Vài suy nghĩ về ý nghĩa di sản dân tộc (Nhân đọc loạt bài “Nỗi buồn di tích”)

Vài suy nghĩ về ý nghĩa di sản dân tộc (Nhân đọc loạt bài “Nỗi buồn di tích”)

Có một thực tế cần được nhìn nhận là những di sản văn hóa của dân tộc ta còn lưu truyền rất ít, không tương xứng với chiều dài lịch sử ngàn năm văn hiến. Có nhiều lý do dẫn đến mất mát: vì đặc thù của khí hậu nhiệt đới, chiến tranh liên miên, sự cướp bóc của bọn xâm lược và nhận thức chưa thấy tầm quan trọng của di sản văn hóa ở các lớp con cháu kế thừa.

Minh họa: K.T

Minh họa: K.T

Không cần bàn cãi cũng dễ dàng nhận ra những di sản văn hóa đã nuôi dưỡng đời sống tinh thần của mỗi dân tộc như thế nào. Vì vậy, việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc là việc hết sức cần thiết và phải được thực hiện liên tục từ đời này sang đời khác. Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Chủ tịch đã ký sắc lệnh bảo vệ di sản văn hóa (ban hành ngày 23-11-1945). Trong điều 4 của sắc lệnh ghi rõ: “Cấm phá hủy những bia ký, đồ vật, chiếu sắc, văn bằng, giấy má có tính chất tôn giáo nhưng có ích cho lịch sử”.

Dù vậy, việc bảo vệ di sản văn hóa dân tộc vẫn chưa đạt được yêu cầu, do nhiều người có trách nhiệm chưa thấy hết tầm quan trọng của sắc lệnh này. Nhiều nơi đã phá hủy những di sản quý hiếm trong các đình, chùa, miếu để lấy mặt bằng sử dụng những chuyện khác (chủ yếu để kinh doanh, thậm chí nhiều hộ dân sống gần đó lấn chiếm), nhiều cổ vật quan trọng bị lén lút bán cho người nước ngoài. Ấy là chưa nói đến biết bao công trình kiến trúc cổ bị thời gian bào mòn. Di sản văn hóa dân tộc còn lại vốn ít ỏi càng ít ỏi hơn.

Xét về mặt giáo dục, từ những bộ quốc sử đồ sộ như  Đại Việt sử ký toàn thư đến những bộ địa dư lớn như  Đại Nam nhất thống chí, những bộ sưu tập thơ văn thời Lý -  Trần… giúp cho thế hệ trẻ hiểu rõ thêm tinh hoa của tổ tiên, ông bà. Những đền chùa, đình, miếu… thể hiện tài trí, tinh hoa của người Việt ta thời xưa về nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc. Từ đó bồi dưỡng thêm lòng tự hào và tự tin vào bước phát triển mới của dân tộc. Mặt khác cũng để thấy rõ rằng càng mở rộng cửa để giao lưu kinh tế và văn hóa với thế giới thì càng cần giữ vững bản sắc của dân tộc. Quá khứ chính là ngọn lửa để soi đường để con người bước vào tương lai.

Trên con đường hiện đại hóa đất nước, một dân tộc thông minh phải là một dân tộc biết quý trọng và kế thừa một cách trân trọng những di sản văn hóa của tiền bối, biết phát huy những đặc trưng tinh hoa của văn hóa dân tộc mình. Hãy nhìn sang các nước lân cận như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… chúng ta dễ dàng thấy họ trân trọng những giá trị di sản của tổ tiên như thế nào. Dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh và nhân ái. Vì vậy, con người Việt Nam phải biết quý trọng nền văn minh của dân tộc mình, biết quý trọng những di sản văn hóa dân tộc.

LÊ QUANG HUY
(Giáo viên Trường THCS Trừ Văn Thố, huyện Cai Lậy, Tiền Giang)

>> Bài 1: Xót xa lăng Bà Chúa, thành Hoàng Đế

>> Bài 2: Đi tìm Phật viện

Tin cùng chuyên mục