- Góp phần giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt
Thực tế rất đáng báo động hiện nay là việc nói tục, chửi thề đã trở thành một hiện tượng khá phổ biến trong giới trẻ (trong đó có cả học sinh, sinh viên).
Có lần một học sinh phổ thông nói với tôi: “Thấy tụi bạn khi nói chuyện có chửi thề vài tiếng cũng hay hay nên em làm theo, riết rồi quen”. Sẽ thật nguy hại một khi tiếng chửi thề trở thành một thói quen, một phản xạ. Sự trong sáng của tiếng Việt vô hình trung đã bị làm cho vẩn đục. Vậy đâu là giải pháp cho tình trạng nói tục, chửi thề trong giới trẻ?
Vốn có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở”. Lời ăn tiếng nói của giới trẻ bị ảnh hưởng từ trong gia đình lẫn ngoài xã hội. Vì vậy, người lớn cần thấy rõ vai trò của mình trong việc định hướng và uốn nắn cho giới trẻ.
Thế nhưng thực tế, có không ít người lớn chẳng những không làm gương mà lại có thói quen văng tục trước mặt bọn trẻ. Ra ngoài tiếp xúc rồi tiêm nhiễm tiếng chửi thề từ bạn bè, về nhà còn phải nghe tiếp những lời văng tục của người lớn thì chẳng có gì ngạc nhiên khi bọn trẻ cũng sẽ văng tục.
Tiếng chửi thề dù là vô tình buộc miệng hay do thói quen thì cũng tạo sự khó chịu và cái nhìn thiếu thiện cảm từ phía người khác. Nhân cách của một người phần nào sẽ được đánh giá qua lời ăn, tiếng nói. Vì vậy, cần phải loại bỏ tiếng chửi thề trong câu chuyện thường ngày.
Điều này không chỉ tốt trong quá trình giao tiếp, thể hiện sự văn minh, mà đó còn góp phần vào việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.
Phúc Trình
- Không chửi thề nói tục để cuộc sống tốt đẹp hơn
Hiểu theo nghĩa cổ, chửi thề là ngôn ngữ thô tục thường được giới giang hồ càn quấy sử dụng khi hành xử với nhau. Nhưng sự lây lan lâu dài của thứ ngôn ngữ tùy tiện này khiến nhiều người bị tiêm nhiễm, xem như chuyện bình thường.
Trong thực tế, điều khiếm khuyết của chúng ta là chưa có nhiều tiếng nói phản đối hiện tượng này. Đa số những người có văn hóa chỉ tỏ thái độ bằng cách tránh xa kẻ nói năng phàm tục, chưa dám phản đối trực diện hoặc nhắc nhở. Mặt khác, việc nhiều người lớn chửi thề cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến giới trẻ.
Từ một vài ý trên, chúng tôi nhận thấy diễn đàn của Báo Sài Gòn Giải Phóng được nhiều người quan tâm và hết lòng ủng hộ. Chúng ta cần có những biện pháp thiết thực, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa để đưa nếp sống văn hóa vào cộng đồng, bắt đầu từ việc phát ngôn lịch thiệp.
Các tổ chức chính quyền cấp cơ sở cần quan tâm vấn đề này, xem như một tiêu chí xây dựng nếp sống mới ở từng khu phố, làng xã. Các tổ chức cơ sở đoàn, đội và hội… cần có cuộc phát động nhằm giúp lớp trẻ thực hiện “không chửi thề, không nói tục”.
Văn hóa học đường muốn nâng cấp cũng phải thực hiện bằng được việc này, tạo ra bầu không khí lành mạnh từ ăn nói đến ứng xử trong giới học sinh, sinh viên.
Về góc độ giáo dục tổng thể, với một hệ thống hoàn chỉnh gồm nhiều cấp cùng bộ máy tuyên truyền ngày càng được kiện toàn, thiết nghĩ sẽ không khó nếu chúng ta thực hiện một cuộc vận động “ăn nói văn minh, ứng xử thân thiện”.
Thiết nghĩ, phê phán và triệt tiêu thói quen chửi thề là một vấn đề cần kíp, là yếu tố không thể bỏ qua nhằm làm nền tảng để thúc đẩy phong trào xây dựng nếp sống mới.
Nguyễn Đức Hòa (Q.1, TPHCM)