Ước nguyện một tượng đài

“Hết nhà ta lại phá tường”
Ước nguyện một tượng đài

Buổi sáng 13-1-1973, suốt 4 giờ liền, hàng loạt máy bay Mỹ đã thay nhau ném bom xuống thôn Quyết Thắng xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, khiến 156 TNXP, cán bộ công nhân ngành GTVT và người dân địa phương hy sinh khi chỉ còn hơn hai mươi ngày nữa là hiệp định Paris được ký kết. Đã 40 năm trôi qua, bên châu thổ sông Gianh, câu chuyện bi thương này vẫn được người làng nhắc nhớ khôn nguôi.

Bà con thôn Quyết Thắng còn nghèo, gom góp tiền bạc chỉ đủ xây bia mộ để hương khói cho 159 liệt sĩ TNXP và công nhân giao thông hy sinh trong trận bom Mỹ ngày 13-1-1973.

Bà con thôn Quyết Thắng còn nghèo, gom góp tiền bạc chỉ đủ xây bia mộ để hương khói cho 159 liệt sĩ TNXP và công nhân giao thông hy sinh trong trận bom Mỹ ngày 13-1-1973.

“Hết nhà ta lại phá tường”

Đó là câu hát thời đánh Mỹ của người dân vùng sông Gianh. Câu hát có hai nhịp: “Hết nhà ta lại phá tường/Không để xe tắc và đường ta hư”. Phó chủ tịch hội cựu chiến binh xã, ông Nguyễn Tiến Quân nói: “Thời đó không ai là không biết những câu hát như thế, còn có câu này nữa “Xe chưa qua nhà không tiếc/Đường chưa thông, không tiếc máu xương”. Rứa mới biết khí thế dân làng vùng ni thời đó sôi nổi, kiên cường lắm”. Nói đến đó, ông Quân trầm giọng lại: “Nhưng cũng bi thương lắm, chỉ sau 4 giờ đồng hồ giặc Mỹ ném hom mà cả thôn “không để xe tắc và đường ta hư” mất đến 156 người, họ là những TNXP chưa có gia đình, những công nhân của ngành giao thông vận tải chưa có chốn yêu thương”.

Lần giở lại lịch sử Đảng bộ xã, ông Quân nói thêm: Có lẽ do vị trí “đầu sóng ngọn gió” nên làng Quyết Thắng ni hứng chịu bom đạn triền miên. Đầu tháng 9-1967, giặc Mỹ ném bom dồn dập làm chết 100 người, nhưng cả làng vẫn kiên gan đối đầu với giặc, che chở cho các đơn vị: C283 TNXP của Hải Hưng, đơn vị TNXP Cù Chính Lan của Nghệ An, tiểu đoàn pháo cao xạ 214, trạm ra đa của tiểu đoàn Sông Gianh, đại đội 48, đại đội 54… trú đóng, làm nhiệm vụ ở đây. Chỉ trong những ngày đầu tháng 4-1972 đã có đến hơn 100 vụ oanh tạc với gần 300 loạt bom các loại, bom chồng bom, đạn chồng đạn, nhưng các đơn vị bộ đội, TNXP và bà con dân làng vẫn bám trụ kiên cường”.

Những kỷ vật của TNXP bà con thôn Quyết Thắng còn lưu giữ. Ảnh: D.M.P.

Những kỷ vật của TNXP bà con thôn Quyết Thắng còn lưu giữ. Ảnh: D.M.P.

