Khu công nghiệp (KCN) Hoàng Mai tại huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An do Công ty cổ phần Đầu tư Dầu khí V.I.P Việt Nam làm chủ đầu tư có diện tích 289,67 ha, được khởi công ngày 26-11-2008 với tổng mức đầu tư 812 tỷ đồng. Đây là KCN có vị trí thuận lợi để phát triển với việc gần Khu kinh tế và cảng nước sâu Nghi Sơn (Thanh Hóa), nằm cạnh quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam...
Những tưởng KCN này sẽ sớm trở thành đòn bẩy đánh thức vùng kinh tế còn nghèo vùng Nam Thanh Bắc Nghệ. Thế nhưng, sau khi tiến hành san lấp mặt bằng, đến nay, KCN này “bỗng” trở thành bãi cỏ để người dân chăn bò trên chính mảnh đất vốn trước đây là đồng lúa, hoa màu…
Mặc dù nằm cạnh quốc lộ 1A, nhưng KCN Hoàng Mai chẳng có gì tạo ấn tượng cho người qua lại. Mặc dù gọi là KCN nhưng không hề thấy bóng dáng những tốp công nhân, nhà máy, công xưởng... Thay vào đó là những bãi cỏ, còn lại là lác đác một vài tòa nhà, mấy bức tường nham nhở. Nếu không có cái cổng to đùng hình vòng cung ghi “Khu công nghiệp Hoàng Mai” có lẽ không ít người nhầm tưởng đây là bãi thả bò.
Đi vào trong KCN, qua cổng thì con đường được rải nhựa và những hàng đèn đường tạm gọi là có “dấu ấn”, nhưng càng đi sâu vào bên trong càng thấy nham nhở. Các bóng đèn đường bị hư hỏng, những gốc cây cau cảnh chết rụi trơ gốc đen thui, hàng cây trồng dọc tuyến đường phân lô trơ trụi, còi cọc... Bên dòng kênh vẫn còn dấu tích của trạm bơm nước với vòi bơm hướng lên cánh đồng mà giờ đây là bãi cỏ.
Chúng tôi đi một vòng vẫn không thể hình dung được vị trí đúng ra bây giờ là một nhà máy sắt xốp trị giá 1 tỷ USD. Nhà máy này được khởi công (khá hoành tráng) vào tháng 7-2010 và dự kiến sẽ đi vào hoạt động năm 2013. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm cho đến hiện tại chẳng hề thấy bóng dáng của nhà máy đâu. Nghe đâu sau khi khởi công, nhà đầu tư tiến hành khảo sát mới phát hiện khu vực này không đảm bảo cho việc xây dựng nhà máy nên ngừng.
Trong KCN chúng tôi gặp ông Trường Văn Hằng (75 tuổi, xóm 9A, xã Quỳnh Lộc). Ông Hằng ngồi đan sàng gạo trên một nắp cống, móm mém cười: “Còn đất mô nữa mà trâu cày ruộng”. Ông bà được 2 sào ruộng đều nằm trong diện thu hồi. Hiện ông bà đang ở với đứa con trai út. Mỗi sáng ông lại đưa 3 con bò ra bãi cỏ ở KCN chăn dắt, tranh thủ ông đan sàng gạo để kiếm thêm 45.000 đồng/cái.
Cách nơi ông Hằng không xa là ông bạn cùng xóm Phạm Văn Tình (78 tuổi). Gia đình ông Tình có tới 8 người con, nhưng trước đây vợ chồng ông sống riêng. Ông bà có 2 sào đất, được đền bù 86 triệu đồng/sào. Sau khi hết đất làm ruộng và hoa màu, ông bà quay sang phụ giúp các con, bà lo việc ở nhà còn ông thì chăn bò. “Sót ruột lắm mấy chú ơi. Biết là nhận tiền đền bù rồi, nhưng họ không làm mà bỏ đó. Thấy đất nằm không mà tiếc đứt ruột, nhưng muốn tranh thủ canh tác cũng chịu vì họ đổ đất, đá núi xuống rồi thì mần răng được nữa. May mà còn cỏ mọc để chăn bò”. Chính vì thế mà nhiều hộ dân đã tranh thủ những phần đất chưa bị san nền để trồng lúa, hoa màu, nhưng thực tế thu hoạch cũng chả được là bao vì hệ thống tưới tiêu đã bị phá vỡ do việc san lấp nền KCN.
Ông Nguyễn Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lộc cho biết, xã có 6 xóm bị ảnh hưởng bởi dự án KCN Hoàng Mai, trong đó nhiều nhất là các xóm 9A, 9B, 10. Trong kế hoạch thu đất cho dự án là 153ha và đã tiến hành được 126,9ha. Tưởng rằng có KCN xã sẽ có “chỗ dựa” để phát triển kinh tế - xã hội. Nhưng ích lợi đến giờ chưa thấy đâu đã xuất hiện những bất cập. Nhà đầu tư còn nợ 17 hộ dân trên 700 triệu đồng tiền đền bù, xã cũng bị nợ trên 5 tỷ đồng tiền đền bù đất công ích. Con đường vào xã trước đây được đầu tư khá đẹp thì nay nhiều đoạn bị hư hỏng vì quá trình chở đất san nền KCN. Cả xã có 50 - 60ha đất nông nghiệp thuộc loại tốt thì KCN lấy mất, hiện chỉ còn khoảng 5 - 6ha. Nhưng vấn đề khiến người dân cũng như chính quyền xã đau đầu, đó là cuộc sống của người dân nằm trong diện di dời. 63 hộ dân tại các xóm 8, 9A, 9B và một phần xóm 10 đang ở trong tình trạng “đi cũng dở ở không xong”. Bà con đã làm đơn lên đề nghị xã cho sửa sang lại nhà cửa, nhưng xã cũng “bó tay” vì không đủ thẩm quyền. Một số hộ dân xin không được đành làm liều, âm thầm sửa nhà mà không báo cáo nữa.
“Nếu KCN không hoạt động sẽ xảy ra nhiều áp lực đối với địa phương. Hiện đã có khoảng 15% số hộ dân đã nhận tiền đền bù bắt đầu rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Huyện Quỳnh Lưu cũng đang có chương trình hỗ trợ học nghề để đón đầu, nhưng người dân rất băn khoăn không biết học nghề gì để đón đầu khi KCN chưa đi vào hoạt động” - ông Nguyễn Văn Bắc chia sẻ.
Duy Cường