Ngày nay điện thoại di động (ĐTDĐ) là phương tiện liên lạc thông dụng. Ở nước ta, số thuê bao ĐTDĐ đã vượt hơn cả số dân. Thế nhưng khi ĐTDĐ trở nên phổ biến, các dịch vụ quảng cáo ăn theo cũng bùng phát và tin nhắn rác đã trở thành vấn nạn đối với người sử dụng ĐTDĐ.
“Khủng bố” người sử dụng ĐTDĐ
Những người tổ chức các dịch vụ “đen” như bói toán, cờ bạc, lô đề đã tận dụng tin nhắn qua ĐTDĐ để quảng cáo, thậm chí lừa đảo. Người sử dụng ĐTDĐ đang trở thành nạn nhân của tin nhắn rác, số lượng tin nhắn rác đổ về ĐTDĐ ngày càng nhiều. Hình như cố ý quảng cáo gây sốc với khách hàng nên nửa đêm người ta cũng không ngần ngại gửi tin nhắn lôi người sử dụng ĐTDĐ thức dậy trong lo âu vì tưởng có tin chẳng lành của người thân nhưng hiển thị trên màn hình là tin nhắn rác mời mua hàng giảm giá hoặc chiêu dụ bói toán, xem vận mệnh tương lai.
Bạn đọc Nguyễn Tường Lam (ở phường 12, quận 6, TPHCM) phản ánh, chỉ trong một buổi sáng chị bị hàng loạt tin rác “dội bom” vào máy. Tin nhắn từ số 84946539895 rao: “Bạn đang khó khăn về tiền bạc, không cần phải suy nghĩ nhiều, chỉ cần 500 đồng chắc chắn giàu to. Soạn DE gửi xxxx có ngay một con Bạch thu, giải đặc biệt cam kết 100%”. Tin nhắn từ số 841278510236 rao: “Bạn đang gặp khó khăn về tiền bạc, không cần phải suy nghĩ nhiều, chỉ cần gọi 19004xxxx, có ngay cách kiếm tiền thật dễ, cam kết 100%”. Tin nhắn từ số 84943586839 rao: “Chúc mừng bạn đã được tặng bài hát “Ngỡ như không” từ người bạn gái. Soạn tin nhắn gửi xxxx để nhận bài hát và nhận lời nhắn được ghi âm”…
Bạn đọc Trương Ngọc Trác (Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn TPHCM) than phiền nội dung, lời lẽ trong tin nhắn rác ngày càng thiếu văn hóa. Tin nhắn từ số 841244278977 vờ như gửi nhầm nhưng chủ ý đánh vào sự tò mò của người nhận được tin nhắn: “Mày đang làm gì? Rảnh thì gọi vào số này 19006925, hay lắm! Tao gọi thử rồi. Cái này tao không báo cho ai đâu. Mỗi mày thôi đấy!”. Tin nhắn từ số 841246184396 dụ: “Gọi gấp 19006928 nghe sợ vợ dã man. Cực vui cực khoái”.
Tháng 5-2012 Thanh tra Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) phát hiện, xử phạt 3 doanh nghiệp ở Hà Nội dùng USB 3G, phần mềm Scarter Connect phát tán mỗi ngày hàng chục ngàn tin nhắn rác. Đó là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển (VICC), Công ty TNHH truyền thông T.A.B.Y và Công ty cổ phần Tư vấn và Đầu tư Viễn thông tin học (INCOM).
Thủ đoạn của các công ty này là phát tán tin nhắn rác gửi tới các thuê bao ĐTDĐ nhằm quảng cáo, dẫn dụ nhắn tin tới các đầu số 6x61, 6x23, 7x68, chủ yếu có nội dung lừa đảo, thí dụ như quà âm nhạc, bói toán, cờ bạc lô đề, xổ số..., rao giá nhắn tin sử dụng dịch vụ chỉ 500 đồng, 2.000 đồng, nhưng thực tế lại thu của khách hàng 15.000 đồng. Hoặc phát tán tin nhắn rác có nội dung lừa đảo như: “Chúc mừng chủ nhân số …. Bạn nhận được quà tặng bí mật và bất ngờ theo yêu cầu của một bạn tên Nga. Để nhận quà và lời nhắn, soạn OK gửi 7768”. Thủ thuật lừa đảo khá đơn giản, không mới, nhưng nhiều người sử dụng ĐTDĐ vẫn bị lừa. Nội dung tin rác mời đánh bạc, chơi đề, không phải ai cũng biết cảnh giác để không bị dính bẫy, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa. Nhiều người nghe theo tin nhắn, chỉ cần nhắn tin đến đầu số theo hướng dẫn liền bị trừ tiền. Có người còn khốn đốn vì bị vợ ghen tuông khi bắt gặp những tin nhắn “đáng ngờ” như vậy.
Ngoài ra, còn có loại tin nhắn rác mời truy cập vào các website, khi truy cập vào các website này sẽ tự động bị trừ tiền trong tài khoản điện thoại. Những người sử dụng ĐTDĐ biết cảnh giác, không bị mắc lừa cũng rất bực mình vì thường xuyên bị quấy rầy bằng tin nhắn.
Chế tài chưa đủ răn đe
Trong tình hình đối tượng sử dụng phương tiện gửi tin nhắn rác để trục lợi, lừa đảo ngày càng nhiều, Bộ TT-TT đã có Chỉ thị 04/CT-BTTTT ngày 30-12-2011, yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng phát tán tin rác, tin nhắn lừa đảo. Theo đó, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ qua tin nhắn phải công khai niêm yết giá và điều kiện sử dụng, không được có nội dung lập lờ, dụ dỗ người sử dụng. Những trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý tùy mức độ, từ cảnh cáo, phạt hành chính, tước quyền cung cấp dịch vụ đến truy tố trách nhiệm hình sự.
Thực hiện chỉ thị này, Bộ TT-TT đã phối hợp với Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) và Cục Phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) tiến hành thanh tra theo phản ánh của người sử dụng ĐTDĐ, phát hiện và xử lý các doanh nghiệp gửi tin nhắn rác. Tất cả những doanh nghiệp vi phạm đều phải chấm dứt cung cấp dịch vụ và chịu trách nhiệm, bị xử lý theo quy định pháp luật. Thế nhưng đến nay tình trạng tin nhắn rác trên ĐTDĐ không giảm mà vẫn có chiều hướng tăng.
Trao đổi với PV Báo SGGP, luật gia Trần Đình Thu (Văn phòng Tư vấn pháp luật, Hội Luật gia Việt Nam) cho rằng tin nhắn rác hoành hành trên các mạng điện thoại là có sự bắt tay giữa công ty mạng điện thoại và đơn vị cung cấp dịch vụ. Vì lợi nhuận thu được từ dịch vụ nhắn tin quá lớn đã làm “mờ mắt” đơn vị dịch vụ sử dụng mạng cũng như công ty mạng. Việc các công ty viễn thông phát hành SIM rác thiếu quản lý, đã tiếp tay cho nạn tin nhắn rác bùng phát. Biện pháp chế tài đối với các đối tượng vi phạm trong việc phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo vẫn chưa đủ sức răn đe.
Theo Nghị định 90/2008/NĐ-CP ngày 13-8-2008 về chống thư rác, mức phạt cao nhất đối với hành vi phát tán tin nhắn rác không được phép của chủ thuê bao điện thoại là 40 triệu đồng. Mức phạt này quá nhẹ nên nhiều đơn vị sẵn sàng vi phạm.
Trần Yên