15 năm trước Báo SGGP tổ chức cuộc thi với chủ đề “Văn hay, chữ tốt” dành cho các em nhỏ đang học lớp 8, lớp 9 ở TPHCM và sau đó lan rộng ra các tỉnh ĐBSCL với sự trăn trở văn học là nhân học, và một đất nước không thể cất cánh nếu không có “GDP văn hóa”, không có nền tảng là môn ngữ văn - giống như nền móng của ngôi nhà - cái bất biến trong khả biến của kinh tế - xã hội nói chung.
Còn nhớ khi đó trong các cuộc họp báo, nhiều phóng viên đã đặt câu hỏi tại sao có cuộc thi như vậy, nó phải là văn hay, chữ đẹp, chứ “chữ tốt” là sao… và môn văn có ích gì trong công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước? Nói chung, có quá nhiều câu hỏi đặt ra mà đến nay có lẽ không ai có thể giải đáp được. Đến mức, nhà văn Trần Văn Tuấn có lần cùng chúng tôi đi tổ chức chung kết cuộc thi ở ĐBSCL cũng lắc đầu nói đại ý nó… không bằng thằng dốt lắm tiền. Có lẽ nhà văn nổi tiếng này từng có giải thưởng văn học ASEAN hơi buồn khi cùng đi với ông có một cô ca sĩ từng đoạt giải thưởng tiếng hát truyền hình mà ghé đâu ai cũng nhận ra, ai cũng chỉ chỏ có phải đúng là cô ấy không, chỉ riêng ông không ai nhận ra. Không chân dài miên man, không hàng hiệu, không có sự thôi miên bề ngoài. Và chỉ có người trong nghề mới biết đó là ông ấy.
Nhưng giữa cái ảo và thực, đến giờ người đời mới nhận ra đâu là giá trị thật cuộc đời, đâu là cứu cánh, là đường băng để đất nước bay lên. Câu hỏi có cần “văn hay, chữ tốt” không, nói chung có cần môn văn như một môn học xét tuyển đầu vào khi thi vào đại học không đã có lời đáp rõ ràng, dứt khoát: hết sức cần thiết! Không có không được.
Giống như trong một truyện ngắn của một nhà văn có kể rằng khi hấp hối người cha của một dòng họ chuyên nghề mổ heo đã thều thào con ơi con ráng đi học, ráng viết được vài chữ đúng chính tả thì bố mới yên lòng nhắm mắt, mới hy vọng cái nghề… đồ tể không bị mai một, nghĩa là dù làm nghề giết mổ vẫn phải có tính nhân văn, cần phải có “văn” trong “võ”, kể cả trong những tính toán lạnh lùng. Và thật ra, câu chuyện trên chỉ mang tính ẩn dụ, còn trong cuộc sống có quá nhiều minh chứng để khẳng định phi văn bất phú, phi văn bất đức… Mới đây câu chuyện về việc Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đề xuất phải đưa môn ngữ văn là một trong những môn thi bắt buộc khi thi vào các trường đại học y dược đã gây bão trong cộng đồng. Người tán đồng cũng nhiều, người phản đối cũng lắm. Người chống thì nói học trò đã luyện thi khối B gồm 3 môn toán, hóa, sinh từ những năm cuối cấp, giờ thêm môn văn e nó “lệch tủ”, và rồi có văn thì chắc gì có thêm… y đức, còn người đồng tình với chủ trương của Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng vấn nạn của ngành y tế có xuất phát điểm từ sự thiếu hụt môn ngữ văn, đồng nghĩa với sự khan hiếm tình người. Nhưng nói gì thì nói, nhiều người đồng tình các bác sĩ giỏi cả chuyên môn lẫn đức độ đều có sự cảm thụ văn học sâu sắc. Và nhất là họ đều có “chữ tốt” khi kê toa thuốc để vừa dễ đọc vừa dễ hợp túi tiền người bệnh cực chẳng đã mới phải đi khám bệnh. Dám chắc rằng nếu chúng ta coi trọng môn văn trong trường học thì sẽ không có những “đồ tể” kiểu Cát Tường hay vụ nhân bản xét nghiệm để trục lợi và nhiều, nhiều lắm những vụ việc tiêu cực ở những người mặc blouse trắng.
Như thế giữa toán và văn, môn nào quan trọng hơn? Ngành y tế cần toán hay cần văn, cần sự tính toán, tư duy lô gích, mạch lạc hay cần sự cảm thông “lương y như từ mẫu”…? Rõ ràng cần cả hai, tuy cuộc đời rất hiếm người giỏi toàn diện, kiểu văn võ song toàn. Nhưng những người xuất chúng như GS Ngô Bảo Châu trong bộ môn toán hoặc các thầy thuốc hàng đầu đất nước đều có “gốc” văn, giỏi văn, trình bày lưu loát, dễ hiểu các vấn đề phức tạp nhất. Để hiểu rõ hơn hiệu quả của môn văn xét trên môn toán thuần túy ta có thể dẫn chứng những ví dụ như nước Nhật đã thu được tới trên 5 tỷ USD nhờ bán bộ truyện tranh “Pokemon” trên toàn thế giới hoặc tiểu thuyết “Harry Potter” cũng thu bộn tiền hơn cả số tiền chúng ta thu được nhờ xuất khẩu cá tra, cá basa… Vấn đề là chúng ta dạy văn ra sao để học trò hào hứng học văn, cảm thụ văn, sáng tạo văn như món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc đời. Từ ý nghĩa đó, cuộc thi “Prudential - Văn hay, chữ tốt” do Báo SGGP tổ chức đã vượt qua khuôn khổ của một sân chơi nhỏ dành cho lứa tuổi mới lớn để trở thành một thương hiệu mang tầm vóc quốc gia, nơi sự đam mê và sáng tạo được đặt lên hàng đầu, nơi hình thành nhân cách của một thế hệ tương lai. Và không có gì nói quá nếu con cháu chúng ta rèn chữ, luyện văn thì chắc chắn sẽ bớt đi nhiều nhà tù, bớt đi con số 15.000 trẻ vị thành niên phạm tội mỗi năm…
BÍCH AN