Nguồn vaccine dại từ não chuột sơ sinh không còn được sử dụng do xảy ra phản ứng phụ, trong khi nguồn vaccine dại theo công nghệ tế bào ở nước ta hiện vẫn phải nhập chủ yếu từ Pháp. Từ thực tế đó, Th.S Nguyễn Kim Dung cùng các cộng sự tại Viện Pasteur TPHCM đã nghiên cứu và cho ra đời loại vaccine dại có chất lượng tương đương với vaccine ngoại nhập. Công trình này được nghiên cứu gần 10 năm.
Chất lượng tương đương ngoại nhập
Theo Th.S Nguyễn Kim Dung, ý tưởng ban đầu (từ những năm 2000) của nhóm nghiên cứu là tạo ra loại vaccine dại dành cho người, nhưng thời điểm đó kỹ thuật và các trang thiết bị phục vụ cho nghiên cứu chưa có nhiều, nên nhóm đã chuyển hướng sang nghiên cứu vaccine dành cho động vật. Đây là cách phòng dại từ xa cho người nên được Sở KH-CN TPHCM đồng ý cấp kinh phí nghiên cứu vào năm 2005.
Đặc biệt, đến năm 2007, khi loại vaccine từ não chuột sơ sinh bị cấm sử dụng bởi xuất hiện nhiều tác dụng phụ, Việt Nam thiếu hụt vaccine dại do phải chờ nhập từ nước ngoài. Đề tài nghiên cứu của Th.S Nguyễn Kim Dung càng được chờ đợi.
Thế nhưng, thành công trong nghiên cứu khoa học không phải lúc nào cũng đến sớm như kỳ vọng. Th.S Nguyễn Kim Dung nhớ lại: “Thời điểm đó, cơ sở vật chất của viện rất nghèo. Đơn cử như chiếc máy xoay chai mà chúng tôi sử dụng vào nghiên cứu có từ thời các thầy, cô du học tại Pháp mang về cách đây mấy chục năm. Nên khi sử dụng thường trục trặc, máy dừng, tế bào nuôi trong chai chết, chúng tôi phải nuôi cấy lại từ đầu”. Thêm vào đó, do kỹ thuật hoàn toàn thủ công nên năng suất sinh khối của virus trên tế bào không nhiều, việc sản xuất lô vaccine đầu cũng gặp khó khăn.
Tuy vậy, vượt lên tất cả, đến năm 2009, sau khi sản xuất thành công trong phòng thí nghiệm, Th.S Nguyễn Kim Dung cùng nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên 45 cá thể chó (trong vòng 1 năm) tại Chi cục Thú y TPHCM. Kết quả vượt ngoài mong đợi, chỉ số bảo hộ kháng thể trên những chú chó này đạt 70%, sau đó tăng lên 76%, ngang bằng với chất lượng mà các vaccine được nhập từ Pháp về Việt Nam.
Cũng theo nhóm nghiên cứu, trước đó, nhóm GS Đỗ Quang Hà (Viện Pasteur TPHCM) đã từng nghiên cứu về vaccine theo kỹ thuật tế bào nhưng mức bảo hộ chỉ đạt từ 6-9 tháng, hay vaccine từ thận của chuột đất vàng của các nhà khoa học tại Hà Nội nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có kết quả. Như vậy, có thể xem đây là vaccine dại đầu tiên của Việt Nam theo công nghệ tiên tiến nhất của thế giới.
Tiếp tục hoàn thiện
Thành công bước đầu của nhóm nghiên cứu đánh dấu bước phát triển của kỹ thuật tạo vaccine dại tại Việt Nam, nhưng đấy mới chỉ là thử nghiệm trên 45 cá thể chó. Để đi đến sản xuất đại trà, với số lượng lớn đòi hỏi nhóm nghiên cứu phải tiếp tục hoàn thiện kỹ thuật và quy trình nghiên cứu cũng như hạ giá thành của sản phẩm. Hiện mỗi liều vaccine có giá từ 5.500 đồng/liều cho một lô sản xuất (10 liều), so với giá của vaccine nhập từ Pháp (khoảng 6.700 đồng/liều) vẫn còn cao.
Theo Th.S Nguyễn Kim Dung, nếu kết hợp được với công ty sản xuất vaccine để sản xuất đại trà giá thành tất yếu sẽ giảm thêm, nhưng trước mắt nhóm nghiên cứu sẽ xây dựng quy trình sản xuất với quy mô lớn.
BS Huỳnh Hữu Thọ, Trưởng trạm Phòng chống dịch - Kiểm dịch động vật TPHCM - người có thời gian đầu gắn bó với đề tài nghiên cứu này, cho biết thêm, các loại vaccine hiện đang được sử dụng phổ biến trên cả nước dù sao cũng đã khẳng định được chất lượng và thương hiệu.
Với một “anh lính mới” như vaccine này, một khi ra thị trường nếu không có giá cạnh tranh sẽ gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, sản xuất quy mô lớn phải cân nhắc kỹ, đồng thời cần sự hỗ trợ của nhà nước. Tuy thế, đây vẫn là thành tựu của nền khoa học Việt Nam, đáng được ghi nhận.
| |
Tường Hân