Văn hóa Tây Ban Nha “sống mòn” vì khủng hoảng kinh tế

Những tháng qua, Tây Ban Nha buộc phải cắt giảm ngân sách như một số quốc gia châu Âu khác để nhận gói hỗ trợ từ Eurozone. Việc cắt giảm được tiến hành ở mọi lĩnh vực và đương nhiên, văn hóa cũng không phải ngoại lệ.
Văn hóa Tây Ban Nha “sống mòn” vì khủng hoảng kinh tế

Những tháng qua, Tây Ban Nha buộc phải cắt giảm ngân sách như một số quốc gia châu Âu khác để nhận gói hỗ trợ từ Eurozone. Việc cắt giảm được tiến hành ở mọi lĩnh vực và đương nhiên, văn hóa cũng không phải ngoại lệ.

Thủ đô Madrid - địa điểm hút khách du lịch nổi tiếng tại Tây Ban Nha.

Thủ đô Madrid - địa điểm hút khách du lịch nổi tiếng tại Tây Ban Nha.

Sự cắt giảm ngân sách cho lĩnh vực văn hóa đã khiến rất nhiều văn nghệ sĩ Tây Ban Nha bất bình, bởi sự hỗ trợ của chính phủ cũng là một trong những nguồn sống của họ trong thời buổi khó khăn. Javier Bardem, diễn viên từng đoạt giải Oscar, cho rằng: “Họ đang giết chết những hoạt động văn hóa tại Tây Ban Nha. Đây là một đất nước sản sinh ra những nét văn hóa vĩ đại vượt ra khỏi biên giới quốc gia. Những gì họ đang làm chẳng khác nào đang thu hẹp lại ngành công nghiệp văn hóa Tây Ban Nha”.

Theo hãng tin AFP, một số người lo ngại rằng việc cắt giảm ngân sách của Chính phủ Tây Ban Nha sẽ đưa nền văn hóa nước này rơi vào thảm kịch tương tự như trong cuộc nội chiến năm 1936 đến 1939. Để rồi trong gần 4 thập niên sau đó, chế độ độc tài của tướng Franco đã bóp nghẹt nền văn hóa đất nước bằng sự kiểm duyệt gắt gao và cắt giảm ngân sách cho văn hóa đến tối đa. Khi thoát khỏi chế độ độc tài, Tây Ban Nha đã nỗ lực vực dậy ngành công nghiệp văn hóa và đưa nó đến thời kỳ còn rực rỡ hơn trước cuộc nội chiến.

Theo cải cách mới của chính phủ trong kế hoạch tiết kiệm hàng chục tỷ EUR, những chương trình biểu diễn văn hóa giờ đây sẽ bị tăng thuế từ 8% lên đến 21%. Điều này cũng đồng nghĩa với việc giá vé xem các chương trình biểu diễn sẽ bị tăng lên nhiều so với trước kia.

Chi phí cao khiến ngành công nghiệp điện ảnh của Tây Ban Nha đang tìm kiếm nhiều đối tác nước ngoài để hợp tác sản xuất phim bán ra nước ngoài. Họ lo ngại không thể kiếm lợi nhuận nếu chỉ sản xuất và phục vụ khán giả trong nước vào thời điểm khủng hoảng hiện nay. Các trung tâm văn hóa, giới nghệ sĩ biểu diễn tại Tây Ban Nha cũng buộc phải cân nhắc kỹ trước khi tổ chức một sự kiện hay buổi trình diễn nào trong nước vì nguy cơ lỗ vốn luôn đe dọa.

Phần lớn dân chúng đã cắt giảm tối đa những hoạt động vui chơi hàng tuần. Thay vào đó, họ chỉ tận dụng những chuyến tham quan các buổi triển lãm nghệ thuật nếu nó được tổ chức miễn phí.

Ngành du lịch tại Tây Ban Nha vốn trụ vững qua nhiều cuộc khủng hoảng do có những địa danh nổi tiếng mê hoặc các du khách. Thống kê cho thấy, ngành du lịch ở nước này chiếm khoảng 11% tổng sản phẩm quốc nội, sử dụng hơn 2 triệu nhân công. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, lĩnh vực này gặp không ít khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu.

Trong nửa đầu năm 2012, lượng khách du lịch quốc tế đến Tây Ban Nha giảm 10% so với năm ngoái. Các doanh nghiệp du lịch đang lo ngại việc cắt giảm ngân sách của chính phủ sẽ khiến những dự án cải tạo, nâng cấp các hoạt động, quảng bá du lịch, quảng bá ẩm thực Tây Ban Nha bị buộc phải tạm dừng hoặc sẽ bị rót kinh phí nhỏ giọt khiến ngành du lịch càng gặp khó khăn.

Phương Nam

Tin cùng chuyên mục