Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa công nhận hệ thống quản lý quốc gia về vaccine (NRA) của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế, ngang bằng các quốc gia có nền công nghiệp sản xuất vaccine phát triển nhất như Canada, Mỹ, Pháp, Bỉ…
Với kết quả này, vaccine sản xuất tại Việt Nam có thể mở rộng xuất khẩu sang các nước khác trên thế giới. Phóng viên Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với GS-TS Nguyễn Thanh Long (ảnh), Thứ trưởng Bộ Y tế, xung quanh thành công này.
* Phóng viên: Thưa giáo sư, đến nay chúng ta đã tự sản xuất được nhiều loại vaccine, đáp ứng nhu cầu 11/13 loại vaccine cho Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Giáo sư có thể cho biết cụ thể hơn về thành tựu này?
* GS Nguyễn Thanh Long: Việc nghiên cứu và sản xuất vaccine để dự phòng và kiểm soát các bệnh tật đã đóng góp một vai trò quan trọng vào sự giảm tỷ lệ bệnh tật của từng quốc gia nói riêng và quốc tế nói chung. Nếu như trước đây chúng ta phải phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn vaccine nhập ngoại thì hiện nay Việt Nam đã có 4 nhà máy sản xuất được 13 loại vaccine. Trong đó có 11 loại được sử dụng trong Chương trình Tiêm chủng quốc gia. Ngoài ra Bộ Y tế đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu nhiều loại vaccine mới theo công nghệ hiện đại nhất để đưa vào sản xuất, sử dụng trong tương lai. Mục tiêu đến năm 2020 sản xuất trong nước sẽ đáp ứng được 100% nhu cầu vaccine của người dân.
* Vừa qua, WHO có cuộc làm việc với Bộ Y tế về đánh giá NRA đối với sản xuất vaccine của Việt Nam. Kết quả đánh giá ra sao, thưa ông?
* Trong buổi họp tổng kết đánh giá NRA của Việt Nam, ông Lahouari Belghabi, Trưởng đoàn đánh giá của WHO, thông báo Việt Nam đã vượt qua được đánh giá công nhận các chức năng NRA với kết quả xuất sắc. Bây giờ chúng ta còn một số thủ tục phải hoàn tất để ngày 21-6 tới, Trưởng đại diện của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương sang trao cho Bộ Y tế. Chúng ta bắt đầu đăng ký các tiêu chuẩn của NRA từ năm 2001, tuy nhiên phải đến tháng 10-2013 mới kiện toàn tổ chức, kế hoạch tổng thể để phê duyệt. Hơn 80 cán bộ của 4 đơn vị thực hiện chức năng NRA (Cục Quản lý dược, Cục Y tế dự phòng, Cục Khoa học đào tạo và công nghệ, Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế), và các tổ chức quốc tế đã tham gia làm việc liên tục, tích cực trong 18 tháng qua để có kết quả đánh giá NRA như hôm nay.
Tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ theo Chương trình Tiêm chủng quốc gia.
* Với việc đạt được NRA của Việt Nam, ông có thể cho biết ý nghĩa và triển vọng xuất khẩu vaccine của nước ta?
* Một thách thức lớn đối với việc cung ứng vaccine cho toàn thế giới là việc tiếp cận với các vaccine có chất lượng khi cần thiết. Để đảm bảo các sản phẩm vaccine có chất lượng và an toàn, WHO đã xây dựng theo bộ công cụ tiêu chuẩn đánh giá được áp dụng thống nhất cho tất cả các quốc gia trên thế giới, thông qua việc đánh giá năng lực của cơ quan quản lý quốc gia về vaccine nhằm hướng dẫn các quốc gia khắc phục các tồn tại của hệ thống quản lý để hướng tới mục tiêu cao nhất là vaccine sản xuất ra đảm bảo an toàn, chất lượng theo tiêu chuẩn thống nhất của quốc tế. Do vậy điều kiện tiên quyết đầu tiên đối với việc đảm bảo chất lượng vaccine là phải được WHO công nhận đạt chức năng NRA. Như vậy, Việt Nam đã đạt NRA tiêu chuẩn chung của quốc tế do WHO quy định, vaccine sản xuất tại Việt Nam được tuân thủ theo các chuẩn mực quốc tế chung của toàn cầu. Cánh cửa cho việc xuất khẩu vaccine “made in Việt Nam” ra quốc tế đã được mở.
* Nếu xuất khẩu vaccine, vaccine nào có triển vọng và khả năng cung ứng của Việt Nam ra sao, thưa GS?
* Trong thời gian vừa qua, Công ty VABIOTECH của Việt Nam đã xuất khẩu được hơn 3 triệu liều vaccine viêm não Nhật Bản B vào bang Hydrabad (Ấn Độ), và bắt đầu được xuất khẩu vào thị trường Đông Timor. Hơn 32.000 liều vaccine viêm gan A cũng đã được xuất khẩu sang Hàn Quốc và 115.000 liều vaccine Tả uống đã được xuất khẩu đến Sri Lanka, Philippines, Ấn Độ. Thực tế, những kết quả trên chưa phản ánh hết tiềm năng và cơ hội xuất khẩu của các nhà sản xuất vaccine trong nước. Qua đợt đánh giá NRA vừa qua, WHO cũng cho biết trước mắt có 4 loại vaccine của Việt Nam: vaccine viêm não Nhật Bản B, sởi, viêm gan A, viêm gan B có thể tham gia tiền thẩm định của WHO để các tổ chức quốc tế có thể mua số lượng lớn cung cấp cho toàn cầu. Các nhà máy sản xuất vaccine của Việt Nam hiện nay được xây dựng đủ cung cấp cho nhu cầu trong nước và đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu ra quốc tế.
* Sản xuất vaccine là ngành công nghệ giá trị thặng dư cao, vậy Việt Nam làm gì để đáp ứng nhu cầu của thế giới?
* Một báo cáo của tác giả Alison Bryant năm 2012 cho biết, hơn 10 năm trước (2002) thị trường vaccine toàn cầu đạt 5,7 tỷ USD/ năm, đến năm 2012 đã tăng lên 27 tỷ USD, dự kiến tốc độ tăng trung bình đến năm 2015 là 10,3%. Trong bản báo cáo của đoàn đánh giá của WHO nhận định Việt Nam có tiềm năng sản xuất vaccine rất lớn, sẽ là 1 trong 25 quốc gia sản xuất vaccine chiếm 90% doanh số của toàn cầu. Trong tháng 12 này WHO cũng sẽ mời các cán bộ của Việt Nam tham gia đoàn đánh giá NRA của WHO đối với Liên bang Nga. Theo mục tiêu chương trình sản phẩm quốc gia vaccine phòng bệnh cho người, Bộ Y tế đặt định hướng từ nay đến năm 2020 Việt Nam có ít nhất 7 loại vaccine đáp ứng yêu cầu của Chương trình Tiêm chủng quốc gia, thay thế vaccine nhập khẩu và tiến tới xuất khẩu.
|
TƯỜNG LÂM