Vần thơ Ve Sầu “Để lòng luôn rực lửa niềm tin”

Từ lúc mới sinh, Nguyễn Thế Quy (27 tuổi, ở thôn Xuyên Tây 3, thị trấn Nam Phước, Quảng Nam) đã bị di chứng bẩm sinh chất độc da cam với cơ thể tật nguyền, 2 chân co quắp và 2 tay xiêu vẹo. Vậy mà bằng nghị lực phi thường, Quy đã vươn lên, dùng những ngón chân tập viết, miệt mài học chữ với những ước mơ đổi đời…
Vần thơ Ve Sầu “Để lòng luôn rực lửa niềm tin”

Từ lúc mới sinh, Nguyễn Thế Quy (27 tuổi, ở thôn Xuyên Tây 3, thị trấn Nam Phước, Quảng Nam) đã bị di chứng bẩm sinh chất độc da cam với cơ thể tật nguyền, 2 chân co quắp và 2 tay xiêu vẹo. Vậy mà bằng nghị lực phi thường, Quy đã vươn lên, dùng những ngón chân tập viết, miệt mài học chữ với những ước mơ đổi đời…

Nguyễn Thế Quy theo đuổi ước mơ làm thiết kế đồ họa

Những vần thơ không tật nguyền

Trở về từ chiến trường, cha của Quy là Nguyễn Thế Quyền không hề hay biết mình nhiễm phải chất độc da cam. Ông dường như chết lặng trước gương mặt méo xệch khi con trai nhỏ ra đời. Cơ thể yếu ớt cộng với những cơn động kinh co giật khiến Quy không thể đến trường học như bạn bè cùng trang lứa. Nhà lại ở bên cạnh trường, hàng ngày nhìn các bạn cắp sách đến trường, thi thoảng lắng nghe tiếng giảng bài của cô giáo, trong Quy dấy lên niềm ham học lạ kỳ. Thương con, ông Quyền đành đăng ký cho Quy đi học dự thính. Ngày nào Quy cũng ngồi dưới nền đất trước cửa lớp để nghe cô giáo giảng bài, chân ngọ nguậy kẹp bút viết những chữ đầu tiên trong đời khiến ai nấy đều cảm phục.

Lên 11 tuổi, Nguyễn Thế Quy lấy cho mình bút danh “Ve sầu” và tập tành viết những vần thơ đầu tiên. Chủ đề Quy viết thơ thường là quê hương, gia đình, bạn bè và đặc biệt về mẹ, bởi như lời Quy nói: “Dù ở trong mơ, mình vẫn luôn tha thiết gặp lại mẹ. Cuộc sống cơ cực quá, thêm phần mình tật nguyền khiến mẹ không chịu nổi phải bỏ đi biệt tích. Qua thơ, mình mới cảm được nét đẹp cuộc đời mang lại và hơn thế nữa, mình chưa bao giờ thấy bản thân tật nguyền”. Để viết nên những vần thơ, Quy phải tìm cho mình một điểm tựa lưng mới có thể kẹp cây viết vào chân. Đến nay, Quy đã sáng tác hơn 300 bài thơ và xuất bản 2 tập thơ: Khát Vọng năm 2011 và Khoảng Vắng năm 2015. Cũng nhờ vào số tiền nhuận bút thơ, Quy chắt mót lo cuộc sống gia đình. Ông Quyền rớm nước mắt: “Coi vậy chứ thằng nhỏ giỏi lắm, tìm đủ mọi cách kiếm tiền nuôi sống bản thân và gia đình. Nhiều khi cầm đồng tiền nó gửi để chi tiêu ăn uống, thuốc thang mà tui không đành lòng!”.

Viết tiếp ước mơ “Quán Ve Sầu”

Nhiều người dân ở thị trấn Nam Phước không còn xa lạ gì với hình ảnh Quy cố sức trên chiếc xe lăn rong ruổi bán nhang dạo. Anh Nguyễn Đức Cường, người dân thị trấn Nam Phước, cảm phục: “Không quản nắng mưa hay khổ cực, ngày nào Quy cũng dậy thật sớm ngồi xe lăn đi bán nhang. Đôi khi vài khách lạ trên đường thương tình, dừng lại gửi thằng bé ít tiền nhưng nó nhất quyết không nhận”. Không chỉ bán nhang, rồi làm thơ, Quy còn đăng ký học thêm thiết kế đồ họa dành cho người khuyết tật để viết tiếp ước mơ mở một tiệm in ấn, thiết kế đồ họa.

Qua bao năm vất vả, miệt mài làm lụng hăng say, tháng 9-2013, Quy lấy toàn bộ số tiền chắt chiu được bấy lâu mở “Quán Ve Sầu”. Cửa tiệm tuy nhỏ nhưng không gian đủ chứa bao vần thơ và cả niềm mơ ước thiết kế đồ họa của Quy. Những công việc như thiết kế thiệp cưới, giấy khen, danh thiếp, ghi đĩa, ghép nhạc, video…, Quy đều làm một cách chuyên nghiệp và thành thạo trên máy tính. Đôi chân co quắp tưởng rằng sẽ chẳng làm được gì, vậy mà Quy lại tạo ra hàng trăm sản phẩm đẹp mắt cho người tiêu dùng chỉ bằng những cái nhấp chuột từ ngón chân. Giọng nói tuy ngọng nghịu, khó nghe nhưng khách hàng đến với “Quán Ve Sầu” của Quy lại vô cùng thích thú, có người vì khâm phục nên muốn ủng hộ Quy, cũng người muốn thưởng thức mấy vần thơ Quy sáng tác. Người tật nguyền bẩm sinh vì chất độc da cam ngày nào, giờ đã lột xác biến thành một “Ve Sầu” chăm chỉ, giỏi giang và tràn đầy nghị lực sống, hệt như những vần thơ bài trí trong góc “Quán Ve Sầu”: Đừng buồn nhé!/ Hãy tràn trề hy vọng/ Để cho lòng luôn rực lửa niềm tin.

NHƯ TRANG

Tin cùng chuyên mục