Trong dịp tết, bên cạnh những hành vi chưa hay như bẻ cành cây để hái lộc, xả rác, đốt pháo… thì có năm còn xuất hiện hành vi “cướp hoa”, “bắt heo” trưng bày ở các hội chợ và các điểm công cộng. Phần nhiều những người có hành vi không đẹp này lại là giới trẻ, những người thường xuyên được giáo dục, định hướng các chuẩn mực đạo đức, các hành vi ứng xử. Vì vậy, dù bất kỳ động cơ nào, hành vi này cũng đáng bị lên án và phải được uốn nắn nghiêm túc từ trong gia đình, nhà trường, các đoàn thể…
Xét sâu xa, hành vi nói trên có một phần xuất phát từ những hiện tượng chưa lành mạnh trong xã hội. Đó là sự thiếu công bằng trong việc chiếm hữu và hưởng thụ các thành quả lao động của một bộ phận người dân. Tình trạng cưỡng ép trẻ em, người già, người tàn tật đi ăn xin để phục vụ cho những người khỏe mạnh, lành lặn cần bị lên án mạnh mẽ. Tình trạng “chặt, chém” khách hàng của một số loại dịch vụ cần sớm bị chấm dứt và có những biện pháp ngăn chặn hữu hiệu. Tình trạng tham ô, nhũng nhiễu của một bộ phận cán bộ, công chức cũng tham gia vào việc làm lu mờ những giá trị đạo đức tốt đẹp của xã hội. Tất cả những điều đó khiến cho một bộ phận thanh thiếu niên cho rằng cứ chiếm hữu được, sử dụng được là điều đáng làm, còn thiệt hại cho ai, gây hậu quả cho ai là không đáng bận tâm. Điều này nếu không sớm ngăn chặn sẽ sinh ra một bộ phận người sống ích kỷ và nhẫn tâm.
Xã hội càng văn minh, càng tiến bộ, cơ hội được thụ hưởng càng nhiều thì càng phải nâng cao văn hóa hưởng thụ. Nghĩa là, mỗi cá nhân khi thụ hưởng những cái hay, cái đẹp từ những sản phẩm của tự nhiên hay từ thành quả lao động của người khác thì đều phải có nghĩa vụ giữ gìn và làm đẹp thêm sản phẩm hay thành quả đó, để nhiều người khác có cơ hội được thụ hưởng cái hay, cái đẹp đó.
Mỗi cá nhân thể hiện văn hóa hưởng thụ thế nào cũng đồng thời thể hiện được phẩm cách của mình thế ấy. Vì vậy, xã hội cần có sự điều chỉnh đúng hướng đối với văn hóa hưởng thụ để góp phần định hướng nhân cách sống. Đó là cổ vũ, động viên những hình thức hưởng thụ “vì mọi người”, góp ý, lên án với những hình thức hưởng thụ “vì mình”. Nói một cách khác, mỗi cá nhân bên cạnh tự trau dồi văn hóa hưởng thụ của mình thì cũng phải quan tâm, tác động theo hướng tích cực đến văn hóa hưởng thụ của người khác. Vì một lẽ đơn giản, có thể, đến lúc nào đó, bản thân mình sẽ không có cơ hội thụ hưởng những cái hay, cái đẹp vì sự ích kỷ trong cách thụ hưởng của người khác.
Nguyễn Minh Hải (Quận 3, TPHCM)