Ngày 29-11, Đại hội đồng (ĐHĐ) LHQ gồm 193 thành viên sẽ bỏ phiếu nâng cấp quy chế cho Palestine lên thành nước quan sát viên ở LHQ. Ngày 29-11 cũng không phải được chọn ngẫu nhiên. 65 năm trước, ngày 29-11-1947, ĐHĐ LHQ thông qua Nghị quyết 181/II chấm dứt sự bảo hộ của Anh đối với Palestine, chia Palestine thành 2 quốc gia cho người Do Thái và cho người Palestine, nhưng duy trì liên minh kinh tế giữa hai nước.
Mỹ - Israel đe dọa
Sau bài phát biểu của Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas, 193 thành viên ĐHĐ LHQ sẽ bỏ phiếu cho Palestine làm quan sát viên, tương tự như quy chế dành cho Vatican.
Trước nỗ lực gia nhập LHQ của Palestine, Mỹ một lần nữa cảnh báo rằng Palestine sẽ phải trả giá bằng khoản tiền viện trợ của Washington nếu dự thảo được thông qua. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton khẳng định, con đường duy nhất hướng tới nhà nước Palestine là thông qua đàm phán. Theo AFP, Mỹ cho biết khoản viện trợ cho Palestine và một số khoản đóng góp của nước này cho LHQ có thể sẽ bị dừng. Quốc hội Mỹ đang phong tỏa khoản tiền 200 triệu USD viện trợ phát triển cho Palestine. Kể từ năm 1994, Mỹ đã viện trợ hơn 3,5 tỷ USD cho chính quyền Palestine.
Israel cũng đe dọa sẽ áp đặt các biện pháp kinh tế hà khắc chống Palestine. Nước này tuyên bố có thể sẽ thôi thực thi Nghị định thư Paris - cơ sở điều chỉnh sự chuyển đổi trong nền kinh tế Palestine ở các lĩnh vực như lao động, cung cấp năng lượng, quan hệ thương mại, hoạt động tài chính… Nghị định thư này vẫn ảnh hưởng các hoạt động kinh tế của Palestine ngày nay.
Nhiều nước châu Âu ủng hộ Palestine
Những ủng hộ chắc chắn đầu tiên cho Palestine đến từ Nga và Venezuela. Cùng với tuyên bố ngày 27-11 của Thủ tướng Jean-Marc Ayrault, Pháp đã trở thành cường quốc phương Tây đầu tiên ủng hộ việc nâng cấp quy chế của Palestine tại LHQ. Thụy Sĩ và Đan Mạch hôm 28-11 cũng đã gia nhập danh sách các nước châu Âu ủng hộ Palestine. Tuy nhiên, Đức cho biết sẽ không bỏ phiếu cho Palestine.
Trong khi đó, Anh đã dọa sẽ bỏ phiếu trắng trừ khi Palestine đồng ý đàm phán vô điều kiện với Israel về giải pháp hai nhà nước lâu dài, cũng như cam kết không kiện Israel về những tội ác chiến tranh ra Tòa án Hình sự quốc tế. Thủ tướng Canada Stephen Harper cũng nói rằng: “Nước ông dự định bỏ phiếu phản đối đề nghị của Palestine và ủng hộ giải pháp hai nhà nước với việc Palestine quay trở lại bàn đàm phán nhằm đạt được một thỏa thuận hòa bình toàn diện với Israel”.
Theo giới quan sát, cho dù không có được lá phiếu nhiều nước phương Tây, song dự kiến Palestine vẫn sẽ giành được sự ủng hộ của phần lớn trong số 193 nước thành viên ĐHĐ LHQ. Bên cạnh thế giới Arập, Nga, Pháp, nhiều nước châu Âu đã quay sang ủng hộ Palestine gồm Tây Ban Nha, Na Uy, Đan Mạch, Hy Lạp và Thụy Sĩ. Theo các nhà phân tích, với đa số ủng hộ từ các nước đang phát triển như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Nam Phi…, Palestine có vẻ chắc chắn sẽ được ĐHĐ LHQ chấp thuận cho nâng cấp từ địa vị “thực thể quan sát viên” lên “nhà nước quan sát viên”, công nhận nhà nước Palestine với đường biên giới năm 1967.
| |
Hạnh Chi (tổng hợp)