Ưu tiên sản xuất xanh - sạch

Chưa có thời điểm nào, những chủ đề liên quan đến nguồn thực phẩm sạch như mua ở đâu, sản xuất thế nào… được đa số người tiêu dùng quan tâm như hiện nay. 
Với các doanh nghiệp (DN) cũng đang thực hiện việc tái cơ cấu hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng tập trung ưu tiên cho sản xuất xanh và sạch. 
Ưu tiên sản xuất xanh - sạch ảnh 1 Sản xuất tại Công ty Ba Huân. Ảnh: CAO THĂNG
Trong 3 năm gần đây, hàng loạt DN tham gia các chương trình bình ổn thị trường của TPHCM đã công bố ra mắt các sản phẩm hữu cơ (organic), VietGAP, sản phẩm được truy xuất nguồn gốc hoặc các chương trình hợp tác đầu tư để phát triển các loại thực phẩm sạch. Cách làm này đã và đang được chính quyền và người dân ủng hộ mạnh mẽ.
Điển hình như Công ty Vissan trong tháng 4-2016 đã hoàn thành việc cung ứng 100% thịt heo đạt chuẩn VietGAP ra thị trường. Những tháng đầu năm 2017, Vissan tiếp tục đầu tư, tiến tới thực hiện việc truy xuất nguồn gốc tại tất cả các điểm bán thịt heo của Vissan trên toàn địa bàn TP. Mặt khác, Vissan cũng đang triển khai chuỗi thực phẩm 3F nhằm hoàn thiện mô hình quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn, giám sát toàn diện từ trang trại đến bàn ăn. Tích cực khai thác sự quan tâm của người tiêu dùng về an toàn vệ sinh thực phẩm, đẩy mạnh phát triển sản lượng thực phẩm tươi sống, tăng thị phần chiếm lĩnh. Nghiên cứu, phát triển bán thực phẩm tươi sống tại các tỉnh, thành phố lớn vào thời điểm phù hợp.
Cùng hướng về sản phẩm xanh - sạch, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cũng chuyển hướng đầu tư và kinh doanh. Song song với 100% số lượng rau - củ - quả đạt chuẩn VietGAP đang phân phối tại các siêu thị, tháng 5-2017, Saigon Co.op đã tổ chức ký kết phát triển chuỗi sản phẩm hữu cơ với các đối tác trong và ngoài nước, đồng thời ra mắt thương hiệu Co.op Organic.
Theo Saigon Co.op, trong giai đoạn đầu tiên phát triển dự án, sẽ có 4 nhóm thực phẩm hữu cơ (còn gọi organic) mang thương hiệu Co.op Organic đạt tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu, được đưa ra thị trường, gồm 2 loại gạo Jasmine, Japonica; dưa leo, bí đao, cà chua, cải ngọt, cải xanh, rau muống, phi lê cá basa và tôm sú… Theo đó, 4 nhóm thực phẩm này đang được bán tại 7 siêu thị của Saigon Co.op, gồm: Co.opmart Lý Thường Kiệt, Cống Quỳnh, Đinh Tiên Hoàng, Nguyễn Kiệm, Nguyễn Đình Chiểu, Phú Mỹ Hưng và Co.opXtra Tân Phong (bên trong Khu phức hợp SC VivoCity TPHCM). Sản phẩm mang thương hiệu Co.op Organic không sử dụng phân bón hóa học, không thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích tăng trưởng, không chất bảo quản và không thành phần biến đổi gen.
Tập đoàn Vingroup cũng đầu tư 2.000 tỷ đồng đẩy mạnh sản xuất rau sạch tại các cánh đồng mẫu lớn ở nông trường Tam Đảo (Vĩnh Phúc), Củ Chi (TPHCM) và Long Thành (Đồng Nai). Toàn bộ sản phẩm rau sạch mang thương hiệu VinEco được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và GlobalGAP. Ngoài ra, Vingroup còn sử dụng công nghệ Israel, được thiết kế theo dây chuyền tự động khép kín, cho phép sản xuất rau siêu sạch, có giá trị dinh dưỡng cao, trong khi giá bán các sản phẩm rau sạch VinEco chỉ cao hơn từ 5% -10% so với giá rau thông thường.
Cùng với các DN cung cấp hàng bình ổn, trên thị trường TP cũng xuất hiện nhiều cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm organic như 5th Element, Organica, cửa hàng ĐalatGAP… trong đó chủ yếu là hàng hóa có nguồn gốc từ TP Đà Lạt. Trên thực tế, các nhãn hàng này đã được các tổ chức uy tín trên thế giới như USDA, EU, IFOAM... cấp giấy chứng nhận. Số còn lại chủ yếu là tự sản xuất và công bố chất lượng.
Tuy nhiên, ở phương diện các DN khi bắt tay vào sản xuất sản phẩm organic cũng gặp không ít khó khăn. Đơn cử như Saigon Co.op sau nhiều năm chuẩn bị và không ngừng nghiên cứu, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, đến nay sản lượng và chủng loại hàng hóa hữu cơ vẫn còn nghèo nàn và hạn chế. 
Theo ông Diệp Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Saigon Co.op, tuy thị trường thực phẩm hữu cơ được xác định là đầy tiềm năng nhưng gặp phải vấn đề khó khăn trong việc xây dựng lòng tin và khả năng thu hút của người tiêu dùng vì các lý do sau: thứ nhất, hầu hết đơn vị kinh doanh các sản phẩm hữu cơ đều không có sản phẩm đạt được chứng nhận chất lượng từ các tổ chức quốc tế uy tín hoặc có nhưng sản lượng rất hạn chế. Thứ hai, người tiêu dùng chưa có nhận thức và hiểu biết rõ ràng để phân biệt thực phẩm hữu cơ và thực phẩm sạch. Thứ ba, giá bán thực phẩm hữu cơ cao hơn so với sản phẩm thường vì các chi phí từ khâu sản xuất đến phân phối. Mặt khác, vì không thể phân biệt được sản phẩm hữu cơ nên người tiêu dùng cũng ngại phải chi tiêu cho thực phẩm khi không chắc chắn là hữu cơ. Dù gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu nhưng Saigon Co.op cũng đang tiếp tục tìm kiếm, mở rộng cơ hội đầu tư vào các trang trại hữu cơ khác, nhân rộng điểm bán và phát triển thêm danh mục sản phẩm hữu cơ. Trong quá trình sản xuất, đơn vị này cũng đặc biệt quan tâm đến việc đảm bảo môi trường, không làm tổn hại đến nguồn đất, nguồn nước, sinh vật xung quanh nhằm hướng tới đơn vị dẫn đầu trong chuỗi sản xuất - chế biến - phân phối - tiêu dùng sản phẩm organic tại Việt Nam và xuất khẩu. 
Manh nha cho một nền sản xuất nông nghiệp sạch, kinh doanh thực phẩm sạch đã và đang được hình thành, nhưng để DN phát triển bền vững, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của các sở ngành, sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông trong việc định hướng tiêu dùng sản phẩm sạch, từng bước đẩy lùi thực phẩm kém chất lượng, nguồn gốc không rõ ràng.

Tin cùng chuyên mục