Vai trò của người thắt nút

Quan hệ căng thẳng giữa Nga và Mỹ  về hệ thống phòng thủ tên lửa mà Mỹ dự định triển khai tại Đông Âu, giữa Nga và các nước châu Âu về Hiệp ước CFE, và mới đây là Nga và Anh về việc dẫn độ công dân Nga dẫn đến hai bên trục xuất các nhà ngoại giao lẫn nhau có lẽ sẽ diễn tiến ngày càng phức tạp. Khơi mào cho tình hình nóng bỏng này chính là tuyên bố của Mỹ về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa.

Nga có lý do để lo ngại về hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ sẽ đặt tại Ba Lan và trạm radar tại Czech. Mỹ cho rằng hệ thống này nhằm ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công bằng tên lửa từ CHDCND Triều Tiên và Iran. Thế nhưng xét về mặt địa lý thì hệ thống này gần biên giới Nga hơn hai quốc gia kia. Nga cho rằng trạm radar và hệ thống tên lửa đó quá lý tưởng để theo dõi hệ thống phòng thủ an ninh quốc gia của Nga. Đối với Nga trong trường hợp này thì “lý” của Mỹ có vẻ “gian” rồi. Đối với Mỹ thì “tình” của mình là ngay. Nhưng dư luận cho rằng “tình ngay” hay không chỉ có Chính phủ Mỹ mới biết rõ hơn ai hết.

Theo người xưa chỉ bảo thì muốn mở nút hãy tìm người thắt nút. Người thắt nút ở đây chính là Mỹ thì dường như không có ý định mở nút.

Có nhiều lý do để dư luận tin như vậy. Trước khi công bố kế hoạch đặt trạm radar ở Czech và hệ thống tên lửa ở Ba Lan thì Mỹ đã biết trước Nga sẽ phản ứng gay gắt nhưng họ vẫn tuyên bố triển khai, chứng tỏ họ đã lường trước và có kế hoạch đối phó rồi. Mỹ có hứa sẽ xem xét việc Nga đề nghị  sử dụng chung  trạm radar ở miền Nam nước Nga và tuyên bố sẽ đàm phán với Nga về hệ thống phòng thủ tên lửa này sau khi các quan chức Nga tuyên bố cứng rắn (cứng rắn nhất có lẽ là tuyên bố của Phó Thủ tướng và là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergey Ivanov: Chiến tranh lạnh sẽ không xảy ra nếu như Mỹ tránh xa châu Âu ra). Nhưng chỉ ít ngày sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa hai tổng thống Nga và Mỹ, Tổng thống Mỹ G.W. Bush vẫn tuyên bố chắc chắn với Tổng thống Ba Lan rằng sẽ tiến hành mọi việc đúng như kế hoạch.

Ngoài ra, dư luận cho rằng Mỹ khó có thể chấp nhận đề nghị sử dụng chung hệ thống radar của Nga hoặc từ bỏ ý định triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu của mình vì nó sẽ làm thay đổi chiến lược quân sự của Mỹ ở châu Âu và nói gì thì nói, chấp nhận nghĩa là lùi một bước trước Nga.

Kết cục cho tình hình này chưa ai biết được sẽ là gì và như thế nào vì các bên đang đối phó nhau theo đúng luật bất thành văn trong quan hệ ngoại giao “ăn miếng trả miếng” và “người thắt nút” chưa muốn mở nút.

Việt Trung

Tin cùng chuyên mục