Ưu tiên đầu tư nguồn lực KH-CN và đổi mới sáng tạo

Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KH-CN&ĐMST) được Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng khẳng định là một nội dung đột phá chiến lược trong giai đoạn mới; là động lực chính để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững nhằm đạt mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Bộ KH-CN đang lấy ý kiến, xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển KH-CN&ĐMST giai đoạn 2021-2030. Đây là một bước cụ thể hóa các nội dung về KH-CN&ĐMST được nhấn mạnh trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030. Thứ trưởng Bộ KH-CN Bùi Thế Duy cho biết, chiến lược này sẽ kế thừa có chọn lọc Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011-2020 và bổ sung những nội dung mới phù hợp tình hình hiện nay. Cụ thể, chiến lược bổ sung nội hàm về ĐMST, là cầu nối đưa KH-CN vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, trong đó doanh nghiệp giữ vai trò trung tâm. Trong xu thế của toàn thế giới ngày nay, KH-CN gắn liền với sản xuất kinh doanh, với quá trình thương mại hóa kết quả tạo thành một chuỗi KH-CN&ĐMST. Trong đó, KH-CN tạo ra tri thức, còn ĐMST nhằm biến tri thức thành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ứng dụng vào cuộc sống. 

Theo ý kiến nhiều nhà khoa học và quản lý, vai trò, tầm quan trọng của KH-CN&ĐMST hiện nay là không còn bàn cãi, nhất là trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và quá trình chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên tại Việt Nam, những hạn chế trong hoạt động, phát triển KH-CN thời gian qua đã được thấy rõ, nhất là về nguồn lực (bao gồm cả nhân lực và kinh phí) cũng như thể chế. Vì vậy, cần ưu tiên nguồn lực để thực hiện, đồng thời thúc đẩy xã hội hóa các nguồn đầu tư cho KH-CN&ĐMST, đặc biệt từ doanh nghiệp. Trước mắt, cần đổi mới cơ chế, chính sách pháp luật về đầu tư, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH-CN&ĐMST; xây dựng và phát triển các hệ sinh thái ĐMST trong các ngành công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ gắn liền với các chuỗi giá trị nội địa và toàn cầu; phát triển các viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức KH-CN khác trở thành chủ thể nghiên cứu mạnh; tập trung các giải pháp phát triển thị trường KH-CN, các giải pháp thúc đẩy đầu ra cho các sản phẩm của doanh nghiệp; chủ động đẩy mạnh hợp tác, hội nhập quốc tế về KH-CN&ĐMST...

Tất cả những vấn đề đó cần phải sớm được xem xét, giải quyết. Trên hết là phải khắc phục các hạn chế, phát huy những thế mạnh, quyết tâm đổi mới, xác định rõ thách thức trong hoạt KH-CN&ĐMST giai đoạn tới. Có như vậy, 10 năm tới, KH-CN&ĐMST mới trở thành một trụ cột quan trọng phát triển kinh tế - xã hội đất nước như kỳ vọng. 

Tin cùng chuyên mục