Tráng ca bên châu thổ sông Gianh

Ngày 13-1-1973, các đơn vị TNXP Cù Chính Lan (Nghệ An), C283 (Hải Hưng), cán bộ công nhân Đoàn 309 cảng Gianh cùng một số dân quân làm nhiệm vụ bốc vác, vận chuyển hàng hóa từ các tàu thuyền vào kho thì hàng đàn máy bay F4H, F105, AD6 ầm ầm lao đến, thay nhau cắt bom xối xả xuống cảng Gianh, cảng Hải quân, bến phà, đồn biên phòng, cắt đứt giao thông qua thôn Quyết Thắng. Hàng loạt bom tạ, bom tấn đánh trúng nơi trú tránh của các đơn vị TNXP, dân và các đơn vị thay nhau cáng thương, dịch chuyển kho tàng. Trưa, đang chuẩn bị bữa cơm vội trên trận địa, lại một loạt bom nữa trút xuống, cả bờ Nam sông Gianh mù mịt trong đất đá, bom đạn. Những con người vừa mới sáng đang hát “hết nhà ta lại phá tường” đã hy sinh không toàn thây. Thống kê trận bom đó đã làm 156 người hy sinh, trong đó có 110 người TNXP của các đơn vị Cù Chính Lan (Nghệ An) và C283 (Hải Hưng). Trong 32 người dân ở thôn Quyết Thắng bị giết hại có 12 trẻ em. Riêng C283 TNXP đã có 35 chiến sĩ hy sinh trong đó có 12 nữ.

Sau trận bom thảm sát ấy, làng Quyết Thắng chìm vào đau thương tang tóc. Bà Lê Thị Xuân, năm nay 64 tuổi, kể: “Lúc đó, nhà tui có nhiều TNXP ở, thấy mấy o mấy chú chết, tui không cầm được nước mắt. Thanh niên đàn ông, người già của làng chạy khắp nơi tìm hòm, tìm đủ thứ vật dụng để mai táng những người hy sinh. Tui thì vào đội đi đào huyệt lo chôn cất các o các chú”. Cựu chiến binh Nguyễn Tiến Quân nói: “Thời đó, trong làng làm gì có sẵn hòm (quan tài), dân phải dùng bất cứ vật dụng gì có thể như ni lông, chiếu, cả nồi loại lớn hoặc thùng pháo sáng để chôn cất các liệt sĩ”.

Khi đất nước hòa bình, năm 1981 xã Thanh Trạch cải táng 110 liệt sĩ trong số 156 người hy sinh trong vụ bom Mỹ thảm sát năm 1973 vào nghĩa trang xã mới phát hiện chỉ còn một người có được tên tuổi trên bia mộ. Nhiều người già nhất làng Quyết Thắng đi chỉ từng nơi chôn tập thể để cất bốc hài cốt lên đưa vào nghĩa trang. Phó bí thư Đảng ủy xã Thanh Trạch Nguyễn Trí Tuệ cho biết: “Ngày cải táng, cả làng, cả xã cùng buồn đau, bởi các o các chú TNXP sống rất hòa đồng với bà con. Họ dạy chữ, dạy nghĩa cho trẻ con dân địa phương, ai cũng quý mến họ, thế nên kỷ vật gì liên quan đến các o các chú, người làng cũng cố cất giữ; những chiếc nồi, những ăng gô, rồi những chiếc mâm ăn cơm bà con cũng cất lại như giữ tình cảm thiêng liêng trong nhà”.

Tìm được liệt sĩ nhờ thơ

Tìm về Thanh Trạch, chúng tôi may mắn gặp được nhà thơ Cảnh Giang, hội viên hội VHNT tỉnh Quảng Bình. Ông được chấp bút viết lịch sử Đảng bộ xã, trong đó có phần về trận bom làm 156 người hy sinh. Ông băn khoăn, vì sao không có người nào có được tên tuổi. Nhưng nhờ dò hỏi những người cao niên, ông được cụ Nguyễn Chương chỉ tên nói trong số hơn 100 người liệt sĩ hy sinh tại trân bom Mỹ năm 1973 hiện nằm tại nghĩa trang Nam Gianh, chỉ có mộ liệt sĩ Đặng Thị Chóc là còn tên. Nhà thơ Cảnh Giang kể: “Nghe tin đó, tôi chạy ra nghĩa trang và tìm thấy mộ chị Chóc, rồi cảm tác nên bài thơ “Kết nghĩa với người dưới mộ”. Từ bài thơ đó, tôi đưa in trên báo Quảng Bình và mong muốn tìm ra quê hương liệt sĩ Chóc. Bia mộ ghi chị quê Hải Hưng, nhưng sau đó tách thành Hải Dương, Hưng Yên. Tôi tìm đọc sách về Huyền thoại TNXP, tra cứu và biết chị Chóc ở Hải Dương. Sau đó tôi gửi bài thơ về tỉnh Hải Dương, họ chuyền tay đọc, chuyền về quê chị, và người thân vào đưa chị về sau gần bốn mươi năm xa cách.

