Văn hóa và khai thác thương hiệu

Cầm bình sơn xịt và bắt đầu trải nghiệm như một nghệ sĩ graffiti (vẽ trên tường) trong Lễ hội Nghệ thuật đường phố ngày 19-3, tại địa chỉ 257 đường Hoàng Văn Thụ, phường 3, quận Tân Bình, TPHCM, Jenny Mai (Mai Kim Ngọc, ngụ quận Bình Thạnh) hào hứng: “Không khí này rất vui, thử làm nghệ sĩ đường phố cũng thú vị lắm chứ!”. 

Một người bạn ngoại quốc đi cùng Jenny Mai, Louis (32 tuổi, đến từ Boston, Mỹ) giơ ngón tay biểu tượng số một về phía các nghệ sĩ đang biểu diễn, hào hứng: “Great!” (tuyệt vời).

Sự góp mặt của những khán giả như Jenny Mai, Louis… hay các nghệ sĩ nước ngoài trong chương trình này đều bắt đầu sau ngày 15-3, khi Việt Nam mở cửa đón khách quốc tế trở lại. Ảnh hưởng của dịch bệnh là câu chuyện chung trên toàn cầu, nhưng lần mở cửa đón khách quốc tế trở lại này, liệu chúng ta có tự làm nên sự khác biệt và đặc biệt cho chính mình để hấp dẫn và giữ chân du khách, ở khía cạnh sản phẩm văn hóa?

Tại TPHCM, rất khó để có một câu trả lời cụ thể về một món ăn đặc sản hay quà lưu niệm đặc trưng riêng của thành phố. Đô thị trẻ này tiếp nhận và tiếp biến rất nhiều những ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài và biến nó thành một phần bản sắc, hài hòa và phù hợp với nhịp sống nơi đây. Mở cửa đón khách trở lại và chúng ta có gì để “chiêu đãi” khách? Bảo tàng; nhà hát cải lương, hát bội, múa rối; các công trình kiến trúc… Đây là những điểm không mới và cũng không lạ trong lịch trình tham quan của khách nước ngoài khi đến TPHCM.

Văn hóa không dừng lại ở phạm trù đời sống tinh thần, hay giải trí đơn thuần, mà nó còn là một ngành công nghiệp để khai thác và làm nên nét đặc biệt để thu hút du khách tìm đến. Dùng sản phẩm văn hóa để thu hút khách du lịch và làm thương hiệu cho thành phố, tại sao không? 

Có thể nói, không khí và nhịp sống đường phố ở TPHCM thân thiện và phù hợp hơn bất cứ nơi nào trong việc xây dựng không gian nghệ thuật đường phố. Những chương trình khai thác tối đa sức hấp dẫn của nghệ thuật đường phố sẽ làm nên sự khác biệt cho đường phố TPHCM. Chương trình Lễ hội Nghệ thuật đường phố thuộc dự án Nghệ thuật đường phố (đồng tổ chức bởi Viện Pháp tại Việt Nam, Viện Goethe tại TPHCM), hay cách đây 3 năm, Lễ hội Âm nhạc quốc tế - Hozo… là những ví dụ điển hình cho việc dùng sản phẩm văn hóa để thu hút du khách, mà chúng ta đang và đã từng thực hiện.

Chính sức hút từ những chương trình nghệ thuật sẽ giữ chân khách ở lại lâu hơn với thành phố. Điều này thấy rõ như TP Kassel (Đức) nổi tiếng lễ hội Documenta, triển lãm nghệ thuật đương đại lớn nhất thế giới, thu hút hàng chục triệu du khách trên thế giới đến tham quan mỗi lần tổ chức. Câu chuyện đặt ra, khi khai thác được kinh tế, tự khắc người dân sẽ biết bảo vệ những công trình nghệ thuật đường phố. 

Bên cạnh bản sắc văn hóa sẵn có, những điểm tham quan, công trình kiến trúc hay lịch sử trong lòng thành phố…, việc xây dựng những chương trình nghệ thuật đường phố, điểm biểu diễn từ âm nhạc đến các hình thức nghệ thuật đa phương tiện sẽ giúp kết nối du khách với thành phố nhiều hơn, khi có đủ mọi tương tác từ nghe nhìn đến trải nghiệm.

Đừng nghĩ rằng nghệ thuật đường phố chỉ có graffiti, mà cái chính là không gian của nghệ thuật đường phố, nơi mà nghệ sĩ có thể thực hành nhiều hình thức nghệ thuật khác nhau để tương tác với cộng đồng. Vẽ tường, biểu diễn đường phố, âm nhạc…, mọi thứ đều có thể trở nên gần gũi một cách đặc biệt, khi khán giả và người nghệ sĩ biểu diễn có thể đổi vai cho nhau.

Chính từ những chương trình và không gian nghệ thuật đường phố là yếu tố để nghệ sĩ đến gần hơn với công chúng, đơn vị quản lý văn hóa gần hơn với lộ trình nâng cao thẩm mỹ cộng đồng. Sẽ có ý kiến lo ngại nghệ thuật đường phố dễ gắn liền với “vẽ bậy” hoặc biểu diễn “dễ dãi”. Nhưng cái chính là cách chúng ta xây dựng và quản lý, nghệ thuật hay nghệ thuật đường phố luôn có cách đào thải, những sản phẩm “rác”, lỗi thời… tự khắc sẽ không có chỗ đứng khi thị hiếu và thẩm mỹ khán giả không ngừng nâng cao. 

Tin cùng chuyên mục