Báo Pháp Le Monde cho rằng sự thất vọng của Paris là có thật. Lãnh tụ tinh thần Iran Ali Khamenei thì chỉ trích người châu Âu “tự cho mình là những nhà trung gian, nói những điều rỗng tuếch và không giữ đúng cam kết”.
Liên quan tới vai trò của châu Âu trong việc giảm căng thẳng Mỹ-Iran, bài phân tích đăng trên trang web của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CISS) cho rằng các nước châu Âu, cụ thể hơn là nhóm E3 (Pháp, Đức và Anh) có vị thế đặc biệt để thiết kế một tiến trình ngoại giao để các bên từ tốn giải quyết vấn đề. Giống như Iran, họ cam kết bảo vệ Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Nhưng quan trọng hơn là giống như Mỹ, mục tiêu chiến lược của họ là Iran không bao giờ phát triển vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, sự chia rẽ giữa các chính sách của Mỹ và châu Âu đang gây tổn hại và kém hiệu quả. Mỹ không có khả năng sẽ đảo ngược chính sách gây sức ép tối đa của mình đối với Iran, và EU cũng không có khả năng từ bỏ sự hỗ trợ lâu dài dành cho JCPOA. Nhưng thực ra hai bên vẫn còn cơ hội để hành động chung nếu họ chú trọng vào các lợi ích chung giữa hai bờ Đại Tây Dương, cả trong ngắn hạn (tránh leo thang không kiểm soát) và trong dài hạn hơn (bảo đảm rằng Iran không bao giờ có được vũ khí hạt nhân). Tác giả bài viết cho rằng để thực hiện, Mỹ và châu Âu cần có cách tiếp cận thực tế từng bước nhằm xoa dịu căng thẳng và tạo ra không gian để các bên tiến hành các cuộc đàm phán tiếp theo.
Theo đó, cần tiến hành từng bước. Thứ nhất, JCPOA phải được duy trì vì lợi ích của tất cả các bên, bởi nó ngăn chặn cuộc khủng hoảng leo thang nhanh chóng thành cuộc khủng hoảng hạt nhân - điều mà châu Âu, Mỹ và Iran đều muốn tránh. Điều này không đòi hỏi Washington phải đảo ngược lập trường về thỏa thuận hạt nhân, mà thay vào đó, để JCPOA đóng vai trò là công cụ bình ổn. Thứ hai, cần tiến hành một số hoạt động viện trợ tài chính để tránh cho cuộc khủng hoảng leo thang hơn nữa, vì Washington không sẵn sàng chuyển hướng khỏi chính sách gây sức ép tối đa của họ, nên việc để cho các nước châu Âu giảm bớt sức ép sẽ có lợi cho Washington. Xa hơn nữa, Mỹ có thể cân nhắc thiết lập lại một số sự miễn trừ đối với xuất khẩu dầu mỏ của Iran (vốn đã bị tạm dừng vào đầu năm 2019). Thứ ba, châu Âu và Mỹ cần kiên quyết phản ứng chung trước những hành động gây bất ổn của Iran, cụ thể là chương trình tên lửa của nước này. Vụ việc các máy bay không người lái và tên lửa hành trình đã tấn công các cơ sở hạ tầng của Saudi Arabia gần đây cũng là yếu tố gây bất ổn. Cuối cùng, các đồng minh sẽ cần tiếp tục một cách nghiêm túc các công tác kỹ thuật để xác định một cách tiếp cận chung, hay chí ít là các cách tiếp cận gắn kết, để giải quyết ba vấn đề cốt lõi được nhắc tới ở phần trên.
Thay vì nuôi dưỡng những kỳ vọng bất khả thi, các đối tác ở hai bờ Đại Tây Dương cần bắt tay vào nghiên cứu những giải pháp mà trong đó lập trường của mỗi bên tham gia đều được cân nhắc một cách thực tế ngăn không cho cuộc khủng hoảng Mỹ- Iran leo thang thành một cuộc xung đột.