Bài thơ viết rằng: “Em bây giờ là em gái của anh/Dẫu muộn màng nhưng phần đời còn lại/Một chút sẻ chia những gì mãi mãi/Chút ân tình đỡ lạnh chốn âm cung/Mới biết em cô gái nhỏ Hải Hưng/Tạm biệt quê hương em lên đường cứu nước/Em nằm lại với quê anh hơn ba mươi năm trước/Cùng hàng trăm ngôi mộ vô danh/Ôi! Bạo tàn ngọn lửa chiến tranh/Thiêu cháy tuổi xuân một thời con gái/Em hẹn mẹ: Con không ngày trở lại/Ngày giỗ của con là ngày con ra đi/Em hóa thân vào đất nước khắc ghi/Em hóa thân cho mùa xuân mãi mãi/Cho trai gái quê anh ngọt ngào hoa trái/Rì rào sông Gianh ru em ngủ ngon lành/Em không còn người thân, em sẽ có anh/Có Tổ quốc và trời xanh trên nấm mộ/Anh thay mẹ lo cho em ngày giỗ/Có hương hoa, tư trang đủ em dùng/Và từ nay giữa nghĩa trang chung/Có tình yêu cho muôn ngàn ngôi mộ/Em ấm lòng hơn: Anh trai mình đến đó/Một chút tình cùng sông núi ghi ơn!”.

Ngày 30 tháng 10 năm 2011, UBND tỉnh Quảng Bình ra quyết định công nhận xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh với sự hy sinh của 156 người của trận bom Mỹ ngày 13-1-1973. Riêng người làng Quyết Thắng, do điều kiện kinh tế eo hẹp, họ tự nguyện gom góp lại được chút đỉnh, xây một tấm bia nhỏ để người làng cùng hương khói. Ước nguyện của dân làng là “khi nào có nhiều tiền, sẽ xây dựng ở đây tượng đài, để ghi nhớ cả trăm liệt sĩ TNXP quả cảm ngã xuống khi tuổi đời mới đôi mươi”.

Minh Phong


Bàn giao 2 nhà tình nghĩa tại Bình Phước

Ngày 9-1, Ban tổ chức Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn Báo SGGP phối hợp với  Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước tổ chức khánh thành và bàn giao 2 căn nhà tình nghĩa cho cựu chiến binh Ngô Thị Oanh, ngụ tại ấp Tân Bình 1, xã Lộc Thành, huyện Lộc Ninh, Bình Phước và ông Đoàn Văn Mùi, hộ nghèo, ngụ tại tổ 2, ấp 1 ở xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Bà Oanh là cựu chiến binh có hoàn cảnh rất khó khăn, bản thân bị bệnh tim phải điều trị lâu dài. Ông Điệu là hộ nghèo, vợ chồng ông không có đất canh tác, không có việc làm ổn định. Hai căn nhà (mỗi căn 45 triệu đồng) do chùa Thiên Hưng (tỉnh Bình Định) và bà Chu Thị Bình (phường 6, quận 3, TPHCM) tài trợ thông qua Chương trình Nghĩa tình Trường Sơn; lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước góp công  xây dựng.

T.C.

Tin cùng chuyên mục