Ước vọng thung Khe Sinh

Thôn 2 (xã Trà Giang, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) nằm lọt thỏm ở thung Khe Sinh giữa bốn bề rừng núi. Đằng sau những rừng cây nguyên sinh ngút ngàn, xanh tươi, những con bò thủng thỉnh gặm cỏ là cả một nỗi khắc khoải, ước mong…
Ước vọng thung Khe Sinh

Thôn 2 (xã Trà Giang, huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi) nằm lọt thỏm ở thung Khe Sinh giữa bốn bề rừng núi. Đằng sau những rừng cây nguyên sinh ngút ngàn, xanh tươi, những con bò thủng thỉnh gặm cỏ là cả một nỗi khắc khoải, ước mong…

Chốn “4 không”

Khi chúng tôi có ý định vào thôn 2 để tìm hiểu cuộc sống của người dân nơi đây, anh Hồ Văn Trường, Phó Bí thư Đảng ủy xã Trà Giang, chợt nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy hoài nghi rồi “dọa”: “Các anh nói thật hay đùa, muốn vào đó không đơn giản đâu, phải đi bộ 7km đường rừng. Nhưng tôi nói thật, vừa đi vừa vạch lá tìm đường. Suy nghĩ kỹ rồi hãy quyết định”. Bất chấp “con đường đau khổ” như mô tả của anh Trường, chúng tôi gửi xe máy lại ở UBND xã rồi bộ hành vào thôn 2. Thấy chúng tôi quả quyết, anh Trường cũng sắp xếp công việc và gọi thêm một đồng chí công an xã dẫn đường.

Thú thật, tìm đường vào và ra khỏi thôn 2 đều khó như nhau. Trên đoạn đường 7km, chúng tôi vấp ngã nhiều lần, con đường nhỏ chỉ đủ một người đi, lởm chởm đá tai mèo. Cuốc bộ từ trung tâm xã, thử thách đầu tiên của chúng tôi là vượt qua cây cầu treo, một cây cầu “thân thiện với môi trường” đúng nghĩa, được làm bằng những thân cây chặt trong rừng, nó đơn giản đến mức không một bộ phận nào của cây cầu có liên quan đến vật liệu kim loại, từ dây cột đến các trụ chống đỡ. Qua cầu phải lần lượt từng người và vừa đi vừa… thầm lo.

Đường vào thôn 2, nói đúng hơn đó là một lối mòn, nhiều dốc dựng đứng, có đoạn cheo leo bên vực sâu. Cơn mưa rừng bất chợt ùa về làm đường trơn trợt hơn. Vắt nhiều như rễ tre, chúng thi nhau nhảy vọt, bấu vào chân người hút máu. Anh Hồ Văn Truyền, Phó Công an xã Trà Giang, cũng ngao ngán: “Tôi đi thường xuyên, quen đường nhưng nhiều lúc cũng ngã lên ngã xuống, chứ huống chi mấy anh mới đi lần đầu. Rất may hôm nay mưa nhỏ, chứ nếu không còn khổ hơn nữa”.

Sau hơn 4 giờ vượt rừng, thoáng xa, thôn 2 mờ ảo hiện ra trong lớp sương núi; những căn nhà đơn sơ, nằm rúm ró bên tán rừng. Lâu nay sống cách biệt với thế giới bên ngoài nên khi thấy người lạ, những đứa trẻ cứ dáo dác nép sau lưng mẹ, nhìn chằm chằm mọi người. Trưởng thôn Hồ Văn Đến thấy khách đến tay bắt mặt mừng, hồ hởi đón tiếp như thể người thân lâu ngày gặp lại. Đồng bào người Cor vùng cao vốn thế, khoáng đạt như mây núi, cỏ cây giữa đại ngàn: “Ôi! Các anh chị đã không quản đường sá xa xôi vào đây thăm bà con dân bản, chúng tôi vui lắm, mừng lắm”, vừa dứt lời ông Đến quay sang bảo con dâu đi lấy gạo rẫy (một loại đặc sản của đồng bào người Cor, chỉ để ăn chứ không bán) nấu cơm đãi khách.

Cây cầu treo được dựng từ cây rừng, rất thô sơ

Khệ nệ bưng khay nước ra mời khách, ông Đến nhẩm tính, cả bản chỉ vỏn vẹn 14 nóc nhà với 56 nhân khẩu, bà con ở đây thiếu thốn đủ thứ: nước không, điện không, đường không và nhiều cái không khác mà nếu kể ra cũng… không bao giờ hết. Cả bản chỉ có con ông Đến là anh Hồ Văn Việt học hết lớp 12, hiện đang làm việc dưới xã, còn lại chỉ học đến lớp 4 - 5 đã nghỉ học vì trường ở xa và đường đi đầy trở ngại.

Những người dân ở đây trồng lúa, mì, bắp, nếp và những cây lâu năm như quế, keo tràm. Thế nhưng, vì không có đường lớn nên khó vận chuyển đi tiêu thụ, muốn bán thứ gì thì thường bị ép giá hoặc phải gùi hàng về xuôi mới bán được. Không có đường nên không kéo được điện, nước sạch, thông tin thời sự và vấn đề y tế cũng bằng không.

56 nhân khẩu… 1 ước mơ

Đêm ở thung lũng Khe Sinh, giữa bốn bề rừng núi, tiếng ếch nhái, côn trùng rỉ rả tạo nên bản hòa nhạc giữa đại ngàn. Đêm nào cũng vậy, ăn cơm xong là bà con dân bản tập trung ở nhà trưởng thôn để “tám” vì cả thôn chỉ duy nhất gia đình ông Đến có ánh đèn nhờ tua-bin phát điện ở dưới suối. Còn lại, đèn dầu là vật không thể thiếu của người dân nơi đây.

Ông Hồ Văn Dũng (60 tuổi) nói như than: “Dân mình ở đây cực lắm và mong muốn duy nhất bây giờ là có được con lộ để đạp xe đi lại, chứ đi bộ hoài mệt quá!”. Niềm mong mỏi có một con đường của ông Dũng cũng là ước mong của tất cả những người dân ở đây.

Anh Hồ Văn Trường tâm tư: “Chỉ cần có một con đường là đời sống của người dân thôn 2 sẽ phát triển. Nhưng kinh phí để mở đường đối với một xã nghèo như Trà Giang, quả là vấn đề quá lớn. Chúng tôi kêu gọi người dân về xuôi sinh sống nhưng họ còn ngại bởi về đó lo không thích nghi được, không có đất sản xuất”.

Khi mặt trời vượt lên khỏi khu rừng già, cũng là lúc chúng tôi rời thôn 2. Tiễn khách qua bên kia con suối, trưởng thôn Hồ Văn Đến vẫy tay nói to bằng tiếng Cor: “Kô-ta-vở-hlê-hấu! Kô-ta-vở-hlê-hấu” (Hẹn gặp lại nhé!) lọt thỏm trong bốn bề tán lá rừng còn ngậm sương…

NGUYỄN ĐẮC THÀNH

Tin cùng chuyên mục