Tại một siêu đô thị, dân số trên 10 triệu người gồm cả dân ngụ cư ngoại tỉnh như TPHCM, vấn đề giao thông đi lại vốn dĩ phức tạp, đồng nghĩa những khó khăn mà lực lượng TTGTVT thành phố phải đối mặt và diễn ra dưới nhiều dáng vẻ.
Một thanh tra viên dày dặn kinh nghiệm, từng phụ trách kiểm tra giám sát các cung đường ở cửa ngõ Tây - Bắc thành phố, nhớ lại cách đây vài năm, ở khu vực này từng có ít nhất 3 con đường “ám ảnh” đối với lực lượng TTGTVT là đường Hồ Văn Tắng, đường Nguyễn Thị Rành và đường Bến Than, cả 3 đều nằm trên địa bàn huyện Củ Chi. Thanh tra viên này kể rằng, dạo ấy trên đường Hồ Văn Tắng có một số đối tượng chở đôi trên xe máy, khi thấy phương tiện của lực lượng TTGTVT đang làm nhiệm vụ theo chiều đường ngược lại đã chờ xe đi ngang qua rồi ném đá vào xe làm bể kính rồi phóng xe bỏ chạy. Dù đang làm phận sự và bị gây hấn rõ ràng nhưng TTGTVT cũng đành thúc thủ vì có muốn quay đầu xe đuổi theo xử lý kẻ sai phạm cũng không kịp. Một lãnh đạo TTGTVT nhận xét hành vi ném đá làm bể kính xe công vụ thường rơi vào những cung đường có đặc điểm vắng người, đường hẹp… Con đường Hồ Văn Tắng thường được các đối tượng manh động “chọn” để ra tay ném đá vào xe TTGTVT là vì có đoạn dài khoảng 4km đi xuyên qua rừng cao su vắng vẻ!
Một số thanh tra viên kể rằng trong khi thi hành nhiệm vụ, việc đối tượng vi phạm không hợp tác với lực lượng chức năng là chuyện xảy ra như cơm bữa. Sự bất hợp tác diễn ra rất đa dạng, muôn màu muôn vẻ. Khi phát hiện xe chở quá tải, thanh tra viên cần lên xe kiểm đếm hàng hóa để xác định vi phạm thì tài xế đóng cửa xe bỏ đi với chủ ý gây khó khăn, vì theo nguyên tắc không có mặt chủ xe thì TTGTVT không thể kiểm đếm hàng trên xe. Xe khách vi phạm đón trả khách sai nơi quy định, bị TTGTVT tuýt còi thì lái xe nổ máy bỏ chạy. Đây là tình huống cũng khó xử lý đối với các thanh tra viên TTGTVT, không phải vì hành vi phức tạp hay xe công vụ không đuổi kịp xe khách mà mấu chốt là vì sự an toàn của hành khách đang ngồi trên xe. Bởi tâm lý của đối tượng vi phạm thường chọn cách lái xe bỏ chạy; càng bị đuổi theo, họ càng phóng nhanh hơn, tức tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông cao hơn. Ngoài ra còn nhiều hình thức chống đối, gây khó khăn cho tác nghiệp của lực lượng TTGTVT như đối tượng vi phạm không chịu ký tên vào biên bản xử lý; không xuất trình giấy tờ; cố tình dừng xe giữa đường với chủ đích để TTGTVT sẽ bỏ qua nếu không muốn gây kẹt xe…
Những dẫn chứng nêu trên vẫn chưa nói hết được sự phức tạp mà lực lượng TTGTVT đối diện khi tuần tra kiểm soát trên đường phố. Bởi trong hầu hết trường hợp vi phạm bị phát hiện, các bác tài thường có khuynh hướng năn nỉ, ca cẩm, kể khó kể khổ để xin bỏ qua. “Hoàn cảnh gia đình khó khăn…”, “Vì cuộc sống, phải lái xe, không kiếm được nghề khác…”, “Đã nghỉ hưu, vì mưu sinh nên phải làm thế”… đó là những điệp khúc tiêu biểu và quen thuộc được người vi phạm nêu ra mỗi khi bị phát hiện, xử lý.
Chưa hết, không ít khi lực lượng chức năng còn bị canh ngược lại bởi các đối tượng thường vi phạm. Khi thấy đoàn kiểm tra liên ngành đến, đột nhiên có người la lớn để báo động cho các xe có hành vi vi phạm kịp “thu dọn hiện trường” hoặc bỏ chạy. Chúng tôi đã từng tận mắt chứng kiến trong một lần ra quân cách đây chưa lâu, khi lực lượng TTGTVT thành phố còn cách điểm kiểm tra khoảng 500m, một người điều phối hãng xe taxi nọ đã dùng bộ đàm thông báo cho các xe của đơn vị mình đang dừng đậu trái phép gần đó biết để lái xe đi, bởi thế khi xe công vụ của lực lượng TTGTVT tới nơi thì không còn bóng chiếc taxi vi phạm nào.
Vì vậy, việc tác nghiệp của lực lượng TTGTVT vẫn còn đầy trở ngại.