lại tranh chấp, phản ứng với tế bào mới. Tính đến nay đã có 114 bệnh nhân được ghép tế bào gốc tạo máu cho các bệnh nhân mắc các bệnh như bạch cầu cấp dòng tủy, bạch cầu cấp lympho, bạch cầu mạn dòng tủy, đa u tủy, suy tủy… Trong số 114 ca, có 61 ca tự ghép tế bào gốc tạo máu thì có tới 37 trường hợp qua dự trữ đông lạnh và trong 53 ca dị ghép tế bào gốc tạo máu có 4 ca ghép tủy xương và 10 ca ghép cuống rốn.
Theo đánh giá của Bệnh viện Truyền máu huyết học TPHCM, ghép tế bào gốc tạo máu được xem như một phương pháp điều trị chuẩn cho bệnh lý huyết học lành tính và ác tính. Trên cơ sở đó, bệnh viện sẽ chuyển hướng sang tự ghép, ghép máu cuống rốn. Máu cuống rốn là nguồn tế bào gốc tạo máu thay thế cho điều trị dị ghép ở trẻ em. Phát triển hướng ghép tế bào gốc Haploidentical. Thành lập ngân hàng tủy xương hiến tặng và hợp tác với các ngân hàng tế bào gốc quốc tế.
TIẾN ĐẠT