Văn hóa đồng nghĩa với lòng tự trọng!

Nhân Báo SGGP mở diễn đàn “Thế nào là người có văn hóa”, tôi xin kể cho các bạn nghe hai mẩu chuyện.

Chuyện thứ nhất: Trên chuyến xe buýt đi Đồng Nai, đã hết chỗ ngồi. Đứng bên tôi là một chị đã lớn tuổi đang bế một đứa con nhỏ. Lâu lâu đứa bé khóc thét lên vì xe bị xóc. Thấy vậy, tôi rất ái ngại: “Giá mình có chỗ ngồi thì tôi sẽ nhường chỗ cho chị ngay”. Vừa lúc đó, từ phía sau có tiếng nhỏ nhẹ: “Chị ơi, chị xuống chỗ em ngồi”. Thấy chị ngần ngừ, cô gái nói tiếp: “Chị đừng ngại”. Nói xong cô gái đứng lên nhường chỗ cho chị. “Thế cô ngồi ở đâu?”. Chị hỏi cô gái. “Chị đừng lo, em đứng với mấy đứa bạn được mà”. Tiếng xe chạy đều đều, đứa bé đã ngủ ngon.

Chuyện thứ hai: Cách đây một tuần, cơ quan tôi có cuộc họp, trong phòng không ai hút thuốc, chỉ có người ngồi bên cạnh tôi phì phèo trên môi điếu thuốc lá, tôi nhắc khẽ: “Cậu có thấy cái bảng treo trên tường kia không?”. Biết tôi nhắc khéo, cậu ta vùng vằng: “Hút hay không là quyền của mọi người, làm sao bắt tôi theo được!”. Nói rồi anh ta vẫn tỉnh bơ nhả khói. Bỗng có tiếng ho gần đó rồi một giọng nói khó chịu vang lên: “Đề nghị ai hút thuốc dập ngay cho”.

Biết mọi người phản ứng, anh ta đứng lên có vẻ miễn cưỡng, cầm điếu thuốc vất ngay xuống đất rồi lấy giày dí dí mấy cái trước sự ngạc nhiên của mọi người. Chợt có tiếng xì xầm: “Người đâu mà thiếu văn hóa thế!”. Không biết lúc ấy anh ta có nghe thấy hay không? Riêng tôi chợt nghĩ: Người có văn hóa bao giờ họ cũng có ý thức và có lòng tự trọng, biết ứng xử sao cho phù hợp với các quy tắc chung của cộng đồng. Đó là những người mà hiện nay xã hội ta rất cần.

Võ Tri (P8, Q3, TPHCM)

  • Văn hóa từ trong gia đình

Có một lần đi làm về, sẵn đường tôi ghé vào thăm chị bạn. Lâu ngày không gặp nhau, nên hai chị em tôi “chuyện nổ như ngô rang”. Chuyện đang dở thì chợt con bé út từ ngoài chạy vào nũng nịu: “Mẹ ơi! Cho con tiền ăn quà”. Thấy con bé dễ thương tôi sực nhớ đến hai cái bánh mì mới mua liền lấy ra cho con bé, tôi nhỏ nhẹ: “Lại đây cô bảo, con học lớp mấy rồi?”. “Dạ, con học lớp ba”. “Cô cho con quà nhé”. Nói rồi, tôi mở túi lấy ra một cái bánh đưa cho cháu. Không ngờ nó buông ra một câu: “Có thế này thôi à!”.

Tôi sững sờ, chị bạn tôi rất ngượng vội đỡ lời: “Cô thông cảm, cháu nó lỡ lời…”, rồi liền vớ lấy cái chổi lông gà bên cạnh quật vào mông con bé mấy cái: “Đồ hỗn! Ai dạy con thế?”.

Thấy con bé khóc, tôi chạy lại ôm nó vào lòng xoa dịu: “Cháu còn dại, chị đánh nó làm gì! Nín đi cô thương!”. Chợt trên cầu thang có bước chân chạy xuống, đó là con gái lớn của chị: “Con chào cô”. “Cô chào con”. Thấy em khóc nó liền hỏi: “Ủa! Làm sao em… khóc vậy mẹ?”.

Như để trút hết sự bực bội, cô bạn tôi nói một thôi: “Mẹ đánh nó đấy. Nó hư lắm! Cô Tâm đến chơi, lại cho quà mà nó còn nói “Có thế này thôi à!”. Con nghĩ có tức không?”. Dường như hiểu được câu chuyện, con bé liền nhỏ nhẹ: “Mẹ ơi! Đừng giận em, vì mỗi lần con thấy ba đưa tiền lương cho mẹ, mẹ đều nói “Có thế này thôi à!” nên em nó bắt chước đó thôi”.

Thế là đã rõ, bất chợt tôi nghĩ: Người có văn hóa không chỉ biểu hiện bằng những cử chỉ lời nói lịch sự ở mọi chốn, mọi nơi, mà nó còn biểu hiện ngay trong cách dạy dỗ con cái và cách ứng xử của người lớn trong gia đình.

Nguyễn Hà Thanh (P8, Q3, TPHCM)

Tin cùng chuyên mục