Vạch rõ âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc

ASEAN đồng thuận cao
Vạch rõ âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc

Bế mạc hội nghị cấp cao ASEAN 24, lãnh đạo các quốc gia Đông Nam Á đã ra tuyên bố báo động về tranh chấp trên biển Đông, thể hiện lập trường cứng rắn và sự đồng thuận của khối ASEAN. Dư luận quốc tế, đặc biệt là các chuyên gia quân sự cũng liên tiếp đưa ra những lập luận thuyết phục chỉ rõ tham vọng nguy hiểm, sai trái của Trung Quốc khi đặt giàn khoan trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Rất nhiều người dân Trung Quốc cũng kêu gọi lãnh đạo nước mình ngừng gây hấn với các quốc gia trong khu vực.

Hình ảnh tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu bảo vệ bờ biển của Việt Nam được nhiều hãng truyền thông quốc tế khai thác.

Hình ảnh tàu Trung Quốc dùng vòi rồng tấn công tàu bảo vệ bờ biển của Việt Nam được nhiều hãng truyền thông quốc tế khai thác.

ASEAN đồng thuận cao

Tuyên bố của các nhà lãnh đạo các quốc gia ASEAN nhấn mạnh: “Chúng tôi bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến đang xảy ra trên biển Đông”. ASEAN kêu gọi tất cả các bên liên quan “kiềm chế, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, tuân theo những quy định đã được công nhận rộng rãi trong luật pháp quốc tế”.

Trước đó, trả lời phỏng vấn báo chí, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long khẳng định rằng ASEAN cần phải có quan điểm về tình hình hiện nay ở biển Đông vì an ninh và ổn định của khu vực phụ thuộc vào những gì xảy ra tại vùng biển này. Thủ tướng Lý Hiển Long cũng bác bỏ quan điểm của phía Trung Quốc cho rằng các vụ xung đột trên biển Đông là vấn đề của riêng Trung Quốc và các nước liên quan. Giới quan sát đánh giá lần này, ASEAN đã thể hiện sự đồng thuận và gắn kết chặt chẽ.

Theo Japan Times, tại cuộc họp báo ngày 12-5, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga nói: “Chúng tôi hy vọng các nước liên quan sẽ không thực hiện những hành động đơn phương làm leo thang căng thẳng và hành động kiềm chế phù hợp với luật pháp quốc tế liên quan”. Ông Yoshihide Suga cũng đã chỉ trích hành động đơn phương của Trung Quốc những ngày qua.

Trả lời TTXVN, Tướng Daniel Schaeffer, nguyên tùy viên quân sự Pháp tại Việt Nam và Trung Quốc, nguyên cố vấn của Bộ Quốc phòng Pháp và là một nhà nghiên cứu về biển Đông có uy tín đã nhắc đến âm mưu độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.

Theo Tướng Daniel Schaeffer, Trung Quốc đã vượt quá các quyền của mình, đồng thời vi phạm quyền chủ quyền của Việt Nam. Hành động này là một bước đi mới của Trung Quốc nhằm độc chiếm biển Đông bằng đường 9 đoạn mà nước này đã đưa ra trước đó. Trước hành động vi phạm quyền chủ quyền một nước như vậy, nếu cộng đồng quốc tế không làm gì để phản đối âm mưu này, Trung Quốc sẽ được hưởng lợi bởi những va chạm nhỏ ban đầu sẽ dần dần lấn lướt dựa trên sự đã rồi.

Theo Tướng Daniel Schaeffer, Trung Quốc nói rằng họ sẽ thăm dò tại vùng biển này trong thời gian từ ngày 4-5 đến 15-8, nhưng nói vậy không có nghĩa rằng sau ngày 15-8 họ sẽ rút. Mục tiêu tổng thể của Trung Quốc là hợp thức hóa đường 9 đoạn nhằm vạch ra những không gian biển mà họ tuyên bố là có chủ quyền.

Đi ngược lại tuyên bố hợp tác, hữu nghị

Theo ông Anton Svetov, chuyên viên Hội đồng đối ngoại Nga, Bắc Kinh muốn thăm dò phản ứng và kiểm tra ngưỡng chịu đựng của các nước trong khu vực, kể cả Mỹ, mặc dù giữa Việt Nam và Mỹ không có thỏa thuận hợp tác quân sự. Trong đó có cả mục đích kiểm tra cấu trúc an ninh khu vực được xây dựng trên hệ thống quan hệ của Mỹ với các đồng minh và các thiết chế đa phương khác trong ASEAN.

Ông Dmitry Mosyakov, chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu phương Đông, đánh giá hành động của Trung Quốc hết sức nguy hiểm. Các kế hoạch của Trung Quốc còn nguy hại ở chỗ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tổng thể mối quan hệ với Việt Nam nói chung và xã hội Việt Nam nói riêng.

Còn theo ông Vladimir Kolotov, Trưởng bộ môn lịch sử các nước phương Đông, thuộc Đại học Tổng hợp quốc gia Saint Petersburg, sự bành trướng của Trung Quốc ở Hoàng Sa và Trường Sa làm tổn hại lòng tin và khiến các quốc gia liên quan phải lao vào cuộc chạy đua vũ trang mới. Hành động của Trung Quốc không chỉ gây căng thẳng mà còn phá vỡ các nỗ lực và kế hoạch đã tuyên bố về việc xây dựng mối quan hệ hợp tác, hữu nghị.

Tiến sĩ Gerhard Will, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Viện Khoa học và Chính trị Đức (SWP) nêu rõ, hành động lần này của Trung Quốc là sự thụt lùi nghiêm trọng cho những nỗ lực nhằm giảm thiểu xung đột trên biển Đông. Nó chống lại Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) đã được các nước thuộc ASEAN và Trung Quốc ký kết cũng như vi phạm các quy định trong Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Ông cho rằng hành động của Trung Quốc không nhằm thăm dò hay khai thác dầu mà chủ yếu để thực hiện yêu sách tuyên bố chủ quyền đối với vùng biển này.

Người dân Trung Quốc phản đối

Những ngày qua, trên các trang mạng xã hội ở Trung Quốc, rất nhiều người dân nước này không ngừng chia sẻ ý kiến về việc Trung Quốc đặt giàn khoan trái phép tại vùng biển Việt Nam. Phần lớn ý kiến đều cho rằng, lãnh đạo Trung Quốc đã có những bước đi sai lầm. Theo họ, điều quan trọng nhất lúc này là chính quyền Bắc Kinh cần sớm chấm dứt những động thái gây hấn để ưu tiên giải quyết, dàn xếp bất ổn an ninh trong nước cũng như các vấn đề dân sinh cấp bách.

Các trang mạng như Sohu, Sina cũng lần lượt đăng tải các bình luận của người dân Trung Quốc đã thể hiện lòng yêu chuộng hòa bình và phê phán thái độ của nhà nước Trung Quốc. Thành viên Shangzi chia sẻ: “Có lẽ chính quyền Trung Quốc nghĩ rằng chỉ có lợi ích quốc gia vĩnh viễn chứ không có bạn bè vĩnh viễn. Gạt bỏ sự tôn trọng đối với lợi ích quốc gia khác là điều không nên”.

Còn thành viên Zhiyuzhishan cho rằng: “Chúng ta cần tuân thủ luật pháp quốc tế”. Có thành viên thừa nhận xấu hổ với cách hành xử của Trung Quốc đối với các nước láng giềng, phản đối cách mà Trung Quốc đã sử dụng vòi rồng như truyền thông quốc tế đã đưa những ngày qua.

NHƯ QUỲNH (tổng hợp)

- Lực lượng Kiểm ngư và Cảnh sát biển Việt Nam: Quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc

- Đội ngũ trí thức Việt Nam phản đối hành động sai trái của Trung Quốc

- Tiến tới Đại hội Đại biểu MTTQ Việt Nam TPHCM lần thứ X (2014 - 2019): Đoàn kết vì tuyến đầu Tổ quốc

- Sở Ngoại vụ TPHCM mời Tổng Lãnh sự Trung Quốc để phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép tại biển Đông

- Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hòa bình, ổn định ở Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng

- Tuần hành ôn hòa phản đối Trung Quốc xâm phạm thềm lục địa Việt Nam

Tin cùng chuyên mục