Tại buổi họp báo công bố kết quả đánh giá an toàn của vaccine Quinvaxem “5 trong 1” do Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) phối hợp tổ chức ngày 20-6 tại Hà Nội, trước những câu hỏi của báo giới, nhiều chuyên gia y tế trong nước và quốc tế đã đưa ra nhiều ý kiến về mức độ an toàn của loại vaccine này.
- Sau thời gian tạm dừng, đến nay, kết quả đánh giá về mức an toàn của vaccine Quinvaxem ra sao?
>> TS Trần Đắc Phu, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng: Sau khi xảy ra một số trường hợp tai biến với 5 ca tử vong khi tiêm vaccine Quinvaxem, để bảo đảm an toàn cho tính mạng của trẻ, Bộ Y tế đã quyết định tạm dừng sử dụng loại vaccine Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng để phối hợp với WHO và các tổ chức quốc tế đánh giá tính an toàn của vaccine này. Sau thời gian tạm dừng, các kết quả đánh giá cho thấy vaccine Quinvaxem an toàn nên ngày 17-6-2013, WHO có công thư gửi Bộ Y tế và Bộ Ngoại giao khẳng định vaccine Quinvaxem đạt yêu cầu về chất lượng, an toàn, hiệu quả và khuyến cáo rằng vaccine này phù hợp để sử dụng trong các chương trình tiêm chủng quốc gia…
Để sử dụng lại loại vaccine này, Bộ Y tế sẽ còn phải báo cáo xin phép và đề xuất với Chính phủ để được sử dụng lại vaccine Quinvaxem này. Trong thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan truyền thông để thực hiện tuyên truyền rộng rãi cho người dân để tiếp tục đưa con em mình đi tiêm chủng phòng bệnh.
- Vậy tại sao vẫn có những trường hợp bị tai biến sau tiêm loại vaccine này?
>> GS-TS NGUYỄN TRẦN HIỂN, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chủ nhiệm Chương trình tiêm chủng: Không có vaccine nào an toàn tuyệt đối 100%. Đối với Quinvaxem vấn đề được quan tâm nhất là phản ứng của kháng nguyên ho gà gây ra cho cơ thể trẻ sau tiêm với các biểu hiện là sưng tấy, sốt, trẻ quấy khóc... Với 9 trường hợp bị phản ứng có liên quan tới vaccine Quinvaxem thì tất cả đều có biểu hiện sốt, sưng tấy, co giật, khóc thét. Đây đều là các phản ứng được WHO lường trước và đã có khuyến cáo trước đó và đều là phản ứng nhẹ. Ngoài ra, cũng cần phải nói thêm rằng, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 22.000 trẻ dưới 1 tuổi tử vong mà không rõ nguyên nhân. Trong khi đó, trong 3 năm qua có 27 trường tử vong sau tiêm vaccine Quinvaxem nhưng không hề liên quan quy trình tiêm chủng hay chất lượng vaccine… Do đó, WHO vẫn khuyến cáo vaccine Quinvaxem là an toàn, hiệu quả cho trẻ em.
- Vì sao Hàn Quốc là nước sản xuất vaccine Quinvaxem trên nhưng lại không sử dụng?
>> TS Takeshi Kasai, Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam: Trên thế giới có 2 loại vaccine được sử dụng song song với nhau là vaccine toàn tế bào và vaccine vô bào. Cả 2 loại vaccine này đều cho hiệu quả phòng bệnh tốt và an toàn cho người sử dụng. Nhưng dù là vaccine vô bào hay toàn tế bào đều vẫn có phản ứng phụ sau tiêm, chứ không loại nào an toàn tuyệt đối. Kể cả loại vaccine đang sử dụng ở Hàn Quốc là rất đắt, thậm chí gấp 10 lần so với vaccine Quinvaxem ở Việt Nam. Qua tìm hiểu của chúng tôi, các phản ứng nhẹ đối với vaccine được sử dụng ở Hàn Quốc có ít hơn so với Việt Nam. Nhưng với các trường hợp phản ứng nặng thì vaccine ở Hàn Quốc và Việt Nam là tương đương nhau. Hàn Quốc có lịch tiêm chủng khác với các quốc gia khác nên họ tiêm vaccine không giống với nhiều nước.
- Việc sử dụng lại vaccine Quinvaxem tới đây có liên quan gì tới việc Liên minh tiêm chủng toàn cầu (GAVI) tiếp tục viện trợ vaccine cho Việt Nam tới năm 2015?
>> GS-TS NGUYỄN TRẦN HIỂN: Quyết định sử dụng lại vaccine Quinvaxem trong Chương trình tiêm chủng không phải phụ thuộc vào việc GAVI hứa tiếp tục hỗ trợ vaccine cho Việt Nam trong 2 năm tới. Quyết định sử dụng lại loại vaccine hoàn toàn độc lập, khách quan và được đưa ra dựa trên sự an toàn cho sức khỏe và tính mạng cho trẻ em Việt Nam.
| |
KHÁNH NGUYỄN