* PHÓNG VIÊN: Ông có thể nói gì về tình hình hoạt động trong năm đầu tiên của tuyến buýt đường thủy Bạch Đằng - Linh Đông?
* Ông TRẦN QUANG LÂM: Trước hết, xin tóm lược về sự phát triển của hoạt động vận tải hành khách đường thủy nói chung trên địa bàn thành phố. Từ đầu năm 2018 đến nay, vận tải hành khách đường thủy đã vận chuyển được 900.000 lượt hành khách, tăng 155% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng lĩnh vực vận tải hành khách trên tuyến buýt đường thủy Bạch Đằng (quận 1) - Linh Đông (quận Thủ Đức), hay còn gọi tuyến buýt đường thủy số 1, tính đến đầu tháng 11 năm nay đã vận chuyển được 276.000 lượt hành khách. Trung bình mỗi ngày có khoảng 780 lượt hành khách chọn tuyến buýt đường thủy số 1. Công suất khai thác hàng ngày tính ra đạt bình quân 83%, riêng các ngày nghỉ cuối tuần và ngày lễ công suất khai thác đạt tới 95%.
Từ khi bắt đầu khai thác đến hết quý 2-2018, bình quân mỗi ngày có 18 lượt chạy tàu, còn trong quý 3 và quý 4-2018, có 26 lượt chạy tàu/ngày. Thời điểm đông khách nhất trong ngày rơi vào các khung giờ từ 8 giờ 30 đến 11 giờ và từ 15 giờ đến 17 giờ.
Thời gian lưu thông trên tất cả các chuyến đều đúng theo lịch chạy tàu, từ đó tạo được sự thuận lợi và yên tâm về kế hoạch chuyến đi của hành khách. Quá trình hoạt động của phương tiện cũng như điều kiện an toàn tại bến luôn được lực lượng Cảng vụ Đường thủy nội địa TPHCM giám sát chặt chẽ.
Hiện giá vé của tuyến buýt đường thủy số 1 là 15.000 đồng/lượt hành khách, miễn vé đối với người già trên 70 tuổi và trẻ em cao dưới 1m đi cùng người lớn.
* Tình hình đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, bến bãi của tuyến buýt đường thủy số 1 đến nay được thực hiện như thế nào, thưa ông?
* Theo Quyết định phê duyệt số 5080/2015 của UBND TPHCM, tuyến buýt đường thủy số 1 Bạch Đằng - Linh Đông có chiều dài khai thác 10,8km. Lộ trình tuyến từ bến Bạch Đằng (quận 1) đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa rồi ra lại sông Sài Gòn để đến khu vực phường Linh Đông thuộc quận Thủ Đức tại vị trí giáp bến khách ngang sông Bình Quới và ngược lại. Suốt lộ trình này được quy hoạch tổng cộng 9 bến đón - trả khách, đi qua địa bàn các quận: 1, 2, Bình Thạnh và Thủ Đức. Cho đến nay đã cơ bản hoàn thành 5/9 bến để đưa vào khai thác. Đó là các bến Bạch Đằng - quận 1, bến Bình An - quận 2, bến Thanh Đa - quận Bình Thạnh và 2 bến thuộc địa bàn quận Thủ Đức là bến Hiệp Bình Chánh và bến Linh Đông. 4 bến còn lại đang được nhà đầu tư tiếp tục triển khai xây dựng là bến Saigon Pearl, bến Tầm Vu, bến Thảo Điền và bến Bình Triệu. 4 bến này sẽ được đưa vào khai thác trong năm 2019.
Đến nay, nhà đầu tư đã đưa 4 phương tiện với sức chở 75 hành khách/phương tiện vào vận hành ổn định. Một phương tiện nữa sẽ được vào khai thác trong năm 2019. Trong thời gian tới, nhà đầu tư sẽ bổ sung loại phương tiện có sức chở nhỏ hơn, loại dưới 50 hành khách, vào phục vụ nhằm nâng công suất và số lượt tàu khai thác trên tuyến.
Việc kết nối giao thông tuyến buýt đường thủy số 1 với hệ thống đường bộ hiện hữu đã được quan tâm thực hiện ngay từ đầu. Hiện nay đã bố trí các trạm xe buýt đường bộ kết nối với bến Bạch Đằng, bến Bình An, bến Thanh Đa và bến Hiệp Bình Chánh. Bến Linh Đông cũng có một trạm xe buýt nằm cách đó 800m. Trung tâm Quản lý giao thông công cộng thuộc Sở GTVT cũng đã có phương án kết nối bằng xe buýt nhỏ đến đầu bến Linh Đông. Trong khi đó, nhà đầu tư tuyến buýt đường thủy số 1 là Công ty Thường Nhật cũng sẽ triển khai sử dụng xe điện từ đầu bến Bạch Đằng kết nối với các khách sạn, siêu thị ở khu trung tâm thành phố. Ngoài ra, có thể bố trí các tuyến xe điện kết nối từ bến Bình An, bến Thảo Điền đến các khu vực lân cận trên địa bàn quận 2.
* Định hướng phát triển buýt đường thủy trong thời gian tới sẽ như thế nào, đặc biệt vấn đề kết hợp khai thác loại hình du lịch sông nước?
* Chúng tôi cho rằng, buýt đường thủy là loại hình vận tải công cộng lần đầu tiên được thực hiện không chỉ trên địa bàn TPHCM mà còn trên cả nước. Loại hình này là một trong những tiền đề để góp phần phát triển vận tải hành khách công cộng và du lịch đường thủy của thành phố. Với đặc thù khai thác tiềm năng sông nước, loại hình buýt đường thủy đã tạo ra nét đẹp văn hóa sông nước sinh động của thành phố. Sau năm đầu tiên hoạt động, tuyến buýt đường thủy số 1 đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ nhiều hành khách. Họ cho biết ngồi trên phương tiện vận tải này, được thụ hưởng không gian thoáng đãng, yên bình và hiện đại, cũng như cảm giác gần gũi với môi trường thiên nhiên.
Để phát triển hơn nữa loại hình buýt đường thủy kết hợp du lịch sông nước, trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tập trung thực hiện nhiều giải pháp, bao gồm công tác nạo vét luồng tuyến nhằm đảm bảo chuẩn tắc luồng theo phân cấp đường thủy nội địa, rà soát quy hoạch đô thị dọc bờ sông, xây dựng tiêu chí kỹ thuật bến thủy nội địa, xây dựng kế hoạch kêu gọi đầu tư xã hội hóa các tuyến vận tải hành khách và du lịch bằng đường thủy.
* Những luồng tuyến nào có thể kêu gọi xã hội hóa đầu tư hoạt động vận tải hành khách và du lịch bằng đường thủy?
* Trong thời gian tới, Sở GTVT sẽ tiếp tục triển khai và kêu gọi tham gia đầu tư theo mô hình xã hội hóa vào nhiều tuyến vận tải hành khách kết hợp du lịch đường thủy. Có thể kể đến các tuyến tiêu biểu như tuyến Bạch Đằng - sông Sài Gòn - Rạch Chiếc - sông Đồng Nai với chiều dài 15km; tuyến sông Sài Gòn - kênh Tẻ - kênh Đôi dài 16km; tuyến sông Sài Gòn - mũi Đèn Đỏ - sông Nhà Bè cự ly 14km; tuyến sông Sài Gòn - sông Vàm Thuật - cầu An Lộc cự ly 17km; tuyến sông Sài Gòn - kênh Tẻ - rạch Ông Lớn - rạch Đỉa - sông Phú Xuân - sông Soài Rạp với chiều dài tuyến 23km.
Riêng 2 tuyến Bạch Đằng, TPHCM - Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương dài 32km, dự kiến đưa vào khai thác trước ngày 30-4-2019 và tuyến Bạch Đằng, TPHCM - bến tàu Côn Đảo thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu dự kiến khai thác trong tháng 3-2019.