Hội thảo Văn học châu Á tại Hàn Quốc

Văn học: Chiếc cầu nối các dân tộc đến gần nhau...

Văn học: Chiếc cầu nối các dân tộc đến gần nhau...

Ngày 17-10-2005, trường Đại học Joong Ang tại Seoul đã tổ chức cuộc Hội thảo về Văn học châu Á với sự tham dự của các nước: Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Indonesia và Thổ Nhĩ Kỳ. Mỗi diễn giả đã trình bày khái quát về tình hình văn học của đất nước mình để có cùng một cái nhìn chung về giá trị châu Á…

Tại sao chúng ta, những đất nước châu Á có buổi đàm luận hôm nay? Ông Lee Soon Hwa, trưởng khoa sáng tác Văn học Nghệ thuật trường Đại học Joong Ang đã bắt đầu buổi hội thảo bằng một câu hỏi, và câu hỏi ấy đã được giải đáp bằng những bài tham luận được trình bày một cách khái quát nhất về nền văn học của từng quốc gia.

Văn học: Chiếc cầu nối các dân tộc đến gần nhau... ảnh 1

Tại Hội thảo văn học.

Nhà văn Bang Hyun Suk, phó khoa sáng tác, đã nhấn mạnh cụm từ “Khái niệm châu Á” và “Giá trị châu Á”. “Và đó chính là điều chúng ta, những đất nước trong một châu Á rộng lớn phải nắm lấy và phát huy sức mạnh của mình. Và vì thế buổi đàm luận hôm nay hoàn toàn không giống với thuyết “Đại Đông Á” của Nhật Bản trước chiến tranh, càng không cùng tâm lý với Trung Quốc, một nước lớn và có nền văn hóa ảnh hưởng mạnh mẽ đối với các nước láng giềng.

Gần đây, sau Á vận hội và World Cup 2002, Hàn Quốc, dù là một đất nước còn bị chia cắt duy nhất trên thế giới, nhưng đã gây được tiếng vang và được biết đến nhiều hơn trên thế giới, nhất là về kinh tế và điện ảnh. Chúng ta ngồi lại với nhau để tìm ra một điểm chung, đó là giá trị châu Á, nhưng đồng thời mỗi đất nước đều có những nét đặc thù.

Và để tìm ra tiếng nói chung ấy, tất yếu văn học nghệ thuật phải là chiếc cầu nối. Đây là con đường duy nhất để chúng ta đến với nhau trong nét chung của nền Văn hóa châu Á, một nền văn hóa đẹp hoàn toàn khác với văn hóa phương Tây, đồng thời cũng cùng phát hiện những đặc thù của từng dân tộc trong cùng giá trị châu Á nói chung.

Làm sao ta có thể hiểu hết văn hoá các nước láng giềng nếu chúng ta không thông hiểu văn học của nước bạn. Ví như Indonesia có nhà thơ nổi tiếng trên thế giới, nhưng độc giả châu Á lại không biết, hay Hàn Quốc, Việt Nam cũng có nhiều tác phẩm hay, nhưng cả hai nước lại không biết gì về nhau… Và vì thế, những cuộc giao lưu, đàm luận như thế này là vô cùng cần thiết để chúng ta, những đất nước láng giềng có một sự đồng cảm qua con đường văn học…”

Mở đầu, bản tham luận của Philippines, nhà văn MarraPL. Lanot với “Văn học Philippines một thoáng nhìn” đã khái quát được toàn bộ lịch sử văn học đất nước này từ năm 1550, từ thời kỳ Philippines dưới ách đô hộ của Tây Ban Nha , rồi đến giai đoạn chiếm đóng của Mỹ, xâm lược của Nhật Bản cho đến ngày nay.

Đó là cuộc hành trình gian nan của một nền văn học phải viết bằng tiếng nước ngoài: Tây Ban Nha rồi đến tiếng Anh… Mãi đến năm 1983, sau cách mạng đổi mới, mới có nhiều đề tài về hòa bình, tự do trong nhiều tác phẩm. Nền văn học Indonesia, trong cái nhìn của nhà thơ Eka Budianta: “Văn học Indonesia và ký ức” đã trải dài cuộc đời của chính mình cùng những biến động của lịch sử đất nước song hành cùng những biến đổi của các thời kỳ văn học.

Văn học: Chiếc cầu nối các dân tộc đến gần nhau... ảnh 2

Tác giả đang phát biểu tại cuộc hội thảo.

Một phần cuộc đời bà cùng hòa lẫn trong từng giai đoạn lịch sử với những thăng trầm mà các nhà văn phải nếm trải trong thời kỳ chính trị khắc nghiệt nhất. Văn học Thổ Nhĩ Kỳ qua phác họa của tác giả Riza Kirac là một nền văn học ảnh hưởng hoàn toàn phương pháp sáng tác của phương Tây. Bắt đầu từ năm 1880 đến nay, những đề tài văn học phát triển theo từng giai đoạn chính trị với những trạng thái bất an về tâm lý của cá nhân.

Và ông cũng mong muốn văn học đất nước ông cần phải hướng về phương Đông bởi có nhiều vấn đề của phương Đông mà phương Tây không thể lý giải được. Với đề tài “Văn chương đương đại Thái”, tác giả Tassanee Thantawanit đã khái quát cả lịch sử văn học Thái qua 6 thời kỳ theo từng giai đoạn lịch sử đất nước từ thế kỷ 13 đến nay.

Và vấn đề bà nhấn mạnh đó là sự thay đổi nhanh chóng của văn học Thái khi tiếp cận văn học phương Tây, nhưng đồng thời vẫn giữ lại bản sắc dân tộc trong cuộc tiếp xúc cùng những trào lưu mới bên ngoài. Việt Nam với bài tham luận “Văn học Việt Nam: Chiến tranh và hòa bình” đã làm sống dậy trang sử anh hùng chống ngoại xâm của dân tộc Việt, trong đó văn học đã trở thành vũ khí sắc bén và nhà văn cũng là chiến sĩ nơi chiến trường.

Suốt những năm hòa bình, xây dựng đất nước, nhà văn lại một lần nữa đột phá vào những vấn đề gai góc nhất trong những biến đổi khốc liệt của con người từ thời chiến chuyển sang thời bình. Đó là cuộc chiến đấu giữa ánh sáng và bóng tối trong từng mỗi con người với những cám dỗ của vật chất.

Nhà phê bình văn học Bang Min-Ho của Hàn Quốc kết thúc cuộc hội thảo với chủ đề “Văn học Hàn Quốc hiện nay và thế giới” đã nhấn mạnh nét tương đồng giữa các nước châu Á và dân tộc Hàn Quốc về lịch sử bị xâm lược trong quá khứ và tình hình xã hội đang bị Mỹ hóa đáng báo động hiện nay. Vì vậy, văn học hiện đại vừa phải phản ánh được điều này vừa phải giữ gìn tính dân tộc trong tác phẩm của mình.

Cùng trong những nét tương đồng đó, văn học Hàn Quốc phải nằm trong giá trị châu Á nói chung với một nhịp cầu giao lưu cùng các nước trong khu vực, bởi văn học là chiếc cầu nối bắt liền trái tim con người đến gần nhau hơn trong một khối đoàn kết châu Á…  

NGÔ NGỌC NGŨ LONG

Tin cùng chuyên mục