Văn học về đề tài nông thôn: Khoảng trống dần được lấp đầy

Văn học về đề tài nông thôn từng đạt được những thành tựu không nhỏ, với những tên tuổi lớn như Nam Cao, Kim Lân, Nguyễn Khắc Trường, Ma Văn Kháng, Bình Nguyên Lộc, Nguyễn Quang Sáng... Có một thời gian dài, văn học về đề tài này bị đứt đoạn, thiếu vắng, nhất là ở những nhà văn trẻ. Thời gian gần đây, văn học về đề tài nông thôn đang dần được quan tâm. 

Những tín hiệu vui 

Thực ra, vấn đề nào liên quan đến con người cũng là đề tài của văn chương. Có điều, Việt Nam vẫn là một đất nước nông nghiệp với gần 70% dân số sống ở nông thôn; thêm vào đó, tốc độ hiện đại hóa đang diễn ra quá nhanh ở nông thôn, rồi sự lai căng về văn hóa… là những vấn đề đáng để những người cầm bút ngẫm ngợi. Sau 30 năm, khi giai đoạn rực rỡ của những tác giả viết về nông thôn qua đi, số lượng tác phẩm văn học về nông thôn cũng dần thu hẹp lại. Mặc dù đâu đó vẫn còn bắt gặp trong các tác phẩm của Đỗ Bích Thúy, Đỗ Tiến Thụy, Ngô Phan Lưu, Nguyễn Ngọc Tư… nhưng có lẽ, chừng đó vẫn chưa đủ. Đặc biệt, thế hệ 8X trở về sau này lại càng hiếm hơn. 

Văn học về đề tài nông thôn: Khoảng trống dần được lấp đầy ảnh 1 Cánh đồng bất tận (từng được chuyển thể thành phim) của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư 
được xem là tác phẩm đặc sắc viết về nông thôn
Nhà văn Vũ Văn Song Toàn chỉ ra thực tế: “Do nông thôn ngày nay đã thay đổi, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, bất cứ cái gì ở thành phố có là ở nông thôn có. Sự phát triển mạnh mẽ của Internet khiến nông thôn và thành phố càng ngày càng xích lại gần nhau. Chính điều này, khiến nông thôn không còn đặc hữu, nên người trẻ không thấy nông thôn lạ lẫm, không gây cho họ sự hiếu kỳ nên họ không viết”. 


Thời gian gần đây, trên văn đàn bắt đầu xuất hiện những tín hiệu đáng mừng, khi đề tài nông thôn đã và đang được các tác giả quan tâm, có những tác phẩm phản ánh kịp thời. Cách đây vừa đúng một năm, Báo Nông thôn ngày nay phát động cuộc thi truyện ngắn đề tài nông dân - nông thôn mang tên “Làng Việt thời hội nhập”. Đến nay, cuộc thi đã nhận được 320 truyện ngắn dự thi của nhiều nhà văn, tác giả gửi về, trong số đó có những nhà văn nổi tiếng như Nguyễn Văn Thọ, Nguyễn Hiếu, Hoàng Minh Tường, Trần Chiến, Trần Thanh Cảnh... 

Trong danh sách giải thưởng của Hội Nhà văn năm 2019, Nguyễn Hải Yến là cái tên gây chú ý. Bởi lẽ, đó vẫn là cái tên đầy lạ lẫm trong làng văn và tập truyện ngắn Quán thủy thần (NXB Văn hóa - Văn nghệ) đoạt giải cũng mới chỉ là tác phẩm đầu tay của chị. Nhưng đọc xong 10 truyện ngắn với 200 trang sách, tin rằng, những người cầm cân nảy mực có lý do để trao giải cho Quán thủy thần. 

Ngoài ra, trong một số tác phẩm của các tác giả trẻ hiện nay cũng đang bắt đầu chú ý đến đề tài nông thôn. Đàn ông ở làng (NXB Hồng Đức) của Trần Hồng Giang mang đến những câu chuyện cười ra nước mắt tại một vùng thôn quê Bắc bộ. Kiếp người trôi ngược (NXB Thanh Niên) của Phan Đức Lộc mang đến những thân phận người nông dân ở đồng bằng lẫn miền núi đang phải đánh vật với miếng cơm manh áo hàng ngày, khi cuộc sống nông thôn đã thay đổi mạnh mẽ… 

Mảnh đất màu mỡ 

Sau 3 tập truyện ngắn khai thác những vấn đề đô thị, đến tập truyện thứ 4, Vũ Văn Song Toàn quay về với đề tài nông thôn. Tác giả của Đoản khúc chiều phù dung, bày tỏ: “Tôi vốn sinh ra và lớn lên ở nông thôn nhưng ở thành phố đã lâu. Càng đi xa quê hương tôi càng nhớ quê da diết. Những nỗi nhớ về vùng cố thổ khiến tôi đưa vào truyện ngắn. Khi viết về tam nông, tôi muốn nhấn mạnh yếu tố truyền thống, nhất là những phong tục tập quán cùa làng”.

Quan sát cuộc thi “Làng Việt thời hội nhập” từ lúc phát động đến nay, theo nhà văn Nguyễn Văn Thọ, các tác phẩm tham dự cuộc thi không chỉ khoanh đậm trên số phận của nông thôn và nông dân ở những bi kịch, mà nó còn dựng lại đời sống tích cực, những chân dung tích cực qua sự đi lên thực sự của bộ mặt nông thôn. Và, dù ở phương diện, ở góc chiều nào thì tính nhân văn của nông dân Việt vẫn là tinh thần chủ đạo của các tác phẩm, tác giả dự giải.

Cũng theo nhà văn Nguyễn Văn Thọ, đề tài nông thôn vẫn là đề tài “nóng” khi đất nước chưa hẳn là đất nước công nghiệp hóa, tâm hồn người Việt vẫn chất chứa nhiều vấn đề phản ánh những nét cơ bản nhất của nông dân Việt trên một bình diện nhiều mâu thuẫn, cả tiêu cực và tích cực, khi đất nước trong tiến trình xây dựng một nông thôn mới hội nhập và phát triển.

Và như vậy, ở một chừng mực nào đó, có thể xem đề tài về nông thôn đang là mảnh đất màu mỡ cho các tác giả tìm hiểu và khai thác. Cùng với đó, một thế hệ viết văn trẻ đã và đang đau đáu với con người và vùng đất của mình, cũng xứng đáng để độc giả chờ đợi, hy vọng. Có thể kể đến ở miền Bắc với Nguyễn Văn Toan, Nguyễn Luân…; miền Trung với Hoàng Công Danh, Diệu Ái…; miền Tây với Lê Quang Trạng, Trương Tuấn, Hoàng Khánh Duy, Phát Dương, Nguyễn Chí Ngoan… 

Tin cùng chuyên mục