Văn hóa trà Cao Nguyên

Văn hóa trà Cao Nguyên

Dù là tỉnh có diện tích trà (chè) lớn nhất nước, 25.600ha, với nhiều sản phẩm trà danh tiếng nhưng phải đến Lễ hội Văn hóa trà được tổ chức từ ngày 21 - 24-12-2006 thì tiềm năng về du lịch trà của Lâm Đồng mới được nhắc đến nhiều.

Văn hóa trà Cao Nguyên ảnh 1

Thưởng thức trà túi lọc Vĩnh Tiến.

Từ TPHCM lên, tới thị xã Bảo Lộc, khách có thể dừng chân tại một “phố trà” sầm uất dài vài cây số dọc quốc lộ 20. Trong đó có 3 điểm bề thế nhất là quán Trâm Anh, Tâm Châu và Trà tiên phong quán.

Vào quán Trâm Anh, khách được uống cà phê, trà miễn phí và mua 2 thứ đặc sản này. Nếu may mắn hơn, khách có thể được ông chủ Vũ Hùng Anh kể lại những cảm xúc khó quên từ những năm 50 - 60 của thế kỷ trước khi xứ B’lao bắt đầu có nghề làm trà ướp hương. Tại Tâm Châu, khách có thể ăn trưa, ăn tối và mua trà trong siêu thị mini của công ty. Theo một danh trà ở Bảo Lộc, xứ này đã trải qua 3 thời kỳ phát triển: Thời trà ướp hương thiên nhiên (từ cách đây 15 năm trở về trước), thời trà xanh (từ cách đây 5 năm) và hiện nay có thêm trà Ô Long.

Nếu trà Thái Nguyên có màu xanh cốm, nước sóng sánh như mật ong, vị chát gắt rồi mới ngọt thì trà xanh Bảo Lộc - Lâm Đồng lại ngả qua màu đậu xanh, vị chát ngọt dễ uống.

Ngược thêm khoảng 14km khách sẽ gặp khu Trà tiên phong quán nằm sát quốc lộ 20 (thuộc Lộc An, Bảo Lâm). Tại đây, khách được tham quan vườn trà uyển và nghe các thiếu nữ xứ trà thướt tha trong tà áo dài giới thiệu nghệ thuật pha trà, uống trà theo đúng phong cách truyền thống trà Việt. Tại đây, ngồi ở các nhà hàng kiến trúc dân tộc thoáng mát, khách có thể vừa dùng cơm vừa ngắm các đồi trà và tận hưởng mùi hương thoang thoảng của trà xanh... Trong năm 2006, đơn vị này đã đón và phục vụ hơn 217.000 lượt khách trong và ngoài nước.

Nhờ có Lễ hội Văn hóa trà (VHT) được tổ chức vào dịp Noel 2006 mà khách yêu trà biết thêm nhiều về lịch sử, văn hóa trà của xứ cao nguyên này. Đó là Nhà máy Trà Cầu Đất (cách trung tâm Đà Lạt 26km) - một “địa chỉ vàng” của ngành trà cả nước. Người Pháp đã cho lập những đồn điền đầu tiên vào đầu thập niên 20 và năm 1927 đã cho ra đời Sở Trà Cầu Đất - một nơi chuyên trồng, sản xuất chế biến trà quy mô tập trung đầu tiên ở Việt Nam. Từ đây, các sản phẩm trà xanh Việt Nam đã theo chân người Pháp và lữ khách đến nhiều nước châu Âu.

Sở Trà đang lưu giữ những hình ảnh tư liệu quý ghi lại hoạt động trồng, sấy, vò trà và nhất là vẫn còn các nhân chứng sống là các cụ bà tuổi 80 trực tiếp hướng dẫn khách tham quan. Tại đây vẫn còn các cỗ máy có tuổi đời hơn nửa thế kỷ (còn nguyên logo ghi năm xuất xưởng) còn hoạt động được và những vườn trà cổ thụ.

Sẽ là một thiếu sót nếu không nhắc tới thế giới trà túi lọc với sản phẩm trà Atisô ở ngay Đà Lạt của Công ty CP Dược, Thái Bảo, Ngọc Duy, An Tiến... Trong đó chỉ riêng danh trà An Tiến đã có tới 40 loại trà túi lọc, dược trà bổ dưỡng như trà trinh nữ, trà khổ qua, trà linh chi, trà hoa cúc, trà gừng... Khách có thể thưởng thức, mua trà (và cả rượu vang, hoa tươi) tại cửa hàng công ty trên đường Lê Hồng Phong, TP Đà Lạt.

Dường như sản phẩm trà túi lọc chính là nét biểu cảm sinh động cho tính cách của con người Đà Lạt - sự kết hợp nét tao nhã giữa văn hóa trà truyền thống với phong cách thanh lịch của một thành phố mang nét kiến trúc Tây.

Y VĂN

Tin cùng chuyên